Nâng cao nhận thức cho hội viên nông dân về phát triển kinh tế tập thể
Kinh tế tập thể luôn gắn liền với nông nghiệp, nông dân, nông thôn, là thành phần quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Chính vì vậy, công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nông dân nâng cao nhận thức về kinh tế tập thể, tích cực tham gia xây dựng hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của các cấp Hội và phong trào nông dân.
Để giúp cán bộ, hội viên nông dân từng bước nâng cao nhận thức, hiểu biết rõ hơn vai trò, vị trí của kinh tế tập thể trong nền kinh tế. Hàng năm, các cấp Hội thực hiện đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền sát với thực tiễn thông qua sinh hoạt chi, tổ Hội, các loại hình câu lạc bộ nông dân, lồng ghép với các cuộc họp do cấp ủy và chính quyền địa phương tổ chức, qua các cuộc tọa đàm, đối thoại, nói chuyện chuyên đề, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, phối hợp xây dựng mô hình trình diễn, dự án, đề án, tập huấn, hội thảo chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ trong sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, tổ chức cho hội viên nông dân tham quan học hỏi mô hình kinh tế hiệu quả và tham gia hội chợ giới thiệu, quảng bá nông sản.
Từ năm 2014 đến nay, các cấp Hội đã tuyên truyền về kinh tế tập thể cho gần 556.000 lượt người; phối hợp tổ chức trên 1.000 lớp tập huấn về khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp cho 48.650 lượt hội viên nông dân và gần 860 buổi hội thảo tuyên truyền, tư vấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi cho 69.700 lượt hội viên nông dân; triển khai tổ chức 985 buổi trợ giúp pháp lý cho hơn 996.141 lượt hội viên; phối hợp xây dựng và nhân rộng được 2.289 mô hình kinh tế hộ; tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng được 268 mô hình sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm thu hút 2.808 hộ tham gia. Bên cạnh đó, hằng năm các cấp Hội còn đẩy mạnh tuyên truyền tập hợp, thu hút và kết nạp hội viên mới, từ năm 2014 đến nay, phát triển được 47.817 hội viên, nâng tổng số hội viên hiện có 148.977 người, sinh hoạt tại 124 cơ sở Hội, 755 chi hội và 3.250 tổ hội.
Đặc biệt, để củng cố và xây dựng các THT, HTX, thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh đã chú trọng nhân rộng các mô hình THT, HTX có cách thức tổ chức và quản lý hay, hiệu quả để tuyên truyền nhân diện rộng. Bên cạnh đó các cấp Hội đã có nhiều hình thức, biện pháp giúp các THT, HTX tiếp cận khoa học, kỹ thuật, dạy nghề, nguồn vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh. Từ năm 2014 đến nay, các cấp Hội đã phối hợp với các cơ quan, ngành chức năng, doanh nghiệp… tổ chức thực hiện nhiều cuộc hội thảo, lớp tập huấn, diễn đàn, mô hình, đề án, dự án… nhằm chuyển giao kiến thức khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp cho trên 591.600 lượt hội viên nông dân. Đến nay, các cấp Hội đã vận động, hướng dẫn, xây dựng thành lập được 510 mô hình kinh tế hợp tác (trong đó có 435 tổ hợp tác và 75 hợp tác xã sản xuất và dịch vụ) trên các lĩnh vực: Trồng trọt, chăn nuôi, chế biến, tiêu thụ nông sản và các lĩnh vực chuyên ngành theo sở thích... Một số mô hình hoạt động có hiệu quả như: Tổ hợp tác sản xuất giống lúa xác nhận xã Bắc Ruộng (Tánh Linh); trồng táo trong nhà lưới xã Phước Thể (Tuy Phong); chăn nuôi bò sinh sản xã Hàm Kiệm (Hàm Thuận Nam); HTX Thanh long Thuận Hòa (Hàm Thuận Bắc); HTX Thanh long Thuận Tiến (Hàm Thuận Bắc)…
Cùng với đó, trong 10 năm qua, Trung tâm Hỗ trợ nông dân (thuộc Hội Nông dân tỉnh) đã tổ chức 95 lớp đào tạo nghề dưới 3 tháng cho 3.127 người, cấp huyện phối hợp Trung tâm Hướng nghiệp tổ chức 956 lớp dạy nghề cho 32.813 người, chủ yếu các nghề ngắn hạn như: trồng rau, trồng thanh long, chăn nuôi, trồng cây ăn trái, cây cảnh, thuyền trưởng, máy trưởng... trên 80% học viên sau khi học đều có việc làm ổn định.
Để tăng cường vai trò, hiệu quả tham gia của tổ chức Hội Nông dân trong hoạt động cũng như công tác tuyên truyền kinh tế tập thể, thời gian tới, các cấp Hội sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo”, phát triển các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến ở các cấp hội để tuyên truyền, nhân rộng. Qua đó, phát huy ý chí tự lực, tự cường, vươn lên làm giàu thực sự trở thành chủ thể trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.