300 triệu đồng/kg củ sâm Lai Châu, nhiều người săn lùng
Vì là loài sâm quý, sâm Lai Châu bị người dân bản địa, du khách, các nhà buôn bán thảo dược trong và ngoài nước săn lùng gay gắt, khai thác tận diện.
Chiều 1-7, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Thanh Nam chủ trì diễn đàn ‘Kết nối sản xuất và thương mại nông lâm sản các tỉnh Tây Bắc’ tổ chức tại Sơn La.
Sơn La hướng phát triển nông nghiệp theo chiều sâu
Tây Bắc được đánh giá là vùng tiềm năng trong phát triển nông lâm sản hàng hóa. Những năm gần đây, nhờ sự đầu tư của Nhà nước và quyết tâm của địa phương, khu vực này đã hình thành các vùng chuyên canh tập trung, đưa giá trị xuất khẩu nông sản năm 2024 đạt khoảng 245 triệu USD.
Đơn cử, tại Sơn La, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thành Công cho biết tỉnh này hiện là vùng sản xuất nguyên liệu nông nghiệp lớn của cả nước, với gần 120 ngàn ha cây ăn quả và cây công nghiệp lâu năm, sản lượng tương ứng đạt 510 ngàn tấn và 102 ngàn tấn. Đặc biệt, tỉnh đã hình thành các vùng chuyên canh xoài, nhãn, chanh leo, mận hậu…

Ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, cho biết tỉnh này hiện đang là vùng sản xuất nguyên liệu nông nghiệp lớn của cả nước. Ảnh: Tùng Đinh
Toàn tỉnh hiện có 216 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu, 201 chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn, hơn 5.500ha đạt tiêu chuẩn VietGAP và gần 30 ngàn tấn cà phê được chứng nhận bền vững. Công tác chế biến và tiêu thụ được đẩy mạnh, thông qua gần 560 cơ sở chế biến, hàng ngàn điểm sấy long nhãn, hệ thống kho lạnh, đưa nông sản vào chuỗi siêu thị lớn và sàn thương mại điện tử.
Trong định hướng sắp tới, ông Công cho biết tỉnh xác định rõ nông nghiệp muốn phát triển bền vững thì phải đi vào chiều sâu, nâng cao hàm lượng chế biến sau thu hoạch, thúc đẩy sản phẩm đặc sản, có thế mạnh gắn với thị trường.
Còn Điện Biên, tỉnh miền núi biên giới nằm ở cực Tây Bắc của Tổ quốc, cũng đang có hơn 4 ngàn ha cây ăn quả như xoài, dứa, mít, bưởi, lê. Cây ăn quả tỉnh Điện Biên bước đầu chuyển dần từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất tập trung, tạo thành vùng nguyên liệu phục vụ liên kết và chế biến sản phẩm. Bước đầu hình thành 5 vùng sản xuất cây ăn quả tập trung.
Với cây công nghiệp lâu năm, diện tích cây cà phê trên địa bàn tỉnh đang đạt hơn 4,7 ngàn ha; cây chè đạt hơn 600 ha; cao su hơn 5 ngàn ha; mắc ca hơn 12 ngàn ha.
150-300 triệu đồng/kg sâm Lai Châu tươi
Tại Lai Châu, khí hậu mát mẻ quanh năm và hệ sinh thái rừng nguyên sinh đa dạng là vùng đất lý tưởng cho sự sinh trưởng và phát triển của các loài dược liệu đặc hữu.
Ông Bùi Huy Phương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Lai Châu, cho biết toàn tỉnh hiện có trên 23 ngàn ha trồng dược liệu các loại, với các loài chủ lực như quế, thảo quả, sa nhân, sơn tra, sâm Lai Châu, thất diệp nhất chi hoa. Sản lượng dược liệu khai thác hàng năm ước đạt 3.000 tấn, minh chứng cho tiềm năng phát triển dược liệu to lớn của tỉnh.

Trưng bày các sản phẩm chế biến sâu từ sâm Lai Châu. Ảnh: AH
“Trong các loài dược liệu được phát triển trên địa bàn tỉnh, nổi bật nhất phải kể tới sâm Lai Châu. Vì là loài sâm quý và giá trị hàng đầu thế giới, sâm Lai Châu bị người dân bản địa, du khách, các nhà buôn bán thảo dược săn lùng gay gắt, khai thác tận diện.
Năm 2019, sâm Lai Châu được Chính phủ đưa vào danh mục thực vật rừng nguy cấp quý hiếm (nhóm IIA) tại Nghị định số 06/2019. Nhận thức được tiềm năng lớn lao đó, tỉnh Lai Châu đã chủ động triển khai nhiều chương trình bảo tồn và phát triển” - ông Phương nói.
Theo ông Phương, hoạt động chế biến và tiêu thụ sâm Lai Châu đang được thực hiện mạnh mẽ. Hiện tỉnh có hai tổ chức sản xuất và đưa sản phẩm sâm Lai Châu ra thị trường với sản phẩm rất đa dạng như: củ sâm tươi, trà lá sâm Lai Châu (đạt OCOP 3 sao), sâm ngâm mật ong, yến chưng sâm Lai Châu, rượu lá sâm...
“Sâm Lai Châu hiện có giá bình quân từ 150 triệu đồng đến 300 triệu đồng/kg củ tươi. 1 ha sau khi trồng từ 7 năm trở lên có thể thu được 15-16 tỉ đồng” - ông Phương thông tin.

Sâm Lai Châu là loài cây bản địa, đặc hữu, phân bố hẹp trên địa bàn tỉnh Lai Châu, được người dân bản địa sử dụng làm thuốc từ rất lâu. Ảnh: Báo NNMT
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số thách thức và hạn chế cần giải quyết để sâm Lai Châu phát triển bền vững. Đó là thị trường Sâm Lai Châu hiện còn hẹp, sản phẩm chưa đa dạng và chế biến chưa sâu. Đáng lo ngại là tình trạng sâm ở một số nước ngoài vận chuyển về Việt Nam đội lốt sâm Lai Châu, lấy thương hiệu sâm Lai Châu tiến triển rất phức tạp, gây ảnh hưởng lớn đến thương hiệu và giá trị của sâm Lai Châu trong mắt người tiêu dùng.
Theo ông Phương, từ đầu năm 2022 đến nay, các lực lượng chức năng của tỉnh đã xử lý 40 vụ vi phạm, trong đó 37 vụ vi phạm hành chính, tịch thu trên 700 kg củ, thân, lá Sâm; xử lý hình sự 3 vụ, tịch thu trên 300 kg sâm.
"Tỉnh đã và đang tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiêm túc triển khai các hoạt động phòng chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, đột lốt sâm Lai Châu gây ảnh hưởng đến thương hiệu sâm Lai Châu của tỉnh" - ông Phương cho biết.
Nguồn PLO: https://plo.vn/300-trieu-dongkg-cu-sam-lai-chau-nhieu-nguoi-san-lung-post858242.html