Cần có sự liên kết chặt chẽ giữa sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ nông sản

Tây Bắc là vùng có nhiều tiềm năng, lợi thế về phát triển nông lâm sản hàng hóa với giá trị hàng hóa nông sản tham gia xuất khẩu năm 2024 đạt khoảng 245 triệu USD. Tuy vậy, tỷ lệ sản phẩm được chứng nhận chất lượng còn thấp; liên kết chuỗi, chế biến và bảo quản sau thu hoạch chưa đồng bộ, ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh trên thị trường.

Chiều 1/7, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) Trần Thanh Nam, Báo Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với Hội Làm vườn Việt Nam; Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường; Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật; Văn phòng SPS Việt Nam; Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam; Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam; Sở Nông nghiệp và Môi trường Sơn La tổ chức Diễn đàn "Kết nối sản xuất và thương mại nông lâm sản các tỉnh Tây Bắc" tại tỉnh Sơn La.

Theo ông Lê Quốc Doanh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong những năm gần đây, các địa phương ở Tây Bắc đã nỗ lực và chủ động trong việc chuyển đổi sản xuất, tận dụng các cơ hội và lợi thế của vùng để phát triển các sản phẩm nông nghiệp có giá trị cao. Các sản phẩm như cà phê, chè, cây ăn quả đặc sản đã được phát triển và đạt được nhiều thành tựu. Diện tích trồng cà phê ở Tây Bắc tăng 54% và sản lượng tăng 265% trong 10 năm qua.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh phát biểu tại diễn đàn.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh phát biểu tại diễn đàn.

Ông Doanh cũng chỉ rõ, một trong những khó khăn mà Tây Bắc đang phải đối diện là các tổ hợp sản xuất nông nghiệp mới đòi hỏi quy trình canh tác và quản lý khác với cây trồng truyền thống. Tuy nhiên, tỷ lệ chứng nhận chất lượng sản phẩm vẫn chưa cao bằng các vùng khác.

Do đó, các tỉnh Tây Bắc cần có thông tin khoa học, phổ biến kiến thức để nông dân tiếp cận và áp dụng các kỹ thuật mới. Cần có sự liên kết chặt chẽ giữa sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm. Cần có sự hợp tác, phối hợp giữa các cơ quan, doanh nghiệp và địa phương để tháo gỡ các khó khăn.

Ông Doanh cho rằng, cần tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi sản xuất, tập trung vào các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế cạnh tranh. Tăng cường công tác khuyến nông, đào tạo nông dân về các kỹ thuật canh tác mới. Xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp, từ sản xuất đến tiêu thụ. Tăng cường liên kết giữa các cơ quan, doanh nghiệp và địa phương để hỗ trợ nông dân.

Chia sẻ tại diễn đàn, ông Lò Hồng Phong, Phó Giám đốc Sở NN&MT tỉnh Điện Biên đề nghị Bộ hỗ trợ tỉnh tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, chương trình đào tạo kỹ thuật canh tác, xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn quốc tế và phát triển thương hiệu nông sản chủ lực.

Với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng đặc thù của vùng Tây Bắc, Điện Biên có nhiều tiềm năng để phát triển các loại cây có giá trị kinh tế cao như xoài, bưởi, dứa, mắc ca, cà phê, chè và cao su. Tính đến năm 2024, tỉnh đã bước đầu hình thành được 5 vùng sản xuất cây ăn quả tập trung với quy mô 3.000ha.

Ông Phong đánh giá, dù đạt được nhiều kết quả tích cực, Điện Biên vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức lớn như: Thiếu liên kết bền vững giữa nông dân và doanh nghiệp, hệ thống logistics còn hạn chế, chế biến sâu và bảo quản sau thu hoạch chưa đáp ứng yêu cầu phát triển hàng hóa quy mô lớn.

Lai Châu mong muốn được giúp sức phát triển loại sâm quý.

Lai Châu mong muốn được giúp sức phát triển loại sâm quý.

Ông Bùi Huy Phương, Giám đốc Sở NN&MT Lai Châu cho biết, toàn tỉnh hiện có trên 23.000ha trồng dược liệu các loại, với các loài chủ lực như quế, thảo quả, sa nhân, sơn tra và sâm Lai Châu... Sản lượng dược liệu khai thác hàng năm ước đạt 3.000 tấn, minh chứng cho tiềm năng phát triển dược liệu to lớn của tỉnh.

Trong các loài dược liệu được phát triển trên địa bàn tỉnh, nổi bật nhất phải kể tới sâm Lai Châu. Sâm Lai Châu là loài cây bản địa, đặc hữu, phân bố hẹp trên địa bàn tỉnh Lai Châu, được người dân bản địa sử dụng làm thuốc từ rất lâu với tên gọi tam thất đen, tam thất đỏ.

Ông Phương cho biết, Lai Châu rất cần đến sự giúp sức của các nhà đầu tư, nhà khoa học và cơ quan quản lý tại trung ương cùng chung sức giải quyết một số nút thắt, cản trở sự phát triển của sâm Lai Châu như: Tháo gỡ bất cập trong cấp mã số cơ sở trồng sâm Lai Châu, đảm bảo hiệu quả và thuận lợi cho cơ quan quản lý ở địa phương và đơn vị sản xuất sâm.

“Dù có cái được, cái mất nhưng đến giờ có thể khẳng định là doanh nghiệp đã hỗ trợ, phát triển các nông sản thế mạnh cho Sơn La”, ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Doveco), chia sẻ về hành trình đầu tư nhà máy chế biến tại Sơn La từ năm 2023. Chỉ sau hơn một năm đứng chân, Doveco không chỉ mở ra hướng đi mới cho những cây trồng chủ lực như xoài, nhãn, ngô ngọt hay rau chân vịt, mà còn định vị lại tiềm năng nông nghiệp vùng cao với tư duy “làm lớn từ những điều giản dị”.

“Chúng tôi đã hỗ trợ tiêu thụ được 10% sản lượng xoài địa phương năm vừa rồi và phấn đấu đạt 20% vào năm tới”, ông Khuê nói.

Không dừng lại ở xoài, Doveco mở rộng thu mua với các loại cây trồng dễ chăm, ít rủi ro như dứa và chanh leo, 2 sản phẩm gần như không có tính thời vụ. “Dứa có thể thu hoạch quanh năm, chanh leo cũng vậy, dễ trồng, ít sâu bệnh. Đây là điều mà ngành nông nghiệp các tỉnh Tây Bắc nên đặc biệt quan tâm để tạo điều kiện cho người dân chuyển đổi linh hoạt và có thu nhập ổn định hơn”, Chủ tịch HĐQT Doveco nhấn mạnh.

Phát biểu kết luận diễn đàn, Thứ trưởng Bộ NN&MT Trần Thanh Nam cho rằng, các tỉnh Tây Bắc cần khẩn trương hoàn thành việc xác định vùng sản xuất cây ăn quả chủ lực đến cấp xã, theo hướng tập trung, liền vùng, liền thửa, thuận tiện cho cơ giới hóa, đầu tư hạ tầng và liên kết sản xuất. Phát triển công nghiệp chế biến sâu và bảo quản sau thu hoạch; tập trung phát triển các cụm công nghiệp chế biến nông sản gắn với vùng nguyên liệu.

Cùng với đó, đẩy mạnh chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, xây dựng bản đồ thị trường tiêu thụ theo mùa vụ và chủng loại sản phẩm. Bên cạnh đó, các địa phương cần xây dựng cơ sở dữ liệu mở về đất đai, khí hậu, mùa vụ phục vụ dự báo, điều hành sản xuất nông nghiệp. Nhân rộng VietGAP, GlobalGAP, nông nghiệp hữu cơ tại các vùng có lợi thế địa hình và khí hậu, như: Mộc Châu, Mai Sơn (Sơn La); Bắc Hà (Lào Cai)…

Trúc Linh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/thi-truong/can-co-su-lien-ket-chat-che-giua-san-xuat-che-bien-bao-quan-va-tieu-thu-nong-san-i773417/