'31.000 cảnh sát Hong Kong sẽ không thể tự chấm dứt được biểu tình'

Lãnh đạo mới của cảnh sát Hong Kong nói cảnh sát không thể một mình chấm dứt tình trạng hỗn loạn, mà cần chính người dân lên án các hành vi bạo lực.

Chris Tang Ping-keung trả lời phỏng vấn độc quyền báo South China Morning Post trước khi tuyên thệ nhậm chức lãnh đạo cảnh sát Hong Kong ngày 19/11.

Ông đảm nhận cương vị này giữa lúc lực lượng cảnh sát đặc khu hứng chịu chỉ trích dồn dập là đã quá nặng tay với người biểu tình. Nhưng ông kêu gọi người Hong Kong lên án nạn bạo lực, và nói sự im lặng sẽ khuyến khích các hành động gây rối.

Ông cũng thừa nhận lực lượng 31.000 cảnh sát sẽ không thể tự dập tắt được tình trạng bất ổn hiện tại mà sẽ cần hỗ trợ từ người dân.

“Đã đủ rồi. Dù quan điểm của bạn ra sao, đừng đề cao hoặc chịu đựng nạn bạo lực. Đừng để những kẻ gây rối có thêm động lực và manh động hơn”, ông Chris Tang nói.

“Nếu mọi người đều lên án bạo lực từ đầu, xã hội đã không đến tình cảnh này sau 5 tháng. Chúng ta chỉ có thể chấm dứt bạo loạn nhờ sự lên án của xã hội, để những kẻ gây rối nhìn lại mình, và kèm theo chiến thuật đúng đắn của chúng tôi”.

Chris Tang lên làm lãnh đạo cảnh sát Hong Kong ngày 19/11 giữa lúc đặc khu này chìm trong biểu tình và đụng độ bạo lực. Ảnh: SCMP.

Chris Tang lên làm lãnh đạo cảnh sát Hong Kong ngày 19/11 giữa lúc đặc khu này chìm trong biểu tình và đụng độ bạo lực. Ảnh: SCMP.

4.491 người đã bị bắt

Ông Tang, 54 tuổi, là cấp phó của lãnh đạo cảnh sát Stephen Lo Wai-chung, 58 tuổi, người đã nghỉ hưu ngày 18/11 sau 35 năm phục vụ. Kể từ tháng 6, ông Tang đã chỉ huy chiến dịch đối phó với người biểu tình phản đối luật dẫn độ.

Ông cũng bảo vệ danh tiếng cảnh sát Hong Kong là lực lượng cảnh sát “giỏi nhất châu Á”. “Họ làm việc nhiều giờ, nhưng vẫn giữ vị trí để bảo vệ an ninh trật tự cho thành phố”, ông nói.

Các cuộc biểu tình, bước sang tháng thứ 6, đã dẫn đến 4.491 người bị bắt, nhỏ nhất là 11 tuổi. Một số người mà cảnh sát cho là phần tử cực đoan bịt mặt nạ đã chặn đường, đốt lửa trên phố, đập phá các nhà ga, cửa tiệm, ngân hàng, và chiếm trường đại học.

Một số người tấn công cảnh sát bằng bom xăng và gạch hoặc dùng cung tên bắn.

Cảnh sát đã sử dụng hơn 10.000 viên đạn hơi cay và 18 viên đạn thật. Khoảng 1.700 người đã bị thương, bao gồm 450 cảnh sát.

Họ bị chỉ trích vì đã quá nặng tay, bao gồm các cáo buộc ngược đãi hoặc quấy rối tình dục người biểu tình bị bắt giữ. Những người ủng hộ dân chủ cũng cáo buộc cảnh sát trở thành công cụ đàn áp chính trị.

Ông Tang nói nạn bạo lực lan rộng không chỉ “rất đau lòng” mà còn “giống khủng bố”. Ông cho rằng việc người dân chỉ tay đổ lỗi cho cảnh sát, mà làm ngơ trước các hành vi bạo lực là điều đáng lo ngại.

Ở Mỹ, các nghị sĩ đang soạn ra luật mới mở đưởng cho động thái ngoại giao và trừng phạt kinh tế đối với Hong Kong vì nặng tay với người biểu tình.

Cảnh sát Hong Kong bị chỉ trích vì quá nặng tay đối với người biểu tình chống chính quyền. Ảnh: SCMP.

Cảnh sát Hong Kong bị chỉ trích vì quá nặng tay đối với người biểu tình chống chính quyền. Ảnh: SCMP.

Lãnh đạo mới của cảnh sát Hong Kong phản bác các cáo buộc trên. “Chúng tôi dùng vũ lực khi có bạo lực”, ông nói với South China Morning Post. “Nhiều người của chúng tôi bị tấn công tàn ác. Họ phải rút súng để bảo vệ mình, chứ không phải để đàn áp đám đông”.

Công tác lâu năm trong ngành và từng phụ trách đơn vị chống tội phạm có tổ chức của tổ chức cảnh sát quốc tế Interpol, ông Tang giải thích thêm rằng cảnh sát đôi khi phải tiếp tục đánh đập những người bị bắt. Ông cho rằng nghi phạm phải bị khuất phục rồi còng tay, nếu không nhiều khả năng họ sẽ vùng vẫy, trốn thoát, thậm chí tấn công lại cảnh sát.

Khi được hỏi ông có xin lỗi về sai phạm của lính dưới quyền mình không, ông Tang trả lời: “Chúng tôi ra hàng nghìn, hàng triệu quyết định, không phải quyết định nào cũng hoàn hảo”.

Hai xe vòi rồng tới để giải tán người biểu tình ở Đại học Bách khoa Hong Kong. Ảnh: SCMP.

Hai xe vòi rồng tới để giải tán người biểu tình ở Đại học Bách khoa Hong Kong. Ảnh: SCMP.

Cảnh sát phản đối điều tra độc lập

Ông cũng phản đối yêu cầu của người biểu tình đòi một điều tra độc lập, do thẩm phán phụ trách, về các cáo buộc cảnh sát dùng bạo lực với người dân. Ông cho rằng nên để cơ quan giám sát cảnh sát phụ trách điều tra, tức Hội đồng Khiếu nại Cảnh sát Độc lập (IPCC).

Đặc khu trưởng Hong Kong Carrie Lam gần đây tuyên bố sẽ xem xét các khả năng khác, nếu báo cáo của IPCC, sẽ công bố đầu năm sau, không thỏa mãn đòi hỏi của người biểu tình. Cho đến nay, bà cũng cho rằng không cần điều tra độc lập mà nên để IPCC giám sát.

Người biểu tình trưng bày vỏ đạn hơi cay mà cảnh sát dùng để tấn công họ ở Đại học Thành phố Hong Kong. Ảnh: SCMP.

Người biểu tình trưng bày vỏ đạn hơi cay mà cảnh sát dùng để tấn công họ ở Đại học Thành phố Hong Kong. Ảnh: SCMP.

Dù vậy, một nhóm chuyên gia quốc tế được chỉ định cố vấn IPCC đã lên tiếng cho biết họ thiếu quyền hạn và nguồn lực để đáp ứng yêu cầu điều tra.

Họ điều tra chủ yếu bằng cách xem hồ sơ do cảnh sát cung cấp, và kêu gọi có thêm quyền điều tra như ra trát đòi tài liệu hay gọi nhân chứng lấy lời khai. Ông Tang từ chối bình luận về điều này.

Các cuộc biểu tình bắt đầu từ tháng 6 ban đầu chống lại dự luật mà đến nay đã bị rút lại, theo đó cho phép nghi phạm ở Hong Kong bị đưa sang Trung Quốc đại lục xét xử.

Nhưng người biểu tình có thêm bốn yêu cầu khác: điều tra cáo buộc cảnh sát dùng bạo lực, chấm dứt việc gọi người biểu tình là gây rối, ân xá cho những người bị bắt giữ, và quyền bầu cử đặc khu trưởng thông qua phổ thông đầu phiếu (hiện nay, các ứng viên cho chức đặc khu trưởng đều phải được một ủy ban của Bắc Kinh chọn ra).

Trọng Thuấn

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/31000-canh-sat-hong-kong-se-khong-the-tu-cham-dut-duoc-bieu-tinh-post1014751.html