316 năm lịch sử của lực lượng Lính thủy đánh bộ Nga
Ngày 15-7-1996, Tổng Tư lệnh Hải quân Liên bang (LB) Nga đã ra Lệnh số 253 về 'Các ngày lễ hằng năm và các ngày chuyên môn trong chuyên ngành', theo đó lựa chọn ngày 27-11 hằng năm làm Ngày truyền thống của lực lượng Lính thủy đánh bộ.
Ngày 27-11-1705, trong lúc cuộc Đại chiến phương Bắc với Thụy Điển (1700-1721) diễn ra ác liệt, Hoàng đế Peter I đã ra lệnh thành lập trung đoàn lính thủy đánh bộ đầu tiên trực thuộc Hạm đội Baltic. Chỉ huy trung đoàn này là Bá tước Fyodor Alekseyevich Golovin, một trong những vị thống soái-đô đốc thân cận của Peter I.
Ban chỉ huy của lực lượng hải quân kiểu mới này được thành lập với các sĩ quan dạn dày kinh nghiệm trận mạc của các trung đoàn Preobrazhensky và Semenovsky. Một phần lực lượng khi đó còn được cấu thành bởi các đơn vị quân tư nhân, với các đặc trưng về sắc tộc và tôn giáo riêng.
Năm 1712, tổ chức các đơn vị lính thủy đánh bộ được hoàn thiện, bao gồm: Một tiểu đoàn (660 người) được chỉ huy bởi đô đốc, một tiểu đoàn chỉ huy bởi phó đô đốc và một tiểu đoàn chỉ huy bởi đô đốc hậu phương.
Chiến công tiêu biểu của lực lượng trong cuộc chiến phương Bắc là trận Gangut ngày 7-8-1714, khi một tiểu đoàn thuộc hải đội tàu chèo tay đã đánh giáp lá cà và chiếm được khinh hạm Elefanten, soái hạm của quân Thụy Điển trong trận đó.
Bước sang thế kỷ 20, các đơn vị lính thủy đánh bộ chính quy đã tham chiến trong Chiến tranh thế giới lần thứ nhất và chiến tranh Liên Xô-Phần Lan (1939-1940). Tuy nhiên, trang sử hào hùng nhất của lực lượng này là cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại (1941-1945).
Trong cuộc chiến này, lính thủy đánh bộ Liên Xô được tổ chức thành các lữ đoàn và tiểu đoàn, với nòng cốt là các thủy thủ tàu chiến, binh lính của các đơn vị phòng thủ bờ biển và các cơ sở giáo dục hải quân. Các đơn vị này có nhiệm vụ chính là tấn công đổ bộ và phòng thủ chống đổ bộ.
Tổng cộng, trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, 21 lữ đoàn và hàng chục trung đoàn, tiểu đoàn lính thủy đánh bộ đã tham gia chiến đấu ở mặt trận Xô-Đức. Có thể kể đến lữ đoàn từng tham gia bảo vệ Tallinn, 6 tiểu đoàn đã đổ bộ và đẩy lùi nhiều đợt phản công của quân phát xít tại quần đảo Moonsund, hay tham gia bảo vệ căn cứ hải quân Hanko.
4 lữ đoàn và một số tiểu đoàn thuộc Quân đoàn 42 và 55, cũng như nhóm tác chiến Neva cũng góp phần quan trọng trong giai đoạn khó khăn nhất của trận chiến giải vây Leningrad.
Ở hướng Tây Nam, lực lượng lính thủy đánh bộ cùng với các đơn vị của Quân đoàn Primorskaya và Phương diện quân Bắc Kavkaz đã tham chiến Odessa. 7 lữ đoàn, 3 trung đoàn và 8 tiểu đoàn tham gia cầm chân quân Đức tại Sevastopol.
Các trận đánh khác có sự góp mặt của lính thủy đánh bộ phải kể đến Kerch, Novorossiysk, Tuapse và tiêu biểu nhất là chiến thắng tại Stalingrad.
Các đơn vị lính thủy đánh bộ là thành phần không thể thiếu trong các chiến dịch đổ bộ. Chỉ trong một năm rưỡi đầu tiên của cuộc chiến, các hạm đội và hải đội Liên Xô đã đổ bộ 45 đơn vị lực lượng trinh sát, đột kích và phá hoại. Họ gây áp lực nặng nề lên hai bên sườn và hậu phương quân địch, thu hút một lực lượng đáng kể quân địch khỏi tiền tuyến và hỗ trợ cho lục quân tấn công trên bộ.
Trong Chiến tranh Xô-Nhật, vào tháng 8-1945, Lữ đoàn 130, Tiểu đoàn lính thủy đánh bộ độc lập 335 và một số đơn vị khác của Hạm đội Thái Bình Dương, với tổng quân số khoảng 6.000 người, đổ bộ chiếm cảng Seishin.
Trong chiến dịch tấn công Nam Sakhalin ngày 16-8-1945, lực lượng xung kích, gồm Tiểu đoàn lính thủy đánh bộ 365 của Hạm đội Thái Bình Dương, cùng một tiểu đoàn bộ binh khác, đã đổ bộ lên bờ biển phía tây đảo này.
Nhìn chung, trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại và Chiến tranh Xô-Nhật, lính thủy đánh bộ góp mặt trong hầu hết các cuộc đổ bộ độc lập, cũng như hiệp đồng với các đơn vị lục quân, đóng vai trò tiền phương hoặc tiên phong chiếm bãi biển.
Các đơn vị lính thủy đánh bộ được huấn luyện chuyên sâu về đổ bộ, thành thạo trong vượt chướng ngại trên mặt nước và trên bờ, đánh phá công sự ven biển, đánh chiếm và chống phản công ở khu vực đổ bộ. Đây là binh chủng đặc biệt tinh nhuệ của hải quân, có khả năng giải quyết những nhiệm vụ khó khăn nhất.
Tới nửa đầu thập niên 1990, sau khi Lực lượng vũ trang LB Nga được thành lập, lực lượng lính thủy đánh bộ có bước chuyển mình về tổ chức cơ cấu và biên chế. Bản chất của sự chuyển đổi này là tăng khả năng tác chiến độc lập khi thực hiện các nhiệm vụ tách biệt với các lực lượng chính.
Lực lượng lính thủy đánh bộ thời hậu Xô viết đã tham gia tích cực vào cuộc chiến ở Bắc Kavkaz, trong đó họ đã thể hiện lòng can đảm, sự cống hiến và kỹ năng cao. 22 chiến sĩ đã được phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng nước Nga, trong đó có 8 người được truy tặng.
Ngày nay, lực lượng lính thủy đánh bộ Nga bao gồm: Lữ đoàn Cận vệ 155 và 40 của Hạm đội Thái Bình Dương; Lữ đoàn 61 của Hạm đội Phương Bắc; Lữ đoàn Cận vệ độc lập 336 thuộc Hạm đội Baltic; Lữ đoàn Cận vệ 810 của Hạm đội Biển Đen; Tiểu đoàn 414 và 727 của Hạm đội Caspi.
Tổng cộng, quân số của binh chủng lên tới hơn 15.000 người, luôn trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao. Lính thủy đánh bộ được trang bị vũ khí và khí tài hiện đại, có tính cơ động cao, được chuẩn bị tốt cho các hoạt động đổ bộ.
Lực lượng đã nhiều lần thể hiện khả năng chiến đấu độc lập cũng như hiệp đồng tác chiến trong các cuộc tập trận và chiến dịch trên biển, là đại diện tiêu biểu cho Các lực lượng vũ trang của LB Nga, bảo đảm các lợi ích của Nhà nước Nga.
IGOR STARCHEUS, Nghiên cứu viên, Viện Nghiên cứu Lịch sử quân sự, Học viện Quân sự, Bộ Tổng Tham mưu Lực lượng vũ trang Liên bang Nga