EU tạo 'bước ngoặt' trong khả năng sẵn sàng phòng thủ
EU đang sử dụng một phần ngân sách thực tế của mình để mua thiết bị phòng không, đạn dược và xe thiết giáp, chủ yếu để tài trợ cho Ukraine trong cuộc xung đột với Nga.
Liên minh châu Âu (EU) vừa lần đầu tiên sử dụng ngân sách của khối để tài trợ cho việc mua sắm chung các sản phẩm quốc phòng, trong đó 5 dự án vũ khí xuyên biên giới sẽ nhận được 60 triệu Euro cho mỗi dự án từ ngân sách EU, tổng cộng là 300 triệu Euro. Hầu hết các loại vũ khí mà EU mua đều dành cho Ukraine.
"Hôm nay chúng tôi phê duyệt tài trợ cho 5 dự án sẽ giải quyết các khoảng cách về năng lực quốc phòng tại EU và tăng hỗ trợ cho Ukraine với các thiết bị quốc phòng bổ sung", Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu Margrethe Vestager cho biết trong một tuyên bố trên X/Twitter hôm 14/11. "Đây là lần đầu tiên chúng tôi sử dụng ngân sách EU để hỗ trợ các quốc gia thành viên trong việc mua chung vũ khí".
Trước đây, EU đã tài trợ các hợp đồng vũ khí cho Ukraine, nhưng đã thực hiện bằng cách tạo ra các công cụ tài chính tạm thời nằm ngoài ngân sách.
Bây giờ, thay vào đó, khối này đang sử dụng một phần ngân sách thực tế của mình để mua thiết bị phòng không, đạn dược và xe thiết giáp.
Ủy ban châu Âu (EC) đã tạo ra Công cụ tăng cường công nghiệp quốc phòng châu Âu thông qua mua sắm chung (EDIRPA) để mua vũ khí.
EDIRPA là một công cụ ngắn hạn được thông qua sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine vào đầu năm 2022 và dự kiến sẽ kéo dài đến năm 2025. Công cụ này cung cấp một cơ chế hợp tác về các sản phẩm quốc phòng cấp bách nhất.
Theo EU, lần này, việc mua sắm chung đã giúp các lực lượng vũ trang của mỗi quốc gia thành viên có thể mua các tài sản quân sự quan trọng với giá rẻ hơn. Quân đội các quốc gia trong khối cũng có thể hưởng lợi từ khả năng tương tác được cải thiện nhờ các sản phẩm được mua với số lượng lớn, EU lập luận.
Các hợp đồng lớn hơn, thông qua việc mang lại khả năng dự đoán cao hơn trong việc mua sắm vũ khí, sẽ củng cố ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu và cho phép ngành này điều chỉnh năng lực sản xuất của mình theo nhu cầu của châu Âu.
Việc mua sắm chung sẽ củng cố khả năng sẵn sàng phòng thủ ở các quốc gia thành viên, theo tuyên bố của EU. Đặc biệt, có 2 trong số các dự án là nhằm cải thiện năng lực phòng thủ tên lửa và không quân chung của châu Âu.
Dự án đầu tiên là MISTRAL, liên quan đến hệ thống phòng không tầm cực ngắn (VSHORAD), để bảo vệ chống lại các mối đe dọa trên không như máy bay chiến đấu, trực thăng tấn công và các hệ thống máy bay không người lái (UAS/UAV/drone).
Dự án thứ hai trong số này là JAMIE, Sáng kiến Phòng thủ Tên lửa Không quân Chung tại châu Âu, nhằm mục đích hỗ trợ mua sắm chung các hệ thống phòng thủ tên lửa và không quân IRIS-T SLM.
Với dự án CAVS, Hệ thống Xe bọc thép Chung, EU hướng đến mục tiêu khuyến khích mua sắm chung các xe bọc thép 6×6 hiện đại.
Dự án tiếp theo là CPoA, hỗ trợ mua sắm chung các loại đạn pháo 155 mm khác nhau, trong khi dự án HE 155 mm hướng đến mua sắm chung đạn pháo 155 mm nổ mạnh.
Cho đến nay, EU đã phải vật lộn để giúp Ukraine và thực hiện lời hứa cung cấp 1 triệu quả đạn pháo cho quốc gia Đông Âu, dẫn đến sự thất vọng từ phía Kiev.
Các quốc gia thành viên đã phải ứng biến các hoạt động hợp tác tạm thời để gửi thêm đạn dược cho Ukraine sử dụng trong cuộc xung đột với Nga.
Thiếu đạn dược được coi là rủi ro lớn đối với các nỗ lực quân sự của Ukraine, gây ra tổn thất trên chiến trường. Việc thành trì Avdiivka có tầm quan trọng chiến lược thất thủ được cho là do Ukraine thiếu đạn dược.
Việc mua vũ khí bằng ngân sách chính thức của EU cũng có thể được coi là một sự thay đổi mang tính bước ngoặt so với trước đây.
Liên minh này xuất hiện sau Thế chiến II, khi các nhà lãnh đạo châu Âu đặt mục tiêu ngăn ngừa các cuộc xung đột trong tương lai bằng cách thúc đẩy hợp tác kinh tế và chính trị. Giờ đây, sự hợp tác đó đã được sử dụng để mua vũ khí.
Minh Đức (Theo Brussels Signal)