32 tuổi nhưng có thận như người U90 vì uống gạo men đỏ
Người đàn ông Nhật Bản bàng hoàng khi biết chức năng thận của mình chỉ ở mức của người 80-90 tuổi sau thời gian dùng gạo men đỏ hay beni koji của Công ty Dược phẩm Kobayashi.
Người đàn ông bị suy thận cấp sau khi uống thực phẩm bổ sung do công ty tại Osaka sản xuất và buộc phải nghỉ làm, khiến anh và gia đình lo lắng về tương lai, Mainichi đưa tin.
Khó hồi phục hoàn toàn
Sản phẩm bổ sung "Beni-koji choleste-help" của Kobayashi được quảng cáo là có ích cho những người có mức cholesterol xấu cao. Điều này đã thu hút người đàn ông 32 tuổi vào đầu năm nay, vì vài tháng trước đó anh được chẩn đoán máu nhiễm mỡ trong một lần khám sức khỏe. Anh đặt mua sản phẩm trên mạng và uống ba viên mỗi sáng bắt đầu từ ngày 19/1.
Người đàn ông khá bận rộn với công việc kỹ thuật viên tại bệnh viện Kobe, phụ trách xét nghiệm máu và nước tiểu cũng như tổ chức các cuộc gặp giữa bệnh nhân và nhân viên bệnh viện.
Một tháng sau khi bắt đầu dùng thực phẩm chức năng, anh gặp phải các vấn đề sức khỏe không rõ nguyên nhân, cảm thấy cơ thể chậm chạp. Người này cũng không thể ngủ vào ban đêm vì phải đi vệ sinh thường xuyên.
Lúc đó, anh chỉ nghĩ rằng đó là biểu hiện của căng thẳng do cuộc sống bận rộn.
Nhưng khi xem TV trong bữa tối ngày 22/3, người này nhìn thấy bản tin Kobayashi thông báo rằng các chất bổ sung của họ đang gây ra các vấn đề về sức khỏe, bao gồm cả rối loạn thận nghiêm trọng. Anh kiểm tra và nhận thấy sản phẩm mình mua chính là thứ mà hãng "nghi ngờ có chứa một thành phần không mong muốn".
Người đàn ông ngay lập tức đến bệnh viện kiểm tra. Xét nghiệm nước tiểu và máu cho thấy những bất thường. Anh được chuyển viện và chẩn đoán suy thận cấp.
Thận có chức năng lọc các chất thải và chất độc ra khỏi máu. Chức năng thận của người đàn ông đã giảm xuống mức "trung bình đến nặng". Kết quả xét nghiệm ngang bằng với kết quả của những người 80-90 tuổi, những người có chức năng thận suy giảm theo tuổi tác.
"Tôi bắt đầu dùng thực phẩm chức năng vì lo lắng cho sức khỏe của mình, nhưng tôi không biết rằng chúng lại có hại", anh nói.
Người đàn ông được chẩn đoán mắc hội chứng Fanconi, một tình trạng khiến chức năng thận suy giảm. Mặc dù chức năng lọc của thận đã hồi phục đôi chút, hiện vẫn ở mức "suy giảm nhẹ đến trung bình". Các bác sĩ giải thích rằng anh đang ở trạng thái bệnh thận mạn tính và gần như không thể hồi phục hoàn toàn.
"Tôi đã nghĩ đến những vấn đề trong tương lai như nguy cơ phải chạy thận nhân tạo hay mắc một căn bệnh khác trong 20-30 năm nữa", người đàn ông lo lắng.
Bê bối của Kobayashi
Cuối tháng 3, Kobayashi hứng chịu làn sóng chỉ trích khi nhiều khách hàng nhập viện, thậm chí tử vong sau khi sử dụng thực phẩm chức năng chứa gạo men đỏ của hãng này.
Công ty dược phẩm đã thu hồi sản phẩm trên toàn quốc và các cơ quan chức năng Nhật Bản đang kiểm tra khẩn cấp đối với hàng nghìn sản phẩm được quảng cáo tốt cho sức khỏe của hãng.
Vụ việc này làm rung chuyển thị trường thuốc bổ sung, thực phẩm chức năng Nhật Bản, vốn tăng mạnh sau những nới lỏng về vấn đề dán nhãn, theo Nikkei.
Thực phẩm chức năng là một danh mục mới được thêm vào trong các danh mục về thực phẩm ở Nhật Bản vào năm 2015. Đây được xem như giải pháp có giá thành thấp, thay thế cho sản phẩm được phân loại "thực phẩm có đặc tính tốt cho sức khỏe" (tokuho), vốn cần được chính phủ sàng lọc.
Nhãn thực phẩm chức năng được đưa ra nhằm giúp các doanh nghiệp nhỏ dễ dàng cung cấp thực phẩm giá trị gia tăng và kích thích tăng trưởng của ngành.
Thị trường thực phẩm chức năng đã vượt qua nhóm thực phẩm tokuho vào năm 2020 và tăng trưởng 19% trong năm 2023, đạt hơn 686 tỷ yen (hơn 4,5 tỷ USD), theo báo cáo từ công ty nghiên cứu Fuji Keizai.
Thị trường Nhật Bản hiện cung cấp 6.700 sản phẩm thực phẩm chức năng, gấp 6 lần so với nhóm tokuho.
Khủng hoảng tại công ty Kobayashi đã làm lung lay niềm tin của người tiêu dùng trong và ngoài đất nước mặt trời mọc, buộc các hãng thực phẩm khác gấp rút kiểm tra lại những sản phẩm của mình trong thời gian qua.