33 năm đi bộ đến điểm trường 'gieo chữ', cô giáo tiếc tuổi xuân đi quá nhanh
33 năm đi bộ đến điểm trường để 'gieo chữ', cô giáo 54 tuổi vẫn luyến tiếc khi tuổi xuân đi quá nhanh, mong thời gian trở lại, muốn cống hiến nhiều hơn.
Cô giáo đi bộ đến điểm trường suốt 33 năm
Chính thức đi dạy từ năm 1990, đến nay, cô giáo Dương Thị Mai (sinh năm 1969) - giáo viên điểm trường Là Lũng, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Lao Và Chải (huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang) đã bước sang năm thứ 33 gắn bó với nghề.
Sinh ra và lớn lên ở huyện Quản Bạ (Hà Giang), nhưng khi lần đầu nhận công tác ở huyện Yên Minh, cô giáo Dương Thị Mai lúc ấy cũng không tránh khỏi những bỡ ngỡ nhất định.
“Ấn tượng lớn nhất của tôi khi ấy, có lẽ là những mùa đông rét cắt da cắt thịt, cả cô cả trò đều không đủ áo ấm... Có những điểm trường chỉ một mình một khu, heo hút đến nỗi không có người ngoài đi qua, chỉ thấy gần như 100% người bản địa. Cũng vì điều kiện khắc nghiệt mà những năm đó, đã có những thầy cô không đủ sức bám trụ với nghề...” - cô Mai nhớ lại.
Trải qua những năm tháng băng đồi, vượt suối xa xôi để đến với những điểm trường không có điện, không có nước, cô Mai cũng như các thầy cô cùng trường khác đều đã ghi dấu nhiều kỷ niệm không thể nào quên.
Cô Mai tâm sự: “Thời gian thấm thoắt thoi đưa, thoắt cái đã là gần 33 năm, tôi đứng trên bục giảng, khoảng thời gian so với nửa đời người, giờ tóc đã bạc, nước da nhăn nheo. Đã qua rồi khoảng thời gian trẻ trung, đôi chân thoăn thoắt leo dốc xuống đèo, vượt suối băng rừng để đi đến bản làng xa xôi, nơi có đàn em thơ ngây chưa biết chữ, chỉ biết khóc, biết cười.
Nơi tôi đã gắn liền với bao nhiêu kỷ niệm vui có, buồn có. Đó là nơi tôi bước chân đến giảng đường lần đầu tiên, nơi ấy chỉ có núi và rừng, có mái nhà gianh, có con đường đất... Điểm trường đầu tiên tôi đến đó, là điểm trường Khâu Nhang xã Ngọc Long cũ nay là xã Mậu Long. Ngôi trường chỉ vẻn vẹn khoảng 50m2 lợp bằng cỏ gianh dột nát, một mình thui thủi không bạn bè, không người thân thích, chỉ có lác đác vài em học sinh, vì lúc đó phong tục tập quán rất lạc hậu, con gái không được đến trường.
Buổi sáng tôi dạy lớp 1, tối dạy thêm lớp xóa mù chữ, trong lớp xóa mù chỉ toàn đàn ông, duy nhất có một phụ nữ cõng con đi học.
Tôi vui lắm và thương chị ấy vô cùng, mặc dù chị không được lanh lợi lắm, hạn chế về ngôn ngữ. Khi tôi hướng dẫn các bạn đọc “T - ư - tư - huyền - từ - củ từ” khi cả lớp đã đọc xong, tôi chuẩn bị chuyển sang từ mới, thì ở dưới lớp lại vang lên tiếng chị ấy đọc “T - ư - tư - huyền - từ - củ từ”... Cả lớp cười ồ lên, chị đỏ mặt, tôi lại vỗ về chị: “Không sao đâu, chị đọc rất tốt!”, thế là chị nở nụ cười trên môi vui vẻ trở lại, đó là kỷ niệm sâu sắc nhất của tôi lần đầu tiên tôi đứng lớp...”.
Hiện tại, mỗi sáng, cô giáo Mai phải thức dậy từ sớm, rồi 5 giờ sáng bắt đầu đi bộ đến điểm trường, khoảng 6 giờ hơn thì đến nơi. Chiều về, nếu trời nắng, cô Mai sẽ đi nhờ xe của các cô giáo cùng điểm trường, còn trời mưa thì đành đi bộ, vì con đường đất hễ cứ mưa là không ai đèo nổi.
Cô giáo 54 tuổi không ngần ngại giãi bày: "Tôi không biết đi xe máy, nên Ban giám hiệu đã tạo điều kiện cho gắn bó với điểm trường Là Lũng này. Điểm này đi xe máy cũng khá vất vả, còn tôi chủ yếu là đi bộ.
Trước đây, tôi từng đến một điểm trường xa hơn, điểm trường Lao Xì Lủng, thường phải bắt đầu đi từ 4 giờ sáng và mất gần 2 tiếng rưỡi mới đến nơi. Lúc nào trong chiếc túi đeo của tôi cũng không thể thiếu đèn pin, lúc đi đường, hễ đến đâu trời tối là có thể bỏ ra soi ngay. Bởi thế mà có đêm, trời sáng trăng, tôi lại trằn trọc không ngủ được, cứ ngỡ là trời đang chuẩn bị rạng sáng, bèn đi bộ vào điểm trường, mà đi mãi không thấy sáng tỏ, mãi mới biết là mình đi từ lúc trời còn đang đêm tối...”.
Theo cô Mai, từ những năm đầu tiên không có điện, đến nay, nhiều thôn bản đã có điện lưới về: “Tuy nhiên, điểm trường Là Lũng vẫn chưa có điện, chúng tôi tự kéo điện từ nhà dân sang và tự góp tiền để trả tiền điện mỗi tháng. Về nước sinh hoạt vẫn là một trong những khó khăn của điểm trường. Mỗi sáng, chúng tôi cùng nhau đi xách nước từ khe về, đồng thời, chúng tôi cũng vận động học sinh vào mỗi buổi sáng đi học, mang theo một can nước nhỏ đi để rửa tay chân”.
Ước muốn thời gian trở lại để cống hiến nhiều hơn
Cô giáo Mai nhớ lại nhiều kỷ niệm ấn tượng trong suốt 33 năm gắn bó với nghề giáo: “Tôi còn nhớ một kỷ niệm ở điểm trường đầu tiên khi mới nhận công tác, khi ấy chưa có đường xe đi lại, giáo viên đi bộ ra đón xe rất xa xôi... Khi năm hết, Tết đến, bà con dân bản mang nhiều quà Tết lắm, nào là gạo nếp, gạo tẻ cho cô giáo về quê... Nhưng với thân hình nhỏ bé, gầy guộc của tôi thì những bao gạo ấy là quá sức để mang theo, tôi bèn tìm cách từ chối khéo: “Tôi xin nhận tấm lòng của bà con, nhưng bà con cứ mang về để qua Tết, tôi sẽ sang ăn, còn bây giờ tôi không thể mang được...”.
Đến khi vừa le te tiếng gà gáy sáng vang vọng ở nơi xa, bỗng có tiếng gọi cửa của mấy thanh niên trong xóm: “Cô giáo ơi, dậy đi thôi”... Hóa ra, bà con đã cử hai thanh niên vác gạo ra trung tâm, bán lấy chút tiền để biếu cô giáo mua quà về quê ăn Tết.
Giờ đây đã bước qua năm thứ 33 rồi, tôi vẫn chưa có dịp để vào thăm ngôi trường đầu tiên tôi đến dạy học, nhưng tôi vẫn nhớ như in hai câu thơ mọi người truyền tai nhau: Chiều chiều leo dốc Khau Nhang - Ngọc Long đứng đó Yên Minh vẫy chào”.
Kỷ niệm thứ hai của cô giáo Dương Thị Mai là khi mới được chuyển ra Trường Tiểu học Mậu Duệ, ở điểm trường Kéo Hẻn: “Đó là một kỷ niệm buồn. Cả một năm trời tôi tích cóp được 200.000 đồng để về quê ăn Tết, nhưng một ngày đi vắng, lại có người lẻn vào nhà “mượn tạm” mất. Tôi rất buồn, một phần vì không có tiền về ăn Tết... lúc đó có một bé gái 5 tuổi nhà ngay bên cạnh trường, đã động viên: “Cô ơi, cô đừng khóc, để Hoa về bảo ông của Hoa cho cô tiền... về quê”. Những câu nói ngây ngô của bé gái đã làm tôi cảm thấy ấm áp, phần nào nguôi ngoai nỗi buồn của mình.
Thế rồi tôi cũng được chuyển ra xã có điều kiện thuận lợi hơn, nhưng công việc thì vẫn vất vả như trước, vẫn một mình một bóng giữa quả đồi.
Sáng sớm được vui vẻ bên các em học sinh, tối đến thì quây quần bên các học viên lớn tuổi của lớp xóa mù chữ. Có một buổi tối, khi tan lớp, mọi người chạy về nhà hết, duy nhất có một học viên tên Páo đi nghĩa vụ về, cứ quanh quẩn, nấn ná mãi không chịu về. Một hồi lâu sau vẫn thấy Páo đứng đó, tôi lấy hết bình tĩnh hỏi: “Em không về à?”.
Páo không nói gì, chạy lại đưa cái gì đó trong tay cho cô giáo: “Nè”. Tôi hỏi là cái gì thì Páo đáp: “Cái gì thì cái, cứ cầm lấy…”. Hóa ra, Páo đem tặng cho cô giáo một quả trứng gà. Học sinh và học viên ở đây đều chân chất như vậy, những giáo viên như chúng tôi không bao giờ dám mong những món quà vào dịp lễ, kể cả một bông hoa... Chúng tôi không mong món quà gì ngoài việc các em đi học đều, đến lớp chăm ngoan... Nên khi nhận những món quà nho nhỏ, mộc mạc, bất ngờ như vậy, tôi thường không giấu được xúc động”.
“Mặc dù đã có những giai đoạn một mình chơi vơi giữa quả đồi không có bóng người đi lại, đêm đêm chỉ nghe tiếng cú mèo kêu, quạ nhảy, bây giờ nhớ lại vẫn không biết vì sao hồi ấy mình can đảm đến vậy… Nhưng sau tất cả, tôi vẫn cảm thấy rất vui vì được làm những việc có ích cho đời, được góp phần đem lại những kiến thức cơ bản cho biết bao người, giúp các em biết đọc, biết viết khi học xong lớp xóa mù chữ giáo dục tiểu học và giờ đây cũng có những em đã học thành tài đã trở thành cán bộ xã hay có những em đã tiếp bước cô trong sự nghiệp trồng người...” - cô Mai bày tỏ.
Hít một hơi sâu, cô giáo Dương Thị Mai tiếp tục chia sẻ: “Từ ngày nhận quyết định phân công công tác đến nay mặc dù vất vả gian nan nhưng tôi vẫn rất vui và tự hào, mình cũng đã đóng góp ít công sức cho xã hội, làm cho xã hội ngày một tươi đẹp hơn. Tôi ước muốn thời gian quay trở lại để mình được cống hiến cho đất nước nhiều hơn. Giờ đây nghĩ lại, tôi cảm thấy luyến tiếc tuổi xuân của mình đi quá nhanh vậy...”.