33 ngàn thí sinh trượt lớp 10: Bài học kinh nghiệm quan trọng hơn điểm số
Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, trường tốt, thầy hay mà học sinh không học thì cũng vô nghĩa. Việc đánh giá lại bản thân, rút ra bài học kinh nghiệm sau 'cú sốc' quan trọng hơn việc đỗ, trượt; điểm cao hay thấp.
Cùng một lúc chịu hai gánh nặng: thi trượt và chọn trường
Chiều 1/7, Sở GD&ĐT Hà Nội đã công bố điểm chuẩn trúng tuyển vào lớp 10 THPT công lập năm 2023. Từ thời điểm này, biết bao nhiêu cảm xúc trái ngược giữa các gia đình. Năm nay, tỷ lệ tuyển sinh vào lớp 10 trường công chỉ có 55,7% trong tổng số hơn 100 nghìn thí sinh đăng ký dự thi.
Cùng với hơn 33 ngàn thí sinh trượt lớp 10 công lập là nỗi buồn của từng ấy gia đình. Đã không ít thí sinh điểm xét tuyển lên tới 40 mà vẫn trượt tất cả các nguyện vọng. Thi trượt lớp 10 là cú sốc lớn với nhiều thí sinh, và cả phụ huynh trong giai đoạn này.
Chị Nguyễn Thu Nga (Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ, lớp của con chị các bạn nhận điểm thi đều ở mức cao. Tổng điểm xét tuyển trung bình của cả lớp là 40,5 điểm (trên 8 điểm mỗi môn thi). Nhưng con chị đã nhận mức điểm khá thấp so với các bạn (chỉ 6,5 điểm mỗi môn). Khoảnh khắc nhận điểm thi, mặt con tái mét, con đóng cửa nằm trong phòng không ra ngoài. Càng biết tin các bạn đỗ NV1 những trường tốp đầu, con càng áp lực. Hai vợ chồng chị đã đưa con đi ăn, động viên con rất nhiều để con vượt qua giai đoạn khó khăn này, mặc dù bố mẹ cũng rất buồn.
Trong khi đó, chị Hoàng Thu Thủy (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, con chị đạt 42 điểm mà vẫn trượt cả 3 nguyện vọng (NV1 vào Trường THPT Kim Liên, NV2 là THPT Việt Đức, NV3 là THPT Trần Phú). Điều này, khiến cả gia đình “sốc” và rất buồn.
Trên các diễn đàn, nhiều phụ huynh đã chia sẻ nỗi buồn khi con thi trượt vào lớp 10, hoặc không đạt được nguyện vọng như ý muốn.
“Làm mẹ, chứng kiến phút giây con nhìn trên màn hình máy tính và đối diện với dòng chữ “Không trúng tuyển”, nó như một luồng điện cháy đen lạnh lẽo, tàn nhẫn xuyên qua tim bạn. Ánh mắt buồn thăm thẳm, cái gục đầu lặng lẽ của con khiến tim mẹ thắt đau”, dòng chia sẻ của một phụ huynh đã nhận về rất nhiều lượt tương tác đồng cảm.
Ngay sau khi biết điểm thi, một học sinh Hà Nội cũng đã đi ra khỏi nhà, khiến bố mẹ phải đăng tin tìm kiếm. Rất may, sau đó em đã trở về an toàn. Nhưng điều đó đã khiến trái tim của những người làm cha, làm mẹ nhói đau.
Không chỉ là nỗi buồn con thi trượt, các bậc phụ huynh có con thi trượt vào lớp 10 công lập còn phải đối diện với “cuộc chiến” giành suất cho con vào lớp 10. Hai ngày nay, hàng ngàn phụ huynh đã xếp hàng trắng đêm trong tiết trời oi nóng để lo cho con một suất vào trường dân lập. Với những gia đình khó khăn về kinh tế, việc chọn trường tư cho con càng khó khăn.
Làm thế nào để cùng con vượt qua cú sốc thi trượt và chọn được ngôi trường phù hợp với con và kinh tế gia đình là mối trăn trở, “đau đầu” của rất nhiều phụ huynh thời điểm này.
Tự bản thân học sinh phải rút ra bài học kinh nghiệm
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng cho hay, các phụ huynh phải chấp nhận việc con thi trượt, vì chuyện đã xảy ra rồi.
Trong lúc này, bố mẹ cần phải động viên con, thay vì mắng chửi, sẽ không giải quyết được vấn đề. Phụ huynh nên nói chuyện với con về thất bại lần này, về việc con có quyết tâm thay đổi hay không, bài học con rút ra là gì?
Bố mẹ cần làm cho các con hiểu, trong thi cử, việc nhận một kết quả chưa tốt như mong đợi cũng là bình thường. Có điều, con phải nhìn nhận vì sao con lại nhận điểm chưa tốt? Chẳng hạn trong giai đoạn vừa qua, con đã nỗ lực, cố gắng hết sức mình chưa?
Muốn điểm cao mà không cố gắng, học đúng phương pháp thì sao làm sao mà điểm tốt được?
“Tuổi trẻ muốn đi xa thì phải có những bài học kinh nghiệm tự mình rút ra. Tất cả những lời khuyên của người khác không bằng việc tự bản thân rút ra bài học kinh nghiệm cho chính mình. Việc rút kinh nghiệm, đánh giá lại được bản thân mình quan trọng hơn cả việc đỗ trượt, điểm cao hay thấp”, TS Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh.
Chọn trường không thay thế được sự chủ động của người học
TS Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ, thời điểm này, phụ huynh có con thi trượt vào lớp 10 công lập hoặc trượt nguyện vọng 1, 2 đang đứng trước ngã ba chọn trường cho con thế nào, chọn trường công lập thật xa để học, trường dân lập phù hợp hay học nghề?
Muốn lựa chọn đúng, theo TS Nguyễn Tùng Lâm, đầu tiên, phụ huynh phải xem mong muốn của học sinh là gì, trở thành người thế nào, làm công việc ra sao… để thổi bùng khát vọng đó lên cho các em.
Sau đó, là sự phù hợp với hoàn cảnh kinh tế gia đình. Nếu gia đình đang rất khó khăn về kinh tế thì nên chọn học trường nghề bởi học phí thấp, thậm chí có học bổng. Các em cũng sớm đi làm, rồi có thể thực hiện được ước mơ của mình.
Không có nghĩa cứ học trường nghề thì không thể thực hiện ước mơ. Mà trường học chỉ là bước khởi đầu. Nếu có đủ ý chí, quyết tâm, các em vẫn có thể tự lập, thực hiện khát vọng của mình.
Trong trường hợp gia đình có đủ điều kiện về kinh tế thì học một trường dân lập phù hợp. Phụ huynh đừng nghe, chọn theo quảng cáo, mà phải tìm hiểu điều kiện học tập, phương pháp giáo dục của Trường có phù hợp để cho học sinh tiến bộ hay không? Nếu chọn sai thì chọn lại, không nên mặc kệ đã chọn rồi thì cứ thế học mãi.
Và một điều phụ huynh và học sinh cần lưu ý, việc chọn trường quan trọng nhưng không bao giờ có thể thay thế được sự chủ động của người học. “Trường có tốt đến mấy, thầy có hay đến mấy mà học sinh không chịu học thì cũng vô nghĩa”, TS Nguyễn Tùng Lâm nói.
Theo Chủ tịch Hội đồng Giáo dục của ngôi trường “không tuyển chọn đầu vào”, các em phải thấy được bài học của mình trong giai đoạn chưa cố gắng, chưa tích cực, chưa định hướng đúng, chưa quyết tâm cao để biến thành hành động. Tự mỗi người phải quyết định lấy cuộc đời không ai có thể thay thế được.
Về phía gia đình, theo TS Nguyễn Tùng Lâm, cũng cần rút ra kinh nghiệm về sự đồng hành, giúp con đạt được mục tiêu của mình. Là cha mẹ, ai cũng có kỳ vọng, nhưng đi cùng với đó phải là sự kỳ công. Trong lúc con đang khó khăn cần giúp đỡ, tránh những trường hợp con suy nghĩ nhiều, có những trẻ dẫn đến trầm cảm, hoặc có những hành động đáng tiếc.