35 tập thể, cá nhân được tặng Giải thưởng phát triển văn hóa đọc lần thứ VII
Ngày 7/5, Bộ VHTT&DL tổ chức Lễ tổng kết và trao tặng Giải thưởng phát triển văn hóa đọc lần thứ VII.
Giải thưởng phát triển văn hóa đọc là giải thưởng uy tín, có ý nghĩa, được tổ chức hàng năm nhằm tôn vinh những đóng góp của các tổ chức, cá nhân đối với phát triển văn hóa đọc. Đồng thời góp phần cải thiện môi trường đọc, nâng cao chất lượng hoạt động của thư viện, không gian văn hóa, các thiết chế có phục vụ đọc sách, đáp ứng nhu cầu đọc của nhân dân, lan tỏa giá trị đọc từ cộng đồng, hướng đến phát triển văn hóa đọc bền vững.

Các đại biểu tham quan không gian trưng bày tại sự kiện. Ảnh: Tuấn Linh
Cá nhân đề nghị xét tặng Giải thưởng phải có ít nhất 1 sáng kiến hoặc đề xuất mô hình, cách làm hay được triển khai áp dụng rộng rãi, có sức lan tỏa góp phần phát triển văn hóa đọc tại địa phương, bộ, ngành, cơ quan, đơn vị.
Quá trình triển khai, Bộ VHTT&DL đã nhận được 118 hồ sơ của các tập thể, cá nhân đề nghị xét tặng, trong đó có 69 hồ sơ tập thể và 49 hồ sơ cá nhân. Hội đồng xét tặng Giải thưởng đã đề xuất trình Bộ VHTT&DL trao tặng Giải thưởng cho 20 tập thể và 15 cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động phát triển văn hóa đọc.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Phan Tâm chúc mừng các tập thể và cá nhân đạt giải. Thứ trưởng Phan Tâm cho biết, năm nay, số lượng hồ sơ đề xuất nhiều hơn so với các năm trước. Đây là tín hiệu đáng mừng, chứng tỏ sức lan tỏa, sự quan tâm, đón nhận của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài lĩnh vực thư viện đối với Giải thưởng.

Ban Tổ chức vinh danh các cá nhân đạt Giải thưởng phát triển văn hóa đọc lần thứ VII. Ảnh: Tuấn Linh
"Phát triển văn hóa đọc không chỉ là công việc của ngành văn hóa hay của ngành thư viện. Đó là sứ mệnh chung của toàn xã hội và là nền móng cho quá trình xây dựng, phát triển con người Việt Nam toàn diện trong thời đại mới" -Thứ trưởng Phan Tâm nhấn mạnh.
Để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phát triển văn hóa đọc trong bối cảnh mới, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Phan Tâm đề nghị các thư viện, nhà trường, cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân cần tiếp tục tăng cường đổi mới cách thức, sáng tạo nhiều hơn nữa các mô hình hay, hấp dẫn để đưa sách lại gần hơn với công chúng. Thứ trưởng cũng giao Cục Văn hóa cơ sở, Gia đình và Thư viện tiếp tục đề xuất chính sách, chỉ đạo hệ thống thư viện công lập, nhất là thư viện công cộng có giải pháp hỗ trợ, duy trì bền vững các mô hình thư viện cơ sở.