350.000 tỷ chấn hưng văn hóa, xây dựng con người Việt: Có lãng phí?
'Sự cần thiết nhất lúc này là cuộc sống người dân, cán bộ công chức, viên chức chứ không phải vung tiền trăm nghìn tỷ', ĐB Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp nêu vấn đề.
Tri thức và Cuộc sống đã có cuộc trao đổi với Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ và Đại biểu Phạm Văn Hòa về việc xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2025-2035, với dự kiến tổng vốn lên đến 350.000 tỷ của Bộ Văn hóa Thể Thao và Du lịch.
Chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam là cần thiết
Chương trình mục tiêu quốc gia chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam mà Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTTDL) xây dựng, có cần thiết trong giai đoạn hiện nay?
Ông Nguyễn Hùng Vĩ: Không chỉ cần thiết, mà còn mang tính chiến lược rất lớn lao để xây dựng con người Việt Nam, hình ảnh Việt Nam để bảo vệ bản sắc văn hóa Việt Nam, góp phần vào sự đa dạng văn hóa thế giới.
Chỉ xét riêng về văn hóa truyền thống, chúng ta có trên 400 di sản văn hóa phi vật thể và hàng nghìn di tích văn hóa lịch sử được công nhận ở cấp thế giới, quốc gia và tỉnh. Hầu hết địa phương xây dựng chương trình, kế hoạch để tập trung xây dựng văn hóa quốc gia, đặc biệt sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11/2021.
Chương trình, Bộ VHTTDL đưa ra nhiều mục tiêu như 100% đơn vị hành chính cấp tỉnh có đủ 3 loại hình thiết chế văn hóa, cấp huyện, xã có Trung tâm Văn hóa - Thể thao; 95% di tích quốc gia đặc biệt, 70% di tích quốc gia được tu bổ, tôn tạo; 75% người dân ở vùng sâu, xa được hưởng thụ và tham gia các hoạt động văn hóa; hàng năm, 20 - 30 tác phẩm, công trình văn hóa, văn học nghệ thuật về lịch sử dân tộc, lịch sử đấu tranh cách mạng và công cuộc đổi mới của đất nước; các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP; đầu tư cho văn hóa hóa tối thiểu 2% tổng chi ngân sách hằng năm.
Chúng ta đã xây dựng thiết chế văn hóa tương đối hoàn thiện từ cấp Nhà nước đến cấp tỉnh, huyện, xã. Tuy nhiên, vấn đề cơ bản hiện nay thuộc về các kế sách cụ thể, sự vận động cụ thể cho từng vùng miền, từng tộc người, từng vấn đề văn hóa. Theo tôi, cần phải được xem xét một cách vừa khoa học vừa thực tiễn, đặc biệt việc sử dụng con người thực thi từ trình độ, ứng xử.
Bởi hiện nay, nguồn nhân lực về văn hóa vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển nội tại của Nhân dân, chưa kể nhiều khi họ làm biến thái đi bởi các xu hướng văn hóa khác của thế giới mà sự tiếp biến, truyền thông văn hóa hiện nay hết sức mạnh mẽ.
Về con người thực thi văn hóa, chúng ta chưa tổ chức một cách hiệu quả, chưa có những kế sách để vận động, khuyến khích họ hoạt động hết năng lực, sự nhiệt tình. Do đó, dù các mục tiêu đề ra, con người thực thi mới quan trọng.
Thiết chế văn hóa là cần thiết nhưng một số ý kiến cho rằng, thời gian qua chúng ta còn làm hình thức, là đại biểu Quốc hội, ông có suy nghĩ gì về ý kiến này?
Đại biểu Phạm Văn Hòa: Theo tôi, văn hóa là thực tiễn, là tinh thần của người dân…, không thể thiếu được. Thiết chế văn hóa cũng rất cần thiết. Tuy nhiên, thời gian qua, có thể nói rằng, thiết chế văn hóa cơ sở của chúng ta đang thực hiện còn hình thức. Bộ VHTTDL cần định hình lại thiết chế văn hóa. Không làm cẩn thận sẽ rất hình thức và gây tốn kém, lãng phí.
Có “bánh vẽ, lãng phí”?
Tổng số kinh phí đầu tư cho chương trình lên đến 350.000 tỷ, ông đánh giá thế nào?
Ông Nguyễn Hùng Vĩ: Trước khi trả lời câu hỏi trên, tôi xin nói thêm về quan điểm văn hóa rất rộng. 350.000 tỷ cũng không đủ cho một giai đoạn 11 năm mà còn phải tiếp tục thêm. Trong văn hóa, đối với 54 dân tộc, hơn 400 di sản văn hóa phi vật thể, chục nghìn di tích được công nhận như vậy, thì con số trên là không nhiều.
Trong 4 năm qua, tôi đi hàng trăm chuyến thực tế, dù không có xu nào của ai, nhưng vì yêu nghề tôi đi. Tôi phải tự lo tiền ăn, ở, đi lại nhưng vẫn làm theo niềm vui và trách nhiệm xã hội. Thực tế, có rất nhiều người cũng như tôi. Họ đàn hát, lưu giữ di sản nhưng không có tiền công cán.
Ví dụ, tỉnh Bắc Ninh có hơn 320 CLB quan họ, dù đã đầu tư nhiều nhưng vẫn không thể đủ. Chúng ta muốn khai quật một loại hình văn hóa, làm thành tài nguyên văn hóa, thì số kinh phí trên không nhiều. Tuy nhiên, cần phải có chiến lược, kế sách, kế hoạch cụ thể, cần những con người thực hiện tốt và tập hợp lực lượng tổ chức lại sẽ làm được.
Từ đó, về nguồn kinh phí 350.000 tỷ đồng, cần nhìn nhận chính xác, khách quan, tránh tạo dư luận tiêu cực về việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.
Một số ý kiến cho rằng, nếu chương trình này không hiệu quả, sẽ gây lãng phí lớn?
Đại biểu Phạm Văn Hòa: Theo tôi, văn hóa là thực tiễn, là tinh thần của người dân... không thể thiếu được. Thiết chế văn hóa cũng rất cần thiết. Tuy nhiên, thời gian qua có thể nói rằng, thiết chế văn hóa cơ sở của chúng ta đang thực hiện còn hình thức. Bộ VHTTDL cần định hình lại thiết chế văn hóa. Không làm cẩn thận sẽ rất hình thức và gây tốn kém, lãng phí.
Con số 350.000 tỷ Bộ VHTTDL đưa ra rất lớn. Dư luận có quyền đặt câu hỏi thực hiện như thế nào? Ra làm sao? Có cần thiết hay không? Tôi nghĩ hiện nay, cần thiết nhất là cuộc sống người dân, cán bộ công chức, viên chức, chứ không phải buông tiền trăm nghìn tỷ như thế, nếu không đạt hiệu quả cao là lãng phí và không nên.
Tôi cho rằng, cần phải có sơ kết, tổng kết ở cơ sở cấp huyện, tỉnh. Họ thực hiện như thế nào, hiệu quả đến đâu, thì mới đề ra. Khi đưa ra số tiền lớn như vậy cần có báo cáo, đánh giá để tổ chức thực hiện.
Thực tế hiện nay có nhiều bảo tàng xây xong không phát huy hiệu quả, nhiều công trình văn hóa để hoang phí. Bảo tàng, thư viện các công trình văn hóa khác làm cho đồ sộ, nhưng người dân không mặn mà. Bởi hiện nay, các phương tiện thông tin như báo chí, truyền hình, mạng xã hội rất nhiều. Bây giờ phải xem xét thận trọng vấn đề gì người dân còn thiếu, chúng ta mới làm. Còn tổ chức đình đám, gây tốn kém mà không hiệu quả, thì không nên.
Xin cảm ơn các chuyên gia.
Mời quý độc giả xem video: TS Bàn Tuấn Năng, Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh chia sẻ về việc hỗ trợ, giúp các sinh viên người Dao.