350 lao động giúp việc nữ được hỗ trợ tài chính để phục hồi hậu Covid-19
Hơn 350 người lao động hiện là nhân viên giúp việc gia đình tại TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đà Nẵng, và Hải Phòng - trực thuộc JupViec.vn, một công ty cung cấp nền tảng công nghệ kết nối nhu cầu giúp việc của khách hàng và người lao động thông qua ứng dụng trên điện thoại di động – nhận khoản hỗ trợ tiền mặt và đào tạo lên đến gần 50.000 NZD (khoảng 830 triệu đồng).
Đây là một sáng kiến hợp tác giữa Đại sứ quán New Zealand tại Việt Nam và tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam với mục tiêu hỗ trợ người lao động trong khu vực phi chính thức giải tỏa phần nào áp lực kinh tế và tăng cường khả năng ứng phó trong bối cảnh đại dịch kéo dài.
“Sáng kiến này là một minh chứng sống động cho quan hệ hợp tác giữa New Zealand và Việt Nam. Khoản hỗ trợ này sẽ giúp hỗ trợ giải tỏa một phần ảnh hưởng của Covid-19 đối với người lao động trong khu vực phi chính thức tại TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Hải Phòng và Đà Nẵng, vốn đã là những nhóm dân cư dễ bị tổn thương bởi tác động của kinh tế nhất trong thời gian đại dịch diễn ra”, ông Joseph Mayhew, Đại biện Lâm thời New Zealand tại Việt Nam cho biết.
Diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 và khả năng phục hồi bấp bênh trong năm 2020 đã ảnh hưởng lớn tới cơ hội sinh kế vốn đã nhiều khó khăn của những người lao động trong khu vực phi chính thức, đặc biệt là phụ nữ di cư, và đặt ra nhiều thử thách cho nhóm lao động dễ bị tổn thương này.
Gói hỗ trợ tiền mặt này sẽ giúp người lao động chi trả một phần chi phí sinh hoạt hàng ngày, trả tiền nợ thuê nhà, tiền khám chữa bệnh, đóng tiền học cho con, hay những áp lực tài chính khác.
Ngoài ra, trong khuôn khổ sáng kiến hợp tác này, người lao động sẽ được trang bị những kiến thức và kỹ năng về quản lý tài chính cá nhân trong bối cảnh kinh tế biến động để giúp họ có thể đưa ra những quyết định tài chính sáng suốt và gia tăng sức khỏe tài chính về dài hạn.
Theo báo cáo của Liên hợp quốc tại Việt Nam đánh giá về tác động kinh tế - xã hội của Covid-19 tại Việt Nam, quá trình phục hồi sau đại dịch đang diễn ra không đồng đều giữa các nhóm dân số khác nhau.
Những hộ gia đình do phụ nữ làm chủ làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức, cùng với các hộ gia đình dân tộc thiểu số, có tốc độ phục hồi chậm nhất trên cả nước.
Báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê Việt Nam về tình hình lao động việc làm Quý IV/2020 cũng cho biết mặc dù thị trường lao động đã bắt đầu phục hồi nhưng vẫn chưa trở lại trạng thái của cùng kỳ năm trước.
Số lao động làm việc trong khu vực phi chính thức đã tăng lên vào năm 2020 sau nhiều năm liên tục giảm, đạt 20,9 triệu người lao động vào quý cuối cùng của năm 2020.
“Chúng tôi tin rằng hỗ trợ lao động nữ trong khu vực phi chính thức là hỗ trợ một trong những nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch, nhưng cũng là những người tiên phong trong công cuộc phục hồi kinh tế. Sức bền bỉ, khả năng ứng phó và tinh thần khởi nghiệp vi mô của họ là yếu tố quan trọng để nền kinh tế có thể phục hồi mạnh mẽ một cách toàn diện và công bằng”, bà Lê Kim Dung, Giám đốc Quốc gia tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam cho biết.
Là một phần trong chương trình dài hạn của CARE nhằm hỗ trợ những nhóm dân số dễ bị tổn thương ở khu vực đô thị, sáng kiến này cũng thể hiện cam kết của Chương trình Viện trợ New Zealand và CARE tại Việt Nam đối với nỗ lực chung của Việt Nam nhằm thúc đẩy nền kinh tế hồi phục một mạnh mẽ và toàn diện.
(theo ĐSQ New Zealand tại Việt Nam)