352 mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ được gia hạn miễn trừ thuế quan
Văn phòng đại diện Thương mại Mỹ (USTR) ngày 16/12 thông báo sẽ kéo dài thêm 9 tháng thời gian miễn trừ thuế quan đối với 352 mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, vốn sẽ hết hạn vào ngày 31/12/2022.
Theo Reuters, các mặt hàng được miễn trừ thuế quan liên quan đến các sản phẩm phải chịu thuế theo Mục 301 của Đạo luật Thương mại Mỹ năm 1974.
Cụ thể, các mặt hàng này bao gồm nhiều loại linh kiện sản xuất và hàng tiêu dùng, từ các linh kiện trên màn hình tivi đến ba lô, xe đạp, máy bơm, động cơ điện, một số bộ phận lắp ráp ô tô, máy hút bụi, hóa chất.
Theo USTR, quyết định gia hạn sẽ giúp điều chỉnh thêm việc xem xét lại những trường hợp được miễn trừ này trong khuôn khổ cuộc đánh giá toàn diện 4 năm đang diễn ra về các mức thuế mà chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt theo Mục 301 đối với hàng nhập khẩu trị giá 370 tỷ USD của Trung Quốc.
Điều khoản này cho phép Tổng thống Mỹ áp thuế và các biện pháp hạn chế nhập khẩu khác khi một nước thực hiện các quy tắc thương mại không công bằng, gây ảnh hưởng đến hoạt động thương mại của Mỹ.
Theo Reuters, USTR cho biết sẽ thu thập ý kiến trong quá trình đánh giá lại chính sách thuế quan đến hết ngày 17/1/2023.
Hồi tháng 3 năm nay, Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai đã khôi phục miễn trừ thuế quan từ thời cựu Tổng thống Trump đối với 352 mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, vốn đã được miễn trừ trước đây và hầu hết đều hết hạn vào cuối năm 2020.
Quyết định gia hạn này có hiệu lực từ ngày 12/10/2021 đến hết ngày 31/12/2022, sau khi USTR lấy ý kiến công chúng vào cuối năm 2021 về việc liệu có khôi phục miễn trừ thuế quan đối với 549 nhóm sản phẩm từ Trung Quốc hay không.
Trước đó, dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Trump, Mỹ áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc ước tính trị giá 370 tỷ USD, từ giày dép, quần áo đến đồ điện tử, xe đạp và thậm chí cả thức ăn cho gia súc, sau một cuộc điều tra về vấn đề vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Các doanh nghiệp và tập đoàn thương mại lớn của Mỹ đã kêu gọi USTR loại bỏ các mức thuế quan đối với một loạt sản phẩm do Trung Quốc sản xuất, bao gồm máy bay không người lái, robot, máy tính cá nhân và máy in 3D.
Sau đó, cựu Tổng thống Trump đã ký Thỏa thuận thương mại Giai đoạn 1 với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 1/2020. Thỏa thuận này giúp xoa dịu xung đột thương mại kéo dài gần 18 tháng giữa hai nước, ảnh hưởng tới hoạt động trao đổi hàng hóa giữa hai nước trị giá hàng trăm tỷ USD do cuộc chiến thuế quan gây ra.
Theo thỏa thuận, Trung Quốc cam kết trong vòng 2 năm sẽ tăng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa nông nghiệp và chế tạo, năng lượng cùng dịch vụ của Mỹ thêm 200 tỷ USD so với mức năm 2017. Trong một diễn biến khác, ngày 15/12, Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua kế hoạch áp thuế toàn cầu ở mức 15% đối với các doanh nghiệp đa quốc gia.
Ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề kinh tế Paolo Gentiloni nhấn mạnh EU đã thực hiện bước đi quan trọng hướng tới công bằng thuế và công bằng xã hội. Việc áp mức thuế tối thiểu đóng vai trò then chốt trong việc giải quyết các thách thức của kinh tế toàn cầu.
Mục đích của thỏa thuận giữa gần 140 quốc gia này là nhằm ngăn các chính phủ giảm thuế để thu hút các doanh nghiệp. Thỏa thuận này được thực hiện theo khuyến nghị của Tổ chức Phát triển và hợp tác kinh tế (OECD), nhận được sự ủng hộ của Mỹ và một số nền kinh tế lớn trong EU. Việc áp mức thuế tối thiểu tại EU đã bị trì hoãn do các nước thành viên phản đối hoặc có động thái ngăn chặn. Tuy nhiên, tại cuộc họp ngày 15/12, EU đã giải quyết được những bất đồng này và biện pháp mới sẽ có hiệu lực trên toàn khối vào cuối năm nay.
Các nhà lãnh đạo EU đã hoan nghênh quyết định trên. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết Paris đã thúc đẩy ý tưởng này suốt 4 năm. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cũng lên tiếng hoan nghênh quyết định mới đây của lãnh đạo các nước EU.
Mức thuế tối thiểu trên toàn cầu này chỉ là một phần trong 2 nội dung trọng tâm theo thỏa thuận của OECD. Trọng tâm đầu tiên tập trung vào việc thiết lập cơ chế đánh thuế những doanh nghiệp ở nơi mà họ thu được lợi nhuận nhằm hạn chế việc trốn thuế, chủ yếu nhằm vào các doanh nghiệp kỹ thuật số lớn. Nội dung này đòi hỏi một thỏa thuận quốc tế và hiện vẫn chưa được hoàn tất.