36 bị cáo hầu tòa vụ cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi chằng chịt 'ổ gà'
36 bị cáo bị đưa ra xét xử trong vụ án liên quan đến dự án tuyến cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi vừa đưa vào sử dụng đã bị hư hỏng nặng.
Ngày 23-11, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án sai phạm xảy ra tại dự án đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi. Phiên tòa dự kiến diễn ra trong một tháng, cả các ngày thứ Bảy và Chủ nhật.
36 bị cáo cùng bị truy tố về tội vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, theo quy định tại khoản 3 Điều 224 BLSH năm 2015, khung hình phạt 10-20 năm tù.
Trong số trên có Nguyễn Mạnh Hùng, Lê Quang Hào (hai phó tổng giám đốc Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam – VEC), Hoàng Việt Hưng (giám đốc Ban Quản lý Dự án đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi), Nguyễn Tiến Thành (cựu giám đốc Ban Quản lý dự án, cựu giám đốc gói thầu số 4, số 5), Đỗ Ngọc Ân (phó giám đốc Ban Quản lý dự án, cựu giám đốc gói thầu số 4,5,6,7)…
Đáng chú ý, vụ án có một bị cáo người nước ngoài là Takao Inami (quốc tịch Nhật Bản, Tư vấn trưởng, Giám đốc Văn phòng nhà thầu tư vấn giám sát dự án đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi).
Theo cáo trạng của VKSND tối cao, dự án đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi do VEC làm chủ đầu tư, có tổng chiều dài toàn tuyến là hơn 139km, từ TP Đà Nẵng đến TP Quảng Ngãi.
Dự án khởi công tháng 5-2013, chia làm hai giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 dài 65km, từ TP Đà Nẵng đến TP Tam Kỳ (Quảng Nam), gồm tám gói thầu xây lắp chính (bảy gói thầu thi công đường và một gói thầu thi công cầu).
Tháng 8-2017, dự án hoàn thành thông xe giai đoạn 1. Tuy nhiên, dù mới được đưa vào sử dụng nhưng đoạn đường 65km đã có rất nhiều điểm hỏng biểu hiện trên mặt đường bê tông nhựa, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc vận hành khai thác, an toàn khi tham gia giao thông.
Kết luận giám định cho thấy chất lượng công trình xây dựng hoàn thành đối với tất cả bảy gói thầu (phần đường) thuộc giai đoạn 1 đều không đảm bảo chất lượng đúng như tiêu chuẩn kỹ thuật, yêu cầu thiết kế dự án.
Điển hình như chiều dày lớp bêtông nhựa VTO/Novachip không đảm bảo quy định, độ rỗng dư, hàm lượng nhựa, hệ số thấm không đạt yêu cầu quy định; lớp bêtông nhựa hạt mịn thiếu chiều dày bình quân, độ rộng dư giao động rất lớn; các lớp bê tông nhựa và đá dăm gia cổ nhựa có hiện tượng bong tróc cốt liệu...
Trong quá trình thi công, nghiệm thu, các bên liên quan không thực hiện đo nghiệm thu cường độ mặt đường trên các lớp vật liệu hoàn thành, không đo hệ số thấm của lớp bêtông nhựa tạo nhám để đánh giá chất lượng công trình xây dựng sau khi thi công, dẫn đến không kiểm soát được chất lượng hạng mục công trình xây dựng nhưng đã ký nghiệm thu, đề nghị đưa công trình vào khai thác sử dụng.
Đặc biệt, VEC, Ban Quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi và các đơn vị liên quan không có phương án, biện pháp chỉ đạo cụ thể để rà soát, kiểm tra, loại bỏ vật liệu không đảm bảo chất lượng, dẫn đến cả bảy gói thầu đều sử dụng đá không đạt chất lượng để làm vật liệu sản xuất các lớp cấp phối đá dăm và bêtông nhựa các loại.
Theo VKS, thiệt hại của vụ án là số tiền hơn 811 tỉ đồng. Đây là giá trị các hạng mục công trình xây dựng không đảm bảo chất lượng tại các gói thầu nhưng vẫn được chủ đầu tư và các đơn vị liên quan nghiệm thu, thanh toán.