36 sự kiện lịch sử tiêu biểu của Thăng Long – Hà Nội (Kỳ 19)

Trân trọng giới thiệu sách '36 sự kiện lịch sử tiêu biểu của Thăng Long - Hà Nội' của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Thanh niên ấn hành.

KỲ 19

SỰ KIỆN 20: NGUYỄN ÁNH CHIẾM THĂNG LONG (1802).

Năm 1792 vua Quang Trung đột ngột qua đời năm 40 tuổi. Trong ba lãnh tụ Tây Sơn, Nguyễn Nhạc xưng là Trung ương Hoàng đế tự yên vui ở Qui Nhơn, Nguyễn Lữ bất tài, được phong là Đông Định Vương coi sóc miền đất Gia Định (toàn bộ miền Nam từ Đông Nai trở vào) nhưng bỏ về Qui Nhơn cho Nguyễn Ánh chiếm lại miền đất chiến lược quan trọng này. Thành ra Nguyễn Huệ trở thành trụ cột của phong trào. Từ trong thực tế chiến đấu ông đã học hỏi, đúc rút kinh nghiệm tự vươn lên thành một lãnh tụ kiệt xuất nhất của phong trào nông dân mọi thế kỷ, thành một tướng lĩnh bách chiến bách thắng, trở thành một nhà chính trị tài giỏi. Tất cả những thành tựu mà phong trào nông dân Tây Sơn đạt được phần lớn nằm dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Huệ. Việc ông từ trần đột ngột làm cho phong trào Tây Sơn đi xuống, ưu thế chuyển sang nhà Nguyễn Ánh. Và Năm 1802, Nguyễn Ánh lật đổ nhà Tây Sơn của Hoàng đế Cảnh Thịnh Nguyễn Quang Toản và lập ra vương triều Nguyễn (1802-1945). Vương triều Tây Sơn kể từ Thái Đức Hoàng đế Nguyễn Nhạc đến Cảnh Thịnh Hoàng đế tồn tại được 25 năm với các vị vua: Thái Đức Hoàng đế Nguyễn Nhạc (1778-1793), Quang Trung Hoàng đế Nguyễn Huệ (1789-1792) và Cảnh Thịnh Hoàng đế Nguyễn Quang Toản (1793-1802)[1].

Di tích Đoan Môn trong Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Internet.

Di tích Đoan Môn trong Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Internet.

Năm 1802 Nguyễn Ánh lên ngôi vua xưng là Gia Long Hoàng đế, định quốc Đô ở Phú Xuân (Huế), đổi quốc hiệu là Việt Nam (còn có tên là Đại Nam). Đơn vị hành chính lớn nhất thời Gia Long là 3 khu vực:Toàn bộ miền Bắc gọi là Bắc Thành, toàn bộ miền Nam gọi là Gia Định Thành. Thăng Long trở thành thủ phủ của Bắc Thành, được gọi là trấn Thăng Long trong số 11 trấn của Bắc thành.

Từ năm 1803 đến 1805, Gia Long ra lệnh phá thành Đại La. Xây dựng một tòa thành mới kiểu Vô Băng ( kiến trúc Pháp). Thành hình vuông, chu vi khoảng 5000m, phía bắc thành là phố Phan Đình Phùng ngày nay, phía nam là phố Trần Phú, phía đông là phố Lý Nam Đế, Phùng Hưng, phía tây khoảng đại lộ Hùng Vương-phố Ông Ích Khiêm. Thành cao 4 m, dầy 1,6m, phía dưới xây bằng đá ong, đá xanh, phía trên xây bằng gạch. Thành có 5 cửa: Cửa bắc, đông, tây, đông –nam và tây –nam. Bên trong thành chính giữa Hoàng thành vẫn để điện Kính Thiên, chỉ mở cửa khi vua nhà Nguyễn ra Thăng Long.

Năm 1805, nhà Nguyễn cho xây Kỳ Đài (Cột cờ). Kỳ Đài gồm tầng đế thứ nhất cao 3,1m, tầng đế thứ 2 cao 3,7m, tầng đế thứ 3 cao 5,1m, thân trụ cao 18,2 m, tầng lầu nóc cao 3,3m. Tổng cộng chiều cao của Kỳ Đài cao 33,4 m, trên cùng có thanh cán cờ cao 8m. Kỳ Đài có 4 cửa, phía đông là cửa Nghênh Húc (đón buổi sáng), phía nam là cửa Hướnh Minh (hướng về cõi sáng), phía tây là cửa Hồi Quang (Ánh sáng trở về) và cửa phía bắc. Kỳ Đài nằm giữa hai cổng đông-nam và tây-nam đối diện với Đoan Môn.

(Còn nữa)

CVL

[1] .Quỳnh Cư, Đỗ Đức Hùng. Các Triều đại Việt Nam. NXB Thanh Niên. H. 1993. Tr. 241.

PGS TS Cao Văn Liên

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/36-su-kien-lich-su-tieu-bieu-cua-thang-long-ha-noi-ky-19-a16710.html