36 tỉnh, thành đối diện nguy cơ ùn tắc đăng kiểm, chủ phương tiện cần làm gì?
Tới đây khi các vụ án liên quan đến đăng kiểm được đưa ra xét xử, dự báo sẽ có 36 địa phương nguy cơ tái diễn ùn tắc, có nơi 'trắng' đăng kiểm.
Cục Đăng kiểm Việt Nam vừa có báo cáo gửi Bộ GTVT về dự báo tình hình kiểm định xe cơ giới thời gian tới, khi các địa phương đưa vụ án liên quan đến đăng kiểm ra xét xử.
Theo số liệu thống kê, đã có 42 địa phương với 112 trung tâm đăng kiểm có các đăng kiểm viên bị khởi tố. "Với lượng phương tiện đến kiểm định gia tăng và việc các cơ quan tố tụng đưa vụ việc ra xét xử trong thời gian tới, cả nước có tới 36 địa phương nguy cơ bị ùn tắc phương tiện đến kiểm định.
36 địa phương có nguy cơ ùn tắc gồm: Bắc Kạn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Định, Bình Dương, Bình Thuận, Cần Thơ, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Đồng Nai, Đồng Tháp, Gia Lai, Hà Giang, Hà Nam, Hà Nội, Hà Tĩnh, Hải Dương, Hậu Giang, Hòa Bình, Hưng Yên, Kon Tum, Lâm Đồng, Nam Định, Nghệ An, Phú Yên, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Sơn La, Thái Bình, Thái Nguyên, Thừa Thiên Huế, Tiền Giang, TPHCM, Trà Vinh và Tuyên Quang.
Đặc biệt, sẽ có những địa phương không còn trung tâm đăng kiểm để hoạt động như: Bắc Kạn và Thái Bình. Việc này sẽ ảnh hưởng và thậm chí dẫn đến ùn tắc phương tiện kiểm định tại các địa phương khác do sự dịch chuyển phương tiện từ 36 địa phương trên.
"Thời gian trước, Lạng Sơn, Hải Phòng, Quảng Ninh, Yên Bái là một ví dụ điển hình. Dù năng lực kiểm định xe tại địa phương dư thừa song vẫn xảy ra ùn tắc vì xe từ các tỉnh khác di chuyển về kiểm định", báo cáo nêu rõ.
Chia sẻ thêm, lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, nếu trong tháng 7/2024, các vụ án đăng kiểm được đồng loạt đưa ra xét xử, dự báo sẽ có 91 trung tâm đăng kiểm phải đóng cửa trong thời gian 3 tháng. Tức là đến hết tháng 9/2024, trung tâm mới có thể mở cửa hoạt động trở lại phục vụ nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.
Trong đó, 100% các trung tâm thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam tại Hà Nội và TPHCM sẽ phải đóng cửa. Nguy cơ ùn tắc tại các địa phương là chắc chắn sẽ xảy ra và đặc biệt nghiêm trọng tại Hà Nội, TPHCM và Đồng Nai.
Để chủ động ứng phó với các tình huống có thể xảy ra trong thời gian tới, Cục đã báo cáo Bộ GTVT và đề xuất sửa đổi Nghị định 139 và Nghị định 30 quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới, theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Theo đó, Cục Đăng kiểm Việt Nam kiến nghị sửa đổi quy định theo hướng không thu hồi chứng chỉ đăng kiểm viên đối với các trường hợp bị tòa án kết tội, cho hưởng án treo, không cấm hành nghề hoặc cho cải tạo không giam giữ.
Đồng thời, kiến nghị không đóng cửa các đơn vị đăng kiểm có từ 2 đăng kiểm viên bị thu hồi chứng chỉ đối với các vụ án đăng kiểm bị khởi tố trước thời điểm ban hành Nghị định 30/2023 (tức trước ngày 8/6/2023).
Người dân nên chủ động đăng kiểm sớm
Ghi nhận tại một số trung tâm đăng kiểm trên địa bàn quận Cầu Giấy, Đống Đa, Hoàng Mai, Thanh Trì, Hoài Đức (Hà Nội) cho thấy, những ngày qua lượng phương tiện đi đăng kiểm đã tăng lên rõ rệt. Các trung tâm tiếp nhận xe theo 2 hình thức: Xếp hàng lấy số trực tiếp và đặt lịch hẹn qua online. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, người dân vẫn lựa chọn cách lấy số xếp hàng. Chỉ đến khoảng 9h, nhiều trung tâm đã dừng phát số.
Đơn cử, vào 9h sáng ngày 21/5, tại Trung tâm đăng kiểm 29.10D (Đền Lừ, Hoàng Mai, Hà Nội), một khách hàng cho biết đã hết số. Người này chia sẻ trên mạng xã hội và khuyến cáo người dân không nên đến, tránh mất thời gian.
Trước thực trạng này, Cục Đăng kiểm Việt Nam khuyến cáo, để tránh ùn tắc và tiết kiệm thời gian, chủ phương tiện cần chủ động kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa các hư hỏng (nếu có) của phương tiện trước khi đi kiểm định.
Ngoài ra, chủ xe có sắp đến hạn đăng kiểm nên lựa chọn thời điểm kiểm định sớm, chủ động khi trên đường về quê, đi công tác, du lịch, lấy hàng, giao hàng có thể vào bất kỳ đơn vị đăng kiểm nào tiện đường để kiểm định.