366 di tích cấp tỉnh chưa có hồ sơ khoa học và pháp lý
Tỉnh Quảng Trị có 501 di tích danh thắng đã được xếp hạng các cấp, bao gồm 4 di tích được xếp hạng quốc gia đặc biệt, 20 di tích được xếp hạng quốc gia và 477 di tích cấp tỉnh. Xác định tầm quan trọng của hệ thống di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh, những năm qua, bằng nguồn vốn đầu tư của trung ương, của tỉnh và nguồn huy động xã hội hóa, hệ thống di tích lịch sử đã được quan tâm đầu tư, bảo tồn, tôn tạo. Đặc biệt là đối với các di tích quốc gia đặc biệt và di tích quốc gia đã được đầu tư bảo tồn, tôn tạo, hiện đang phát huy giá trị tốt, trở thành những điểm du lịch, tham quan hấp dẫn thu hút đông đảo du khách gần xa.
Riêng với di tích cấp tỉnh, ngày 31/7/2013, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 17 về việc đầu tư, bảo tồn, tôn tạo, chống xuống cấp hệ thống di tích lịch sử văn hóa tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 2013 - 2020, trong đó nêu mục tiêu đến năm 2015, 100% di tích của tỉnh được kiểm kê, hoàn thành việc cắm mốc chỉ giới, khoanh vùng bảo vệ và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, do không được bố trí kinh phí nên về cơ bản không hoàn thành được các mục tiêu đặt ra.
Trước thực trạng đó, từ năm 2016 đến 2020, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo Ban Quản lý Di tích và Danh thắng (nay là Trung tâm Quản lý Di tích và Bảo tàng) phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố lập hồ sơ khoa học và pháp lý theo hình thức: UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thực hiện hồ sơ pháp lý (lập bản đồ và biên bản khoanh vùng bảo vệ đất đai); Trung tâm Quản lý Di tích và Bảo tàng lập hồ sơ khoa học (lý lịch khoa học, bản ảnh, bản vẽ kỹ thuật).
Đến nay, tổng số di tích xếp hạng cấp tỉnh được bổ sung hoàn chỉnh hồ sơ khoa học và pháp lý là 111/447 di tích, còn 366/477 di tích chưa có hồ sơ khoa học và pháp lý để có cơ sở cắm mốc chỉ giới khoanh vùng bảo vệ và lập quy hoạch đầu tư, bảo tồn, tôn tạo, chống xuống cấp di tích.