39 ngàn, 1.050 bản và 17 năm
Vụ ầm ĩ xoay quanh tác phẩm 'Giấc mơ trưa' của nhạc sỹ Giáng Son với đơn vị truyền thông BH Media tưởng như chỉ dừng ở một tranh chấp dân sự có thể giải quyết nhanh chóng đã được thổi bùng thêm khi dư luận phát hiện việc BH Media đăng ký 'định danh nội dung' (content ID) với Youtube đối với 'Tiến quân ca'.
Truyền thông cả chính thống lẫn phi chính thống đổ thêm dầu vào lửa. Và thông qua các tranh luận rôm rả đã thấy bật ra một lỗ hổng lớn. Đó chính là cách mà cộng đồng đang hiểu về Luật Sở hữu trí tuệ, về thế nào là quyền tác giả, thế nào là quyền liên quan vv và vv…
Nói về mức độ nắm bắt Luật Sở hữu trí tuệ trong cộng đồng hiện nay, đặc biệt là ở giới truyền thông, quảng cáo, sản xuất nội dung… rõ ràng đang có một tình trạng "sống trong sự mù mờ". Những vi phạm không chỉ là cố ý mà còn từ vô ý do không có kiến thức đủ đầy.
Mới đây, họa sỹ Jamie J. Hasso, Giám đốc phát triển hình ảnh của Tencent Games đã đăng đàn tố cáo đơn vị chủ quản của chương trình TV Show "Rap Việt" ăn cắp hình ảnh sáng tạo của ông để làm các poster quảng bá chương trình. Kéo theo, một loạt họa sỹ thiết kế của các hãng sáng tạo nổi tiếng trên thế giới cũng tố cáo đơn vị này các hành vi tương tự. Chưa biết vụ việc sẽ được giải quyết đến đâu, mức phạt ra sao nhưng chắc chắn cách làm việc xem thường các quy tắc đã được luật hóa về sở hữu trí tuệ phải được xóa bỏ ngay lập tức. Nó không chỉ ảnh hưởng đến uy tín của một đơn vị mà còn ảnh hưởng đến cả uy tín của cả một quốc gia.
Rất nhiều người chỉ nghĩ sở hữu trí tuệ đơn giản gói gọn trong quyền tác giả, chỉ cần giữ quyền tác giả là đủ bao trùm và có thể giữ luôn cả quyền liên quan khác. Khá buồn là đại đa số các tác giả sáng tạo lại đang hiểu theo cách sai lệch này. E rằng sẽ còn rất nhiều tranh chấp không đáng có nữa nổ ra trong tương lai.
Ấn phẩm thường thức về Luật Sở hữu trí tuệ còn không ít. Đơn cử, trên mạng cuốn "Thường thức về quyền tác giả và quyền liên quan trong Luật Sở hữu trí tuệ" được NXB Thanh niên ấn hành năm 2010, giá bán chỉ có 39 ngàn đồng. Số lượng xuất bản vỏn vẹn 1.050 cuốn. Nhìn vào giá bán, lượng ấn hành và không có lần tái bản nào là chúng ta đủ hiểu cuốn sách ấy "ế" ra sao. Và thật ngạc nhiên là nó lại ế trong khi lực lượng sáng tạo rất đông đảo đặc biệt cần đến nó cho công việc hàng ngày của mình. Cái này phải nói thẳng là do lười và do thói quen chưa biết xem trọng công cụ luật.
Việt Nam tham gia vào Công ước Berne (về quyền tác giả) từ năm 2004, tham gia vào Công ước Rome (về quyền liên quan) từ năm 2006 như một hành động chứng tỏ hòa nhập toàn cầu. Vậy mà 17 năm trôi qua, số lượng các tác giả, các nhà sản xuất làm cho đúng tinh thần luật sở hữu trí tuệ, hiểu được cơ bản các quyền có gắn tới mình trong đó vẫn chỉ là thiểu số. Có kiến thức thì mới có được hành vi đúng đắn. Chúng ta vẫn ngợi khen các quốc gia khác là văn minh thì tại sao chúng ta không học lấy cái văn minh cơ bản nhất của họ là "chịu tìm hiểu các kiến thức cơ bản có liên quan đến ngành nghề của mình". Chúng ta ngưỡng mộ sự tiến bộ của nước Nhật nhưng cần phải biết rằng Nhật là quốc gia châu Á đầu tiên ban hành luật về quyền tác giả từ năm 1889.
Thay vì tranh cãi, hãy tìm hiểu. 17 năm tham gia Công ước với hàng loạt ấn bản giới thiệu về Luật Sở hữu trí tuệ mà trong đó có một ấn phẩm giá 39 ngàn, 11 năm trời vẫn không bán hết 1.050 bản. Đó mới chính là nguyên nhân cơ bản cho vô vàn vi phạm đến mức nực cười của ngày hôm nay.
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/39-ngan-1-050-ban-va-17-nam-i634474/