4.500 tổ trưởng chuyên môn tiểu học được bồi dưỡng trực tuyến Chương trình GDPT 2018
Bắt đầu từ ngày 22/4, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục triển khai đợt 2 hoạt động bồi dưỡng trực tuyến về thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới (gọi là chương trình GDPT 2018) cho khoảng 4.500 tổ trưởng chuyên môn trường tiểu học trên toàn quốc.
Các học viên tham gia bồi dưỡng phải đáp ứng các yêu cầu là giáo viên cơ sở giáo dục tiểu học có ít nhất 5 năm kinh nghiệm giảng dạy trực tiếp; có khả năng thiết kế, triển khai các giờ dạy minh họa, tổ chức các tọa đàm, hội thảo, bồi dưỡng về phương pháp, kỹ thuật dạy học, giáo dục... Các học viên cũng phải có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác sử dụng thiết bị công nghệ trong dạy học và giáo dục...
Bộ GD&ĐT cũng lưu ý các địa phương khi cử học viên tham gia bồi dưỡng cần lựa chọn những thầy cô không thuộc đối tượng bồi dưỡng theo một số kế hoạch khác, chưa tham gia các khóa bồi dưỡng giáo viên cốt cán do các trường ĐH Sư phạm tham gia Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông tổ chức.
Theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT, các sở GD&ĐT lựa chọn học viên tham gia bồi dưỡng bảo đảm có học viên nam, học viên nữ và có học viên là người dân tộc thiểu số; không có từ 2 học viên trở lên thuộc cùng thuộc 1 trường tiểu học; mỗi nhóm trường tiểu học gần nhau trên địa bàn (từ 5 trường trở lên) cần có ít nhất 1 học viên.
Tham gia chương trình này, các sở GD&ĐT Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM, Thanh Hóa, Nghệ An, Đắk Lắk và An Giang cử 90 tổ trưởng chuyên môn, các địa phương khác cử 70 tổ trưởng chuyên môn tham gia các lớp bồi dưỡng. Học viên của 63 tỉnh, thành phố được chia thành các lớp theo môn học, hoạt động giáo dục.
Điểm khác biệt của đợt bồi dưỡng này do bối cảnh dịch COVID-19, là toàn bộ các hoạt động sẽ được thực hiện thông qua hình trực tuyến thay cho hình thức truyền thống.
Dự kiến chương trình tập huấn sẽ có tổng số 60 lớp (trung bình 80 học viên/lớp) gồm: Tiếng Việt (7 lớp), Toán (7 lớp), Đạo đức (7 lớp), Tự nhiên và Xã hội, Khoa học (7 lớp), Hoạt động trải nghiệm (7 lớp), Công nghệ (5 lớp), Tin học (5 lớp), Giáo dục thể chất (5 lớp), Âm nhạc (5 lớp), và Mĩ thuật (5 lớp).
Hoạt động do Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) chủ trì phối hợp với Dự án RGEP và một số đơn vị liên quan tổ chức thực hiện.