4 cách giúp người nhút nhát, hướng nội dễ dàng hòa nhập với đám đông

Nếu bạn cảm thấy thiếu an toàn khi kết nối với người khác và gặp khó khăn khi giao tiếp xã hội, thì đây là những cách giúp bạn xây dựng mối quan hệ.

Người nhút nhát và hướng nội thường cảm thấy lúng túng khi ở cạnh những người xa lạ. (Ảnh: ITN).

Người nhút nhát và hướng nội thường cảm thấy lúng túng khi ở cạnh những người xa lạ. (Ảnh: ITN).

Hiểu về sự nhút nhát

Con người được coi là những sinh vật xã hội. Việc kết nối với bạn bè khiến chúng ta hạnh phúc và khỏe mạnh hơn. Trên thực tế, kết nối xã hội là chìa khóa cho sức khỏe tinh thần và cảm xúc của chúng ta.

Nhưng người nhút nhát và hướng nội thường cảm thấy lúng túng khi ở cạnh người xa lạ, không biết phải nói gì hoặc lo lắng về những gì người khác nghĩ về mình. Điều này khiến chúng ta tránh né các tình huống xã hội, tách mình ra khỏi những người khác, dần dần trở nên cô lập và cô đơn.

Nhút nhát, bất an trong xã hội và khó kết bạn là những vấn đề phổ biến ở mọi người ở mọi lứa tuổi và mọi hoàn cảnh, tính cách này không có gì đáng xấu hổ. Sự thật là không ai trong chúng ta sinh ra đã có kỹ năng xã hội.

Cho dù bạn cảm thấy lo lắng thế nào khi ở bên người khác, bạn không cần phải thay đổi tính cách của mình, nhưng bằng cách học các kỹ năng mới, bạn có thể vượt qua sự nhút nhát hoặc lúng túng, từ đó cảm thấy gắn kết hơn và tận hưởng tình bạn bền chặt, trọn vẹn.

Dưới đây là một số cách dễ dàng để bạn bắt chuyện khi gặp người mới:

Nhận xét về môi trường xung quanh

Nếu bạn đang tham dự một bữa tiệc, bạn có thể nhận xét về địa điểm, cách phục vụ ăn uống hoặc âm nhạc theo hướng tích cực. Chẳng hạn: “Tôi thích bài hát này", “Đồ ăn rất tuyệt. Bạn đã thử món gà chưa?”.

Hãy đặt một câu hỏi mở, đòi hỏi đối phương nhiều hơn là chỉ trả lời có hoặc không. Hầu hết mọi người đều thích nói về bản thân, nên đặt câu hỏi là một cách hay để bắt đầu cuộc trò chuyện.

Sử dụng lời khen

Bằng cách học các kỹ năng mới, bạn có thể vượt qua sự nhút nhát hoặc lúng túng, từ đó cảm thấy gắn kết hơn và tận hưởng tình bạn bền chặt, trọn vẹn. (Ảnh: ITN).

Bằng cách học các kỹ năng mới, bạn có thể vượt qua sự nhút nhát hoặc lúng túng, từ đó cảm thấy gắn kết hơn và tận hưởng tình bạn bền chặt, trọn vẹn. (Ảnh: ITN).

Ví dụ: “Tôi rất thích chiếc túi của bạn, tôi có thể hỏi bạn mua nó ở đâu không?” hoặc “Có vẻ như bạn đã từng làm việc này trước đây, bạn có thể cho tôi biết tôi nên bắt đầu từ đâu không?”.

Lưu ý về bất cứ điều gì bạn có điểm chung với đối phương và đặt câu hỏi tiếp theo. Chẳng hạn “Tôi cũng thích nấu ăn, món ăn yêu thích của bạn là gì?”; “Con gái tôi cũng học trường đó, con của bạn thì thế nào?”.

Tiếp tục mạch chuyện bằng những cuộc trò chuyện nhỏ

Đừng nói điều gì đó mang tính khiêu khích và tránh những chủ đề nặng nề như chính trị hay tôn giáo. Thay vào đó, bạn chỉ nên tập trung vào các chủ đề nhẹ nhàng như thời tiết, môi trường xung quanh và bất kỳ điểm chung nào của bạn với đối phương như trường học, phim ảnh hoặc các bộ môn thể thao.

Lắng nghe

Lắng nghe không chỉ là chờ đến lượt mình nói. Bạn không thể tập trung vào điều người khác đang nói nếu bạn mải suy nghĩ chủ đề mình sẽ nói tiếp theo. Một trong những chìa khóa để giao tiếp hiệu quả là tập trung hoàn toàn vào người nói và thể hiện sự quan tâm đến những gì đang được nói.

Thỉnh thoảng gật đầu, mỉm cười với người đó và đảm bảo rằng tư thế của bạn cởi mở và mời gọi. Khuyến khích người nói tiếp tục bằng những tín hiệu nhỏ thông qua lời nói như “có” hoặc “ừm”.

Làm thế nào khi các tình huống xã hội khiến bạn mệt mỏi?

Có một quan niệm sai lầm phổ biến rằng người hướng nội không hòa đồng. Trên thực tế, người hướng nội cũng có thể hòa đồng như người hướng ngoại. Sự khác biệt là người hướng nội mất năng lượng khi ở cạnh mọi người và nạp lại năng lượng bằng cách dành thời gian một mình, trong khi người hướng ngoại lấy năng lượng bằng cách dành thời gian với người khác.

Điều này có nghĩa là ngay cả những người hướng nội tự tin về mặt xã hội cũng sẽ cảm thấy mệt mỏi sau khi giao tiếp nhiều. Điều đó không có nghĩa là bạn có vấn đề gì hoặc bạn không có khả năng có một cuộc sống xã hội trọn vẹn. Bạn chỉ cần hiểu giới hạn của mình và lập kế hoạch phù hợp.

Bạn có thể từ chối những lời mời giao tiếp xã hội vì bạn cần nghỉ ngơi hoặc sắp xếp thời gian nghỉ ngơi sau khi giao lưu. Chẳng hạn, sau một ngày thứ Bảy vui vẻ với bạn bè, bạn có thể cần dành ngày Chủ nhật một mình để nghỉ ngơi và nạp lại năng lượng.

Sẽ có lúc bạn cảm thấy kiệt sức ngay trong đám đông, hãy cố gắng tìm thời gian để trốn vào một góc yên tĩnh mà không bị coi là thô lỗ. Thậm chí 10 hoặc 15 phút ở chỗ này chỗ kia cũng có thể tạo ra sự khác biệt lớn.

Nói chuyện với gia đình và bạn bè về nhu cầu thời gian ở một mình của bạn. Hãy thẳng thắn thừa nhận sự thật rằng việc giao tiếp xã hội đang làm bạn mệt mỏi. Không có gì phải xấu hổ về điều này, cố gắng che giấu nó sẽ chỉ khiến bạn thêm kiệt sức. Những người bạn tốt sẽ thông cảm và sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của bạn.

Theo helpguide.org

Thủy Kiều

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/4-cach-giup-nguoi-nhut-nhat-huong-noi-de-dang-hoa-nhap-voi-dam-dong-post677300.html