Làm gì để trở thành người tham gia giao thông văn minh?
Khi từng cá nhân biết đề cao ý thức tự giác, hành xử đúng mực và nhường nhịn khi cần thiết; các vấn đề như ùn tắc, cãi vã hay tai nạn có thể được hạn chế đáng kể.
Thời gian gần đây, khi không may xảy ra va chạm khi tham gia giao thông, nhiều tài xế đã thiếu kiểm soát, dẫn đến các vụ cự cãi. Các nguyên tắc giao thông văn minh như “nhường nhịn, lịch sự” hay “một điều nhịn, chín điều lành” đã không được họ tuân thủ.
Ganh nhau khi tham gia giao thông được lợi gì?
Trước đó, ngày 17-10, mạng xã hội (MXH) xuất hiện clip ghi lại cảnh xe container lạng lách, chèn ép không cho xe tải vượt qua; còn xe tải lạng lách định vượt qua xe container trên đoạn đường hơn 200 m từ làn khẩn cấp ra hai làn xe còn lại. Cú "so tài" khiến hai xe suýt va chạm trên cao tốc TP.HCM - Trung Lương; các xe phía sau không thể di chuyển qua, gây bức xúc cho cư dân mạng.
Tương tự, vào trưa 27-7, anh TTH là tài xế xe buýt tuyến số 8, biển số 51B-208… lưu thông trên đường Phạm Văn Đồng, đoạn qua địa bàn TP Thủ Đức. Sau đó xe buýt bị một ô tô (gồm có tài xế và bốn người khác trên xe) tạt đầu, ô tô đi chậm phía trước đầu xe buýt, không cho xe buýt vượt lên.
Khi vừa qua khỏi vòng xoay Hiệp Bình - Phạm Văn Đồng, phường Hiệp Bình Chánh thì ô tô dừng lại đón thêm người. Lúc này tài xế xe buýt cũng cho xe ghé trạm dừng; ông H xuống hỏi nguyên nhân thì hai bên xảy ra mâu thuẫn.
Thấy vậy, nữ phụ xe buýt xuống can ngăn thì bị nhóm thanh niên đánh té xuống đường. Riêng ông H cũng bị đánh gãy một răng, đau vùng mũi, chảy máu và trầy xước trên tay. Sau đó nhóm thanh niên lên ô tô rời đi.
Dưới góc độ người tham gia giao thông, chị Huỳnh Thị Hiền (ngụ quận 12, TP.HCM) chia sẻ: “Tôi đã chứng kiến nhiều cảnh tài xế lái xe tải quá nhanh và không nhường đường cho người đi bộ. Nhiều tài xế xe tải đã có hành xử thô lỗ, lớn tiếng khi có ai đó vì tuân thủ luật giao thông mà vô tình cản trở họ vượt đèn đỏ hoặc lấn làn. Tôi mong rằng tài xế sẽ có ý thức hơn và tuân thủ luật giao thông để đảm bảo an toàn cho mọi người".
Ở góc độ người lái xe, anh Phan Lân (một tài xế lái xe tải ở huyện Hóc Môn) nói: "Tài xế chịu áp lực từ môi trường giao thông căng thẳng, nhất là lái xe vào giờ cao điểm hoặc gần giờ cấm xe tải. Đôi khi chỉ cần một tình huống nhỏ cũng có thể khiến mọi người mất bình tĩnh. Vì thế, tôi cố gắng giữ bình tĩnh và tôn trọng lẫn nhau trong mọi trường hợp".
Văn hóa "kém" khi tham gia giao thông từ đâu?
Trao đổi với PV, Thạc sĩ Tâm lý học Nguyễn Thị Diễm, Giảng viên Trường Đại học Công nghệ TP.HCM, cho biết về mặt tâm lý, có nhiều yếu tố khiến người tham gia giao thông gặp khó khăn trong việc nhường nhịn và kiên nhẫn. Một trong những nguyên nhân chính là áp lực tâm lý và trạng thái căng thẳng.
Cụ thể, người tham gia giao thông có thể cảm thấy áp lực bởi lịch trình công việc, thời gian hạn hẹp, hoặc mong muốn về địa điểm nhanh chóng. Áp lực này dễ dẫn đến tình trạng căng thẳng, làm giảm khả năng kiểm soát cảm xúc và tăng xu hướng hành động vội vã hoặc bực tức.
Khi người tham gia giao thông đang trải qua một ngày căng thẳng, tâm trạng có thể trở nên dễ nóng giận, từ đó dễ dẫn đến việc không nhường nhịn nhau. Một số người không nhận thức rõ về sự thiếu kiên nhẫn của mình, từ đó có thể ảnh hưởng đến an toàn của bản thân và người khác, thậm chí có thể gây ra tai nạn giao thông.
Cuối cùng, các yếu tố xung quanh như ùn tắc giao thông, âm thanh còi xe liên tục, hoặc môi trường giao thông hỗn loạn cũng có thể làm tăng mức độ căng thẳng và dẫn đến phản ứng thiếu kiên nhẫn.
Liên quan đến vấn đề này, ThS Diễm phân tích thêm: "Tôi có thể khẳng định rằng các yếu tố như áp lực về thời gian, căng thẳng trong công việc và cuộc sống hàng ngày thực sự có ảnh hưởng lớn đến hành vi và cảm xúc của con người, đặc biệt là khi lái xe. Những yếu tố này có thể làm cho người lái trở nên nóng nảy và thiếu kiềm chế hơn. Khi phải đối mặt với áp lực hoặc căng thẳng, cơ thể chúng ta có xu hướng phản ứng theo cách phòng vệ, tăng cường mức độ cảnh giác và có thể tạo ra các phản ứng cảm xúc mạnh mẽ, đôi khi thiếu kiểm soát".
5 cách quản lý cảm xúc hiệu quả khi tham gia giao thông
Quản lý thời gian hiệu quả: Cố gắng xuất phát sớm để tránh việc phải vội vàng trên đường. Việc dành thêm vài phút cho những trường hợp bất ngờ sẽ giúp người lái xe cảm thấy thoải mái và bớt căng thẳng hơn.
Thực hành kỹ thuật thư giãn trước khi lái xe: Hít thở sâu, nghe nhạc nhẹ hoặc thậm chí thực hiện một vài phút thiền trước khi khởi hành có thể giúp giảm căng thẳng. Những kỹ thuật này giúp cơ thể và tâm trí thư giãn, làm dịu các cảm xúc tiêu cực.
Thay đổi tư duy khi gặp các tình huống khó chịu: Nếu gặp phải những hành vi thiếu ý thức trên đường, cố gắng không phản ứng ngay lập tức. Tập trung vào việc lái xe an toàn và tránh để cảm xúc chi phối.
Chia nhỏ quãng đường: Nếu phải di chuyển đường dài hoặc trong điều kiện kẹt xe, có thể sắp xếp những điểm dừng nghỉ ngắn để giải tỏa áp lực và lấy lại năng lượng.
Duy trì lối sống lành mạnh: Chế độ ăn uống, nghỉ ngơi và tập thể dục đều đặn sẽ giúp cơ thể và tinh thần vững vàng hơn, tăng khả năng kiềm chế và giảm thiểu sự căng thẳng trong các tình huống áp lực.
Thạc sĩ Tâm lý học NGUYỄN THỊ DIỄM, giảng viên Trường Đại học Công nghệ TP.HCM
Nguồn PLO: https://plo.vn/lam-gi-de-tro-thanh-nguoi-tham-gia-giao-thong-van-minh-post818364.html