4 cách phát hiện sữa giả bằng mắt thường ngay tại nhà

Sữa giả không chỉ không mang lại giá trị dinh dưỡng mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe người sử dụng. Vậy làm thế nào để bảo vệ sức khỏe gia đình và lựa chọn được sản phẩm sữa chính hãng?

Những ngày qua, thông tin về vụ việc gần 600 nhãn sữa bị làm giả đã "tung hoành" trên thị trường trong suốt 4 năm khiến không ít người tiêu dùng hoang mang. Từ sữa công thức dành cho trẻ nhỏ đến sữa bột cho người lớn, rất nhiều sản phẩm được làm giả tinh vi, khó phân biệt nếu chỉ nhìn bao bì bên ngoài.

Sữa giả không đơn thuần là sản phẩm không có giá trị dinh dưỡng mà còn ẩn chứa nhiều nguy cơ khôn lường đối với sức khỏe, đặc biệt là trẻ em có hệ tiêu hóa và miễn dịch còn non yếu. Sữa giả có thể làm tăng nguy cơ nhiễm độc hóa chất, tổn thương hệ tiêu hóa, gây dị ứng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ và thể chất của trẻ, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính nguy hiểm,...

Trong bối cảnh này, việc nhận biết sữa thật hay giả ngay tại nhà là kỹ năng mà bất kỳ ai cũng nên "bỏ túi". Mặc dù không thể đảm bảo độ chính xác 100% nhưng đây vẫn là cách kiểm tra nhanh nhất giúp sớm nhận diện sữa kém chất lượng trong "ma trận sữa" hiện nay.

Ảnh minh họa/Nguồn: Getty

Ảnh minh họa/Nguồn: Getty

Quan sát bao bì và thông tin sản phẩm

Bao bì là "lá chắn đầu tiên" giúp nhận biết sản phẩm. Bao bì sản phẩm sữa thật và sữa giả thường cũng có một số chi tiết dễ nhận ra nếu người tiêu dùng quan sát kỹ trước khi mua.

Kiểm tra kỹ lưỡng tem, nhãn mác: Sữa thật thường có bao bì in ấn sắc nét, không bị nhòe, mờ hay sai lỗi chính tả. Tem chống hàng giả còn nguyên vẹn, có đầy đủ thông tin về nhà sản xuất, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Với sữa nhập khẩu, tem phụ tiếng Việt cần đầy đủ, không mờ, không bong tróc.

Với sữa giả, bao bì có thể mờ, màu sắc không đều, chữ in lem hoặc sai chính tả. Tem chống hàng giả (nếu có) thường kém chất lượng, dễ bong tróc. Ngoài ta, bao bì sữa giả còn dễ xuất hiện những lỗi nhỏ như tem bị dán lệch, nét in mờ, màu sắc hơi lệch hoặc bị phai. Một số sản phẩm còn có dấu hiệu đã bị mở nắp và dán lại.

Đọc kỹ thành phần dinh dưỡng: Sữa thật có đầy đủ các dưỡng chất cần thiết như protein, carbohydrate, chất béo, vitamin và khoáng chất với hàm lượng được công bố rõ ràng. Sữa giả thường có thành phần sơ sài, thiếu hụt dưỡng chất quan trọng.

Chú ý đến hạn sử dụng và số lô sản xuất: Sữa bột thật thường có hạn sử dụng được dập nổi trên bề mặt hộp. Hạn sử dụng của sữa rõ ràng, không bị tẩy xóa hay in đè. Ngược lại sữa quá hạn sử dụng thường bị tẩy, xóa, in đè, mờ và không rõ ràng. Người tiêu dùng nên chú ý kiểm tra hạn sử dụng của sữa trước khi mua để đảm bảo mua đúng hàng mới, chất lượng.

Quét mã vạch (Barcode/QR Code)

Sử dụng ứng dụng quét mã vạch trên điện thoại (như iCheck, Barcode Scanner) để kiểm tra thông tin sản phẩm và nguồn gốc xuất xứ từ nhà sản xuất cũng là một cách để phân biệt hàng thật - hàng giả, kể cả sữa.

Sữa thật: Mã vạch của sữa thật khớp với thông tin nhà sản xuất và quốc gia (ví dụ: Việt Nam 893, Mỹ 000-019, Úc 93-94, Nhật Bản 45/49).

Sữa giả: Sữa giả thường có mã vạch không hợp lệ hoặc không tra được thông tin, hiển thị thông tin không khớp.

Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Kiểm tra trạng thái và màu sắc bột sữa

Màu sắc: Bột sữa thật thường có màu trắng ngà hoặc hơi vàng nhạt, đồng đều. Sữa giả có thể có màu trắng bạch bất thường hoặc lẫn các hạt màu khác lạ.

Độ mịn: Bột sữa thật mịn, tơi xốp, không vón cục. Khi sờ, cảm giác mềm, không lợn cợn. Trong khi sữa giả có thể bị ẩm, vón cục hoặc có cảm giác thô ráp khi sờ, có hạt sạn.

Mùi thơm và hương vị bột: Sữa thật có mùi thơm đặc trưng của sữa, dễ chịu, , tan chậm trong miệng và hơi dính ở lưỡi. Sữa giả có thể có mùi gắt, chua, hoặc ngái, đôi khi có mùi hóa chất. Vị thường thô, tan nhanh, không có độ béo tự nhiên.

Thử độ hòa tan của sữa

Pha với nước nguội: Lấy một muỗng sữa bột, cho vào cốc nước nguội và không khuấy. Sữa thật thường có bột nổi lơ lửng, từ từ hút nước và chìm dần, tan từ từ. Trong khi sữa giả có thể tan ngay lập tức (do pha thêm chất hòa tan) hoặc vón cục, không tan đều, có hiện tượng lắng cặn.

Tuy nhiên cách này không phải lúc nào cũng chính xác, vì một số loại sữa bột thật, đặc biệt là sữa công thức cao cấp, có thể được xử lý để hòa tan nhanh hơn (nhờ công nghệ sấy phun hoặc bổ sung chất nhũ hóa như lecithin). Những loại sữa này có thể tan nhanh trong nước nguội, dẫn đến nhầm lẫn với sữa giả.

Pha với nước nóng: Khi pha với nước nóng, sữa thật tan đều, mịn, không sủi bọt bất thường, không vón trừ trường hợp sữa thật nếu bảo quản không tốt (hút ẩm, vón cục trước khi pha) cũng có thể không tan đều, dễ gây hiểu nhầm. Còn sữa giả dễ vón cục, lắng cặn, nổi bột hoặc bọt dày bất thường, có cảm giác nhớt khi khuấy.

Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Những lưu ý khác khi mua sữa

Để hạn chế mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng, người tiêu dùng nên chọn mua sữa tại các cửa hàng, nhà thuốc, siêu thị có uy tín và rõ ràng về nguồn gốc; tránh mua sữa theo các hình thức bán hàng không chính thống như livestream, mạng xã hội; kiểm tra kỹ bao bì sản phẩm, tem chống giả, mã vạch, hạn sử dụng và tên nhà sản xuất.

Ngoài ra, người tiêu dùng không nên vì ham rẻ mà đánh đổi sức khỏe của bản thân và gia đình bởi giá rẻ có thể chính là "cái bẫy" của sữa giả. Các sản phẩm sữa chính hãng thường có mức giá ổn định giữa các đại lý phân phối. Nếu thấy một sản phẩm được bán với giá rẻ hơn thị trường từ 20 – 40%, đặc biệt qua các kênh không chính thống như livestream, trang cá nhân, hội nhóm kín..., thì cần thận trọng.

Phương Anh

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/4-cach-phat-hien-sua-gia-bang-mat-thuong-ngay-tai-nha-d205515.html