4 cái chết ''lãng xẹt' trong Tam Quốc Diễn Nghĩa và bài học xương máu dành cho hậu thế
Cái chết của 4 nhân vật lịch sử này trong Tam Quốc Diễn Nghĩa đã để lại cho hậu thế những bài học sâu sắc.
4 cái chết "lãng xẹt" trong Tam Quốc Diễn Nghĩa
Cái chết của Trương Phi
Trương Phi, một trong ngũ hổ tướng của Lưu Bị, được coi là có sức mạnh vô song và người có thể chiến đấu ngang cơ ông trong phim chỉ có vài nhân vật.
Thế nhưng cái chết của Trương thì vô cùng lãng xẹt, bị thuộc hạ nhân lúc ngủ say lấy đầu, một cái chết chưa từng có đối với các dũng tướng trong quá khứ
Sai lầm ở đây là:Trương Phi là mãnh tướng, nhưng không được lòng thuộc hạ, đã nhiều lần đánh đập, chửi bới thuộc hạ, không coi họ ra gì, nên cái kết của ông ta rất đắng.
Đã từng có lần, Gia Cát Lượng bắt Trương Phi phải viết cam kết là không đánh thuộc hạ khi say rượu, nhưng ông vẫn chứng nào tật ấy. Và kết quả cái chết đó đã được "đạo diễn" bởi chính cấp dưới của mình.
Bài học: Cho dù bạn có tài giỏi đến đâu, nhưng nếu bạn không được lòng cấp dưới, sẽ đến lúc nào đó bạn sẽ thất bại bởi chính những người đi theo mình.
Còn nếu bạn được cấp dưới tín nhiệm, yêu quý, thì cho dù ở vào hoàn cảnh khó khăn nhất, họ cũng sẽ không bỏ rơi bạn.Hãy nhìn Chu Du hay Tư Mã Ý và so sánh với Trương Phi, bạn sẽ thấy điều đó.
Cái chết của Mã Tốc
Đó là câu chuyện của Mã Tốc, một tài năng "sách vở", cắp sách theo học nghề của Gia Cát Lượng và được tin dùng trấn giữ Nhai Đình, cửa ải quan trọng nhất của trận chiến.
Dù chưa ra trận lần nào, nhưng Mã rất tự tin, sẵn sàng ký vào quân lệnh trạng và chấp nhận mất đầu nếu để mất Nhai Đình.
Thế nhưng dù học nhiều biết rộng, Mã Tốc vẫn chủ quan và mắc mưu Tư Mã Ý, để mất Nhai Đình, dẫn đến toàn quân thua trận và sau đó bị chém đầu theo quân lệnh.
Sai lầm ở đây là: Mã Tốc đã quá chủ quan, tự tin vào mớ lý thuyết "học vẹt" của mình và coi thường một người dày dạn trận mạc như Tư Mã Ý, để rồi cuối cùng bại trận thảm hại.
Bài học: Kinh nghiệm thực chất quan trọng không kém gì lý thuyết, dù một người có học nhiều biết rộng đến cỡ nào mà chưa từng trải qua những trận chiến thực sự, người đó cũng không thể đảm đương trọng trách.
Cái chết của Hoa Đà
Ảnh minh họa
Trong Tam Quốc Diễn Nghĩa, Hoa Đà được lòng rất nhiều người vì việc chữa bệnh miễn phí, ông được coi là người có thuật cải tử hoàn sinh khi chưa một bệnh nhân nào mà ông không chữa được.
Thế nhưng, chỉ vì một ý tưởng chữa bệnh "vượt thời gian" mà ông đã bị Tào Tháo, một kẻ đa nghi chém đầu.
Sai lầm ở đây là: Dù rất tài giỏi, nhưng Hoa Đà lại không hiểu tính cách của "bệnh nhân" mình, ông đã đưa ra 1 ý tưởng quá "chém gió" vào thời bấy giờ, là mổ đầu, một việc làm mà ai cũng nghĩ là 99% sẽ cướp đi mạng sống con người.
Đưa ra ý tưởng "dị" để cứu người là không sai, nhưng cái sai của ông là đã làm điều đó với Tào Tháo, một kẻ đa nghi với triết lý "thà phụ người chứ không để người phụ ta", và cái giá phải trả cho ông là bị chém với tội danh "âm mưu ám sát".
Bài học: Cho dù là điều đúng đắn, nhưng hãy lựa đối tượng để nói, vì có những người sẽ không hiểu được cái đúng đắn đó, rồi nghĩ ngược lại và bạn sẽ phải nhận những hậu quả không mong muốn.
Cái chết của Dương Tu
Dương Tu là một mưu sĩ có tài của Tào Tháo, đã nhiều lần khiến Tào Tháo phải khâm phục vì ông ta có thể đoán trúng suy nghĩ của mình nhiều lần.
Thế nhưng, cuối cùng Tào Tháo lại chém Dương Tu vì "làm bại lộ việc quân", qua việc ông đoán rằng Tào Tháo sẽ rút quân dựa theo những cử chỉ của Tào.
Sai lầm ở đây là: Dương Tu giỏi, nhưng luôn tỏ ra "nguy hiểm" trước mặt Tào Tháo nhiều lần, với người đa nghi như Tào Tháo, chắc chắn Tào sẽ không muốn có người "đọc vị" mình quá nhiều, lại còn huyênh hoang tự đắc.
Chính vì vậy, dựa vào 1 lần "nói hớ" của Dương Tu, Tào đã chém Dương không thương tiếc.
Bài học: Đừng bao giờ tỏ ra "quá nguy hiểm" trước mặt sếp, cũng đừng bao giờ cố gắng "đọc vị" sếp và nói cho mọi người, chẳng ông sếp nào thích như vậy cả. Cho dù bạn có tài, nếu bạn bị coi là mối đe dọa của họ, họ cũng sẽ "chém" bạn.
Ngoài ra tiểu thuyết kinh điển Tam Quốc Diễn Nghĩa còn để lại cho chúng ta 6 bài học sâu sắc này
1. Lữ Bố vì Điêu Thuyền mà giết hại Đổng Trác, cha nuôi của mình, qua đó nhận lấy sự chê bai, khinh bỉ của người đời, và cuối cùng dẫn tới hỏng việc lớn, thân bại danh liệt và chết trong tay của Tào Tháo.
Bài học rút ra: Làm việc lớn không nên để việc nhỏ xen vào, dễ dẫn đến hỏng đại sự.
2. Tào Tháo từ một quan nhỏ, ám sát Đổng Trác bất thành, phải lẩn trốn khắp nơi, nhưng nhờ nắm bắt tốt thời cơ đã xây dựng một đế chế Tào Ngụy vô cùng hùng mạnh, chia ba thiên hạ.
Bài học rút ra: Cơ hội chỉ đến với những người nắm bắt lấy nó, phải biết nắm bắt và tận dụng nó để hoàn thành việc lớn.
3. Lưu bị từ hai bàn tay trắng gây dựng nước Thục hùng mạnh, tạo thành thế chân vạc chia ba thiên hạ, cũng nhờ nhân nghĩa, thu phục được người tài. Ông 3 lần vào lều tranh thuyết phục Gia Cát Lượng, một quân sư đại tài thời bấy giờ. Kết nghĩa với Quan Vũ, Trương Phi, thu nạp Triệu Tử Long, Hoàng Trung, Mã Siêu, những dũng tướng hiếm có thời Đông Hán mai này giúp ông làm nên sự nghiệp lẫy lừng lưu danh muôn thủa.
Bài học rút ra: Muốn thành đại sự cần biết nhìn người và trọng dụng người tài.
4. Quan Vũ, Trương Phi, Mã Tắc, Ngụy Diên…tuy anh dũng, lập được đại công nhưng do kiêu ngạo, khinh địch, chủ quan đều bị chết thảm
Bài học rút ra: Trong cuộc sống, công việc, hay kinh doanh nên thận trọng khiêm tốn, chủ động đón đầu và vượt qua thủ thách, bởi chủ quan kiêu ngạo dễ dẫn đến thất bại và mất tất cả.
5. Gia Cát Lượng chỉ uốn ba tấc lưỡi có thể khiến anh hùng Giang Đông phải câm nín không thể biện luận, đồng thời khiến Tôn Quyền quyết định liên minh với Lưu Bị chống Tào Tháo, khiến quân Tào đại bại ở trận Xích Bích.
Bài học rút ra: muốn thành công, phải nói được. Một người dù có tốt đến đâu không nói được cũng khó trở thành lãnh đạo tốt. Vì thế, kĩ năng giao tiếp và đàm phán rất quan trọng khi làm kinh doanh.
6. Bàng Thống có tài nhưng dung mạo xấu xí nên không được Tào Tháo và Tôn Quyền trọng dụng, chỉ đến khi gặp được Khổng Minh mới có được đất dụng võ.
Bài học rút ra: Ngoại hình hạn chế quá cũng sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả khi đi phỏng vấn xin việc.