4 cảnh sát Mỹ bị bắn chết khi ngăn bạo loạn
4 cảnh sát Mỹ đã thiệt mạng và 7 người khác bị thương trong lúc đối phó với làn sóng biểu tình biến thành bạo loạn phản đối các vụ cảnh sát bắn chết công dân da màu tại Minnesota và Louisiana.
Người dân Mỹ biểu tình phía trước cửa hàng tiện ích, nơi Alton Sterling bị bắn chết, ngày 6/7. Ảnh: AFP/TTXVN
Cuộc tranh luận tại Mỹ về vấn đề cảnh sát nước này sử dụng vũ khí gây sát thương, nhất là nhằm vào người da màu đã trở nên nóng hơn bao giờ hết sau khi xảy ra 2 vụ cảnh sát bắn chết những người Mỹ gốc Phi trong những ngày vừa qua tại bang Louisiana và Minnesota. Trong khi đó, làn sóng biểu tình nhằm phản đối lực lượng cảnh sát sau hai vụ việc trên đang diễn biến hết sức phức tạp.
Hãng tin AFP ngày 8/7 dẫn lời cảnh sát trưởng thành phố Dallas, bang Texas Mỹ cho biết các vụ ẩu đả và đấu súng đã xảy ra trong cuộc biểu tình tại thành phố này sáng 8/7 giờ Hà Nội. Theo cảnh sát trưởng David Brown, 11 nhân viên cảnh sát đã bị bắn, trong đó 4 người đã thiệt mạng. Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, dường như có hai tay súng bắn tỉa đã nổ súng vào lực lượng cảnh sát Dallas đang làm nhiệm vụ đối phó với làn sóng biểu tình phản đối các vụ cảnh sát bắn chết công dân da màu tại Minnesota và Louisiana. Trong số những cảnh sát bị thương có hai người hiện rất nguy kịch.
Nhà chức trách thành phố Dallas đã lập tức tăng cường lực lượng thực thi pháp luật tới hiện trường để ngăn chặn đám đông biểu tình. Trong khi đó, Kênh truyền hình Fox News cũng đưa tin về một vụ biểu tình xảy ra tại New York City, nơi vốn tương đối yên tĩnh trước đó.
Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 7/7 đã chỉ trích mạnh mẽ vụ nổ súng nói trên của cảnh sát Mỹ, đồng thời cho rằng xã hội Mỹ đang tồn tại "vấn đề nghiêm trọng". Trên trang mạng cá nhân Facebook, ông Obama nêu rõ hai vụ nổ súng riêng rẽ gây chết người trên đang đặt ra những thách thức lớn đối với hệ thống luật pháp của Mỹ, sự phân biệt đối xử với người da màu đã tồn tại nhiều năm và đó là kết quả của tình trạng thiếu lòng tin giữa lực lượng thực thi luật pháp và những cộng đồng này. Người đứng đầu Nhà Trắng nhấn mạnh lực lượng cảnh sát vẫn là những người nỗ lực hàng ngày giữ gìn an ninh trật tự và bảo vệ cuộc sống hàng ngày cho người dân, song lực lượng thực thi pháp luật phải làm tốt hơn nữa để giảm thiểu tối đa những vụ việc mang tính phân biệt chủng tộc. Ông cũng kêu gọi người Mỹ phải phối hợp để hàn gắn sự chia rẽ này.
Để làm sáng tỏ vụ việc đang gây bất bình trong dư luận xã hội Mỹ, ông Obama đề nghị Bộ Tư pháp tiến hành điều tra đối với hai vụ việc nói trên, đồng thời kêu gọi cảnh sát Mỹ cần thực hiện cải cách một cách nhanh chóng hơn nữa. Ông Obama nói thêm rằng hàng loạt các cải cách mà Nhà Trắng đề nghị từ năm ngoái cần phải được thực hiện trên toàn quốc.
Trong vụ nổ súng thứ nhất, sáng 5/7, Alton Sterling, 37 tuổi, bị bắt chết bên ngoài một cửa hàng tiện ích sau khi cảnh sát nhận được một cuộc gọi nặc danh thông báo về việc bị một người đàn ông mang súng đe dọa. Hai sỹ quan cảnh sát, được xác định là Blane Salamoni (Blên Xa-la-mô-ni) và Howie Lake II (Hâu-uy Lếch), đến hiện trường và tranh cãi nổ ra khi 2 cảnh sát phát hiện Sterling mang theo súng. Cảnh sát sau đó tấn công Sterling và nổ súng khiến người đàn ông này chết tại chỗ. Gia đình nạn nhân khẳng định anh chỉ đứng bán đĩa CD ở bên ngoài cửa hàng tiện ích này và đã được chủ cửa hàng đồng ý.
Vụ việc thứ hai xảy ra ngày 6/7 khi Philando Castile, 32 tuổi bị bắt chết tại trạm dừng xe tại Minnesota khi đang cố lấy lại chiếc ví khi được cảnh sát yêu cầu xuất trình bằng lái xe. Bạn gái của anh ta đã đăng tải đoạn video Castile bị bắn trên trang mạng xã hội trong khi cô đang ngồi cạnh và cho rằng anh ta đã bị bắn không có lý do. Vụ việc đang dấy lên làn sóng bất bình trong xã hội Mỹ, nhiều nhân vật nổi tiếng hoạt động bảo vệ quyền của người da màu lên án vụ tấn công.
Theo thống kê của tờ "Washington Post" vụ việc xảy ra tại Minnesota là vụ thứ 123 người da màu ở Mỹ bị cảnh sát bắn và tử vong trong năm 2016.