'4 cùng' xây dựng nếp sống văn minh trong đồng bào dân tộc Mông nơi cực Bắc. Kỳ đầu: Sát cánh cùng người dân xây dựng đời sống mới
Với phương châm 4 cùng “Cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng tiếng nói với Nhân dân” trong thực hiện Chỉ thị 09 của BTV Tỉnh ủy và Nghị quyết 27 của BCH Đảng bộ tỉnh về thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong Nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang đã góp phần tạo nên những cách làm hay, sáng tạo trong bài trừ hủ tục. Điển hình trong số đó là sự thay đổi cách nghĩ, cách làm của đồng bào Mông về cải tạo đám tang.
Từ chủ trương “4 cùng” đến thực tiễn ở cơ sở
Nếu như trước đây, đám tang của đồng bào Mông còn tồn tại nhiều hủ tục, gây hệ lụy xấu, làm khánh kiệt kinh tế, thì nay nhiều đám tang được cải tiến không chỉ giúp tiết kiệm từ 20 - 70 triệu đồng/đám mà còn hình thành nếp sống văn minh. Đó là thành quả quan trọng kết tinh từ sự quyết tâm, quyết liệt của cả hệ thống chính trị và nhân dân trên cơ sở cụ thể hóa các nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh, đồng thời đột phá vào những vấn đề khó để tạo ra sự thay đổi, chuyển biến mạnh mẽ trong nhân dân góp phần giảm nghèo bền vững.
Xác định thực hiện Chỉ thị 09 và Nghị quyết 27 là “Cuộc cách mạng thay đổi nhận thức”, để thành công phải kiên trì làm từng bước, thay đổi dần dần với phương châm “mưa dầm thấm sâu”. Qua đó, các địa phương trong tỉnh đã có sự phối hợp nhịp nhàng giữa cấp ủy, chính quyền trong việc chỉ đạo cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, cụ thể như: Phối hợp, xây dựng các nội dung tuyên truyền; rà soát, khảo sát hủ tục, tập tục lạc hậu; xây dựng chương trình phối hợp, quan tâm đầu tư, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số xóa đói, giảm nghèo, nâng cao dân trí, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội gắn với các tiêu chí xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh… Bên cạnh đó, với trọng tâm là hướng mạnh về cơ sở, chủ động bám sát từng thôn, tổ dân phố, từng dân tộc, dòng họ, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, những vấn đề người dân quan tâm, qua đó thành lập các tổ, đưa ra phương pháp trong việc tuyên truyền, vận động người dân.
Từ những chủ trương chung và sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, qua đó tạo nên phong trào rộng khắp; những mô hình, cách làm thiết thực, hiệu quả, như: Thành phố Hà Giang có phong trào “Đám tang không nhận vòng hoa, bức trướng”, huyện Mèo Vạc vận động 4 dòng họ xây dựng mô hình dòng họ tự quản về an ninh, trật tự gắn với bài trừ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh; huyện Quản Bạ chỉ đạo thành lập Ban tang lễ tại 107/107 thôn, tổ dân phố, vận động được 13/14 dòng họ dân tộc Mông thực hiện đưa người chết vào áo quan…
Tạo lòng tin, cùng người dân xây dựng nếp sống văn minh
Nắm được điều người dân cần; kịp thời động viên, đáp ứng những điều người dân mong muốn; đi từng thôn, gõ cửa từng nhà; là người thầy dạy chữ cho đồng bào; người thổi hồn tô điểm cho những văn hóa của dân tộc Mông… Những điều này, được người dân tại xã Phiêng Luông (Bắc Mê) nhắc đến khi miêu tả về đồng chí Bí thư Đảng ủy xã.
Với hơn 2 năm trên cương vị là Bí thư Đảng ủy xã, đồng chí Đoàn Văn Dũng một cán bộ từ huyện được bổ nhiệm về đã giúp người dân nơi đây khai sáng trong việc phát triển kinh tế và xây dựng nếp sống mới. Đồng chí chia sẻ: “Phiêng Luông là một xã với tỷ lệ dân tộc Mông sinh sống trên 95%, địa bàn sâu, xa, khó khăn và nếp sống đã ăn sâu vào trong tiềm thức khiến đời sống người dân còn nghèo… Nhận định điều này, tôi và cán bộ xã đã thâm nhập vào đời sống nhằm tìm hiểu những vướng mắc của người dân và nhận thấy chính những hủ tục là rào cản khiến họ khó thay đổi tư duy. Trên cơ sở đó, tôi và các đoàn thể đã tích cực tuyên truyền Nghị quyết 27 của BTV Tỉnh ủy và tiến hành mở lớp dạy chữ cho phụ nữ và người già; thành lập các câu lạc bộ thổi khèn, dệt lanh; phát huy thế mạnh của địa phương trong việc trồng hoa Tam giác mạch và cây dược liệu… Từ đó tạo cho người dân niềm tin vào các chủ trương, chính sách của Đảng”.
Cùng với đó là việc làm cụ thể, như: Khi xã có người chết, lãnh đạo xã và các đoàn thể sẽ cùng chi ủy chi bộ thôn trực tiếp và nhanh chóng có mặt để thăm hỏi, động viên gia đình; đồng thời bàn và thống nhất với gia đình các nội dung cụ thể để thực hiện trong đám tang; tổ chức hội thảo cấp xã và mở lớp tập huấn về tuyên truyền, vận động người dân xây dựng nếp sống văn minh… Từ cách làm đó, xã đã có 303/307 hộ đăng ký thực hiện gia đình văn hóa; cơ bản giải quyết được vấn đề tâm lý “nợ miệng” và “thách nhau”, “đua nhau” mang bò và các loại gia súc, gia cầm đến khi có đám tang; xuất hiện nhiều mô hình hay trong phát triển kinh tế…
Đồng thời tại cơ sở, các tổ chức đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc trên địa bàn tỉnh đã phát huy hết vai trò của mình trong việc tiên phong và tuyên truyền cùng người dân xây dựng đời sống mới; đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động đã chủ động, tự giác, gương mẫu trong thực hiện nếp sống văn minh; tích cực tuyên truyền, vận động người thân, gia đình và cộng đồng xóa bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu. Qua đó, giúp đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh dần hiểu rõ và xác định đúng hơn về các giá trị văn hóa cần lưu giữ, bảo tồn, các phong tục, tập quán không còn phù hợp cần phải cải tiến hoặc loại bỏ.
Từ quyết tâm của cả hệ thống chính trị đã tạo sự chuyển biến khá rõ nét trong các đám tang, như: Đơn giản, tiết kiệm, phù hợp với tập quán, truyền thống văn hóa của từng dân tộc, dòng họ và hoàn cảnh của gia đình, việc phúng viếng đảm bảo trang trọng, thời gian tổ chức tang lễ cơ bản đúng quy định; các hủ tục trong đám tang dần được loại bỏ; hạn chế việc giết mổ nhiều gia súc, tình trạng ăn uống rượu chè kéo dài nhiều ngày… Việc đưa thi thể người chết vào quan tài trong thời gian làm đám tang đã phần nào giữ gìn vệ sinh, đảm bảo sức khỏe cho người nhà và những người đến viếng, việc cúng, giỗ đã tổ chức đơn giản, gọn nhẹ.
-----------------------