4 cuốn sách cho người đam mê ẩm thực Việt
Những cuốn sách hay, dễ đọc, giúp độc giả có góc nhìn mới lạ với văn hóa ẩm thực Việt.
Nếu là một người yêu thích, muốn được trải nghiệm những món ăn ngon cả ba miền Bắc - Trung - Nam, độc giả có thể lựa chọn tìm đọc những cuốn sách sau.
Sài Gòn, ồ bỗng ngon ghê!
Ngữ Yên tên thật là Trần Công Khanh. Anh từng phụ trách mảng Ẩm thực của nhiều tờ báo như Sài Gòn Tiếp Thị, Nhà Đẹp, Quốc Tế, Diễn Đàn Doanh Nghiệp cuối tuần, Tia Sáng, Thế Giới Tiếp Thị…Với giọng văn hài hước, thâm thúy, anh đã khiến những món ăn giản dị như bát canh chua, mắm kho quẹt, tô canh khế, nồi cháo nấm tràm...hiện lên sống động trong tâm trí người đọc.
Nội dung cuốn Sài Gòn, Ồ bỗng ngon ghê! là tập hợp trải nghiệm văn hóa ẩm thực Sài Gòn từ góc nhìn của tác giả - "người tha hương sống ở Sài Gòn". Ngữ Yên sử dụng lối viết không khoa trương, khí chất tự nhiên và đôi lúc có phần ngang tàng. Người đọc như được cuốn vào cuộc tán dóc trên bàn nhậu, cùng bàn luận về các món ăn thân thuộc.
Từ những cuộc bàn luận, Ngữ Yên khéo léo đưa vào những ghi chép về ẩm thực, công thức chế biến của đầu bếp từ tên tuổi đến vô danh. Nhưng sau tất cả là tình yêu, là ký ức gắn liền với nền ẩm thực phong phú, thú vị của miền Nam.
Khám phá ẩm thực truyền thống Việt Nam
Với mong muốn trải nghiệm bản sắc văn hóa ẩm thực Việt Nam, GS.TS Ngô Đức Thịnh đã kỳ công nghiên cứu và cho ra đời cuốn sách Khám phá ẩm thực truyền thống Việt Nam. Đây là cuốn sách độc đáo vì tác giả tiếp cận nền ẩm thực ở góc độ tìm hiểu, nghiên cứu văn hóa và đưa ra nhận định.
Theo GS.TS Ngô Đức Thịnh, muốn gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, quảng bá hình ảnh đất nước thì phải chú trọng vào văn hóa ẩm thực. Nội dung sách được chia thành 3 phần, mô tả từ bao quát đến cụ thể lịch sử món ăn truyền thống Việt Nam. Thông qua cuốn sách, người đọc sẽ thấy bức tranh toàn cảnh của văn hóa ẩm thực ba miền Bắc - Trung - Nam và các dân tộc thiểu số khắp cả nước.
Món xưa vị nay - Nét đương đại trong ẩm thực Việt
Võ Hoàng Nhân lớn lên trong gia đình có bố là người gốc Huế, mẹ là người miền Nam nên anh đã quen với những nét đặc trưng vùng miền khác nhau. Tác giả đã gửi nhiều tâm tư tình cảm, trải nghiệm, những câu chuyện nghề trong tác phẩm đầu tay của mình.
Trải qua bao nhiều khó khăn, Võ Hoàng Nhân đã trở thành người đầu bếp chuyên nghiệp. Nhưng dù xuất sắc thế nào, anh luôn giữ trong mình niềm cảm hứng với ẩm thực Việt Nam.
Cuốn sách dày 100 trang tổng hợp những công thức nấu các món ăn trong bữa ăn gia đình đến các bữa tiệc sang trọng. Món ăn được Võ Hoàng Nhân chế biến độc đáo, kết hợp các nguyên liệu đơn giản nhưng vẫn đậm chất Việt Nam.
Nội dung sách gồm 2 phần chính: Kỷ niệm trong món xưa và Thăng hoa trong vị nay. Anh đã khéo léo lồng ghép các câu chuyện cơ duyên, kinh nghiệm sống với nghề bên cạnh các trang sách dạy nấu ăn. Võ Hoàng Nhân mong muốn truyền tải thông điệp tích cực, tiếp thêm động lực cho những bạn trẻ muốn gắn bó với nghề đầu bếp.
gạo, nước mắm, rau muống… câu chuyện ẩm thực Việt
Nội dung cuốn sách tập trung khai thác nét đẹp giản dị, mộc mạc của những món ăn thuần Việt. Mỗi món ăn dân dã đều có một câu chuyện riêng, khiến người đọc thấy hiểu hơn, yêu hơn, tự hào hơn về văn hóa ẩm thực Việt Nam.
Hoàng Trọng Dũng đã dùng ngòi bút tinh tế, lòng nhiệt thành với ẩm thực quê hương để thổi hồn vào từng câu chữ trong cuốn sách. Trong thời kỳ có nhiều món Tây, món Âu tràn ngập các hàng quán, có lẽ các bạn trẻ muốn biết nhiều hơn về những món ăn từ thời xưa cũ.
Nhan đề cuốn sách gồm những nguyên liệu trong bữa cơm hàng ngày của người Việt: gạo, mắm, nước mắm, rau muống. Từ những nguyên liệu ấy tạo nên những món ăn giản dị nhưng gây thương nhớ biết bao tâm hồn người Việt. Với giọng văn điềm tĩnh, pha chút hóm hỉnh, lối viết ngắn gọn súc tích, cuốn sách là một món ăn thư giãn dành cho tâm hồn.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/4-cuon-sach-cho-nguoi-dam-me-am-thuc-viet-post1378859.html