4 đặc sản nổi tiếng ở Phú Yên, khách can đảm mới dám ăn
Mặc dù có vẻ ngoài khiến nhiều thực khách không dám thử nhưng muối kiến vàng, mắt cá ngừ đại dương hay chả dông lại là những đặc sản Phú Yên rất ngon, nổi tiếng.
Muối kiến vàng
Tới Phú Yên, du khách không thể bỏ qua cơ hội thưởng thức bò một nắng chấm muối kiến vàng thơm ngon. Vùng đất này có khí hậu thuận lợi để giống bò vàng bản địa (bò cỏ) sinh trưởng.
Thịt bò được thái ra từng miếng to cỡ bàn tay theo thớ thịt để không bị dai. Tiếp đến, thịt được ướp với các gia vị tự nhiên như sả tươi, ớt bằm nhuyễn kèm các gia vị đặc trưng của địa phương trong 3-4 giờ.

Để món bò một nắng được ngon, phải tẩm ướp gia vị trong nhiều giờ, sau đó phơi nắng hoặc cho vào lò sấy. Ảnh: Xuân Ngọc
Để món này được ngon, người dân chọn nắng lớn, phơi 5-6 giờ. Nếu trời âm u, họ cho vào lò ở khoảng 35-40 độ, sấy 4-5 giờ. Công đoạn này rất quan trọng, giúp thớ thịt se lại, tạo thành màu nâu đỏ hấp dẫn.
Bò một nắng sau khi phơi, hoặc sấy được cho vào túi hút chân không để đảm bảo vệ sinh, cùng với đó kèm thêm muối kiến vàng để người ăn thưởng thức.

Giá bò một nắng từ 550.000-700.000 đồng/kg. Ảnh: Xuân Ngọc
Đúng như tên gọi, muối được chế biến từ xác những con kiến bống vàng thường làm tổ trên cây cao cùng một số loại gia vị khác như muối, ớt, lá then len,... Nhiều người nhìn thấy loại muối này thì e dè, không dám thử.
Kiến vàng cùng với trứng kiến sẽ được đem rang cho khô, cho vào cối giã chung với ớt, muối, rau ngổ, rau răm và lá then len cho nhuyễn, tạo ra hỗn hợp thơm béo tự nhiên.
Việc bắt tổ kiến vàng trong rừng không hề dễ, không phải ai cũng bắt được mà thường là người dân bản địa. Tùy vùng, đặc thù của rừng mà kiến vàng làm tổ trên những ngọn cây ở độ cao thấp khác nhau.

Muối kiến vàng có giá từ 350.000-600.000 đồng/kg. Ảnh: Xuân Ngọc
Mắt cá ngừ đại dương
Phú Yên được mệnh danh là “thủ phủ” cá ngừ đại dương ở Việt Nam với sản lượng khai thác đạt vài nghìn tấn mỗi năm.
Đặc sản mắt cá ngừ hầm thuốc bắc (hay còn có tên "đèn pha đại dương") được chế biến từ mắt của những con cá ngừ có trọng lượng lớn. Mỗi phần mắt được lấy ra khá to, cỡ bằng chén ăn cơm, nặng 1-3 lạng.
Trước khi nấu, mắt cá sẽ được sơ chế, khử mùi bằng cách chần với nước muối đun sôi rồi rửa sạch, loại bỏ gân máu.
Sau đó, người ta cho mắt cá vào một chiếc thố sành (hoặc hũ), thêm một số loại thuốc bắc như táo tàu, kỷ tử,… hay rau củ, nêm nếm gia vị vừa ăn rồi hấp chừng 20-30 phút.
Mắt cá ngừ hầm được đựng trong thố sành. Ảnh: Luân Chowchow
Ngoài mắt cá, tùy khẩu vị và sở thích từng vùng mà người ta còn cho thêm thịt và lườn cá ngừ vào hầm cùng. Khi ăn, thực khách cũng có thể sử dụng kèm cải bẹ xanh, tía tô thái nhỏ để chống ngán.
Nhiều thực khách nhận xét, dù mắt cá ngừ đại dương hầm thuốc bắc là đặc sản nức tiếng ở Phú Yên nhưng không phải ai cũng đủ can đảm nếm thử vì vẻ ngoài của món ăn này thoạt nhìn khá sợ.

Món mắt cá ngừ hầm nên thưởng thức lúc nóng. Ảnh: Điệu Võ
Chả dông
Nhìn bên ngoài, món chả dông cũng tương tự các loại chả nem nhân thịt lợn, hải sản nhưng nguyên liệu chính bên trong nhân là thịt con dông.
Con dông có hình dáng như kỳ nhông nhưng lớn bằng ngón chân cái, sống nhiều ở vùng đất cát dọc bờ biển Phú Yên và các tỉnh miền Trung. Ngoại hình của loại động vật này có thể khiến nhiều người e sợ.
Theo những người có kinh nghiệm bắt dông lâu năm, thời điểm cuối xuân đầu hè là dông đến mùa sinh sản nên mập, nhiều thịt.
Dông được đầu bếp lột da, bỏ ruột, cắt bỏ đuôi và bốn bàn chân, sau đó dùng dao bằm hoặc cho vào cối xay nhuyễn cùng với các loại gia vị. Phần thịt này được trộn thêm với một ít nấm mèo và bún khô để làm nhân chả.
Vì dông được bắt ngoài tự nhiên nên thịt chắc, không có nhiều mỡ và có mùi thơm đặc trưng. Chả dông ăn cùng nước mắm chua ngọt hoặc mắm nêm, thêm ít rau sống, dưa chuột để không bị ngán.
Dông còn được chế biến thành nhiều món đặc sản Phú Yên nổi tiếng như dông nướng muối ớt, cháo dông...
Cá bò hòm
Cá bò hòm (hay còn gọi là cá thiết giáp) là loại hải sản quý hiếm được tìm thấy ở một số vùng biển từ Ninh Thuận đến Bình Thuận nhưng ngon và phổ biến hơn cả là ở Vũng Rô (Đông Hòa, tỉnh Phú Yên).
Chúng có bộ xương rất cứng, lớp da lốm đốm đen gồm nhiều vảy hình lục giác ghép lại với nhau trông như chiếc hộp. Thịt của chúng có màu trắng, thoạt nhìn giống thịt gà nhưng dai, ngon và thơm hơn.
Cũng bởi lẽ đó, cá bò hòm còn được gọi với cái tên “gà nước mặn”, “thịt gà đại dương”. Trên thị trường, cá bò hòm được bán với giá từ vài trăm nghìn đến cả triệu đồng mỗi cân, tùy kích cỡ.
Cá có trọng lượng càng lớn, giá càng cao. Đặc biệt, cá tươi sống đắt hơn cá đông lạnh khoảng 200.000 – 250.000 đồng/kg.
Cá bò hòm có thể được chế biến thành nhiều món ngon như hấp, nấu cháo cá, súp cá hay làm ruốc,… nhưng ngon và được yêu thích nhất là cá bò hòm nướng.
Cá bò hòm được đánh giá là loại đặc sản quý hiếm có giá đắt đỏ bậc nhất trong số các loại cá khai thác từ vùng biển Phú Yên. Ảnh: TomSamFamily