Tổng Bí thư nói về 'bộ ba cần loại bỏ'
Tổng Bí thư nhấn mạnh 'bộ ba cần phải loại bỏ' là tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và khẳng định công tác này vẫn được triển khai quyết liệt, không có vùng cấm.
Nội dung trên được Tổng Bí thư Tô Lâm đề cập khi phát biểu tại cuộc gặp mặt cán bộ lão thành cách mạng, người có công, gia đình chính sách tiêu biểu nhân kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), chiều 15/4.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại buổi gặp mặt. (Ảnh: Viết Thành)
Lãng phí là vấn đề rất đáng báo động
Đề cập đến công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, Tổng Bí thư Tô Lâm chia sẻ, sau khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, một số người lo lắng công tác này sẽ trùng xuống, bị lãng quên. Thực tế, việc này vẫn được triển khai quyết liệt, đồng bộ, toàn diện, bài bản, đi vào chiều sâu, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.
Từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến nay đã thi hành kỷ luật 70 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý. Trong đó 28 Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, gồm: 3 lãnh đạo chủ chốt; 3 Phó Thủ tướng; 6 Bộ trưởng; 10 Bí thư, nguyên Bí thư tỉnh ủy, thành ủy; 11 cán bộ cấp Thứ trưởng, nguyên Thứ trưởng; 26 Chủ tịch, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh; 4 Phó Bí thư, nguyên Phó Bí thư Thường trực cấp tỉnh.
"Bộ Chính trị, Ban Bí thư thống nhất cao chủ trương tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và quyết định bổ sung nội hàm phòng, chống lãng phí, tạo ra bộ ba cần phải loại bỏ là tham nhũng, lãng phí và tiêu cực", Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh.
Tổng Bí thư cho rằng, điều này tạo ra sự răn đe, cảnh tỉnh rất lớn và tinh thần này sẽ tiếp tục được thực hiện kiên trì, liên tục. Minh chứng là việc Bộ Chính trị bổ sung chức năng, nhiệm vụ phòng, chống lãng phí cho Ban chỉ đạo Trung ương và cấp tỉnh với trọng tâm là chỉ đạo phòng, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.
Nhận định lãng phí trong xã hội còn rất lớn, Tổng Bí thư lưu ý tới đây cần có phong trào toàn dân thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong cuộc sống, từng gia đình, từng người dân.
"Lãng phí đang là vấn đề rất đáng báo động. Ở khía cạnh nào đó, lãng phí còn gây tổn hại lớn hơn tham nhũng và tiêu cực", Tổng Bí thư nhận định.
Tổng Bí thư dẫn báo cáo của Bộ Công an cho thấy cả nước đang tồn đọng khoảng 2.805 các công trình, dự án chậm hoặc không được đưa vào sử dụng, có nguy cơ gây lãng phí.
Bước đầu xác định có 483 dự án với diện tích đất là khoảng 19.775 ha đất chưa được đưa vào sử dụng. Các tỉnh sơ bộ báo cáo có khoảng 3.495 dự án chậm tiến độ và có khoảng 54.293 ha đất chậm hoặc chưa đưa vào sử dụng…
Dẫn chứng câu chuyện của Hà Nội mới thu hồi 2 trong số hàng trăm dự án dang dở đã thu về cho ngân sách khoảng 80.000 tỷ đồng, Tổng Bí thư cho rằng còn hàng trăm dự án có giá trị từ vài trăm nghìn tỷ đồng đến hàng triệu tỷ đang gặp vướng mắc, bị ngưng trệ.
"Những công trình này không chỉ gây thiệt hại, lãng phí về tiền bạc mà còn gây thiệt hại nhiều về các lĩnh vực xã hội khác mà không thể tính hết được bằng tiền", Tổng Bí thư nói.
Đặc biệt, trong quá trình tổ chức Đại hội Đảng các cấp, cơ cấu lại hệ thống hành chính, sắp xếp tổ chức cán bộ, di dời trụ sở cơ quan, không tổ chức cấp huyện, tổ chức lại cấp xã, Tổng Bí thư lưu ý sẽ không loại trừ tình trạng "đục nước béo cò", "tranh tối tranh sáng" để tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Dân đói thì xã phải biết đầu tiên
Thông tin tới các lão thành cách mạng về những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, Tổng Bí thư nhấn mạnh 3 nhiệm vụ trọng tâm, gồm: Giữ vững, duy trì môi trường hòa bình, ổn định; phát triển kinh tế xã hội nhanh và bền vững; nâng cao đời sống của Nhân dân, tất cả vì Nhân dân.
Tổng Bí thư nhận định Hội nghị Trung ương 11 vừa kết thúc là hội nghị lịch sử với việc Trung ương thống nhất rất cao các nội dung liên quan đến việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp với tầm nhìn ít nhất 100 năm, nhằm mở rộng không gian phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa.

Tổng Bí thư Tô Lâm cùng các đại biểu tại buổi gặp mặt. (Ảnh: Viết Thành)
Theo Tổng Bí thư, số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập là 34 tỉnh, thành phố, gồm 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương; giảm 60-70% số lượng đơn vị hành chính cấp xã và không tổ chức cấp huyện.
Trung ương cũng thống nhất chủ trương sắp xếp tinh gọn, hợp nhất cơ quan MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội, các hội quần chúng; tinh gọn bộ máy TAND, VKSND; kết thúc hoạt động của TAND, VKSND cấp huyện.
Mô hình chính quyền địa phương mới, theo Tổng Bí thư, có 2 cấp: Cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) và cấp xã (xã, phường và đặc khu).
Với mô hình tổ chức hành chính mới, cấp tỉnh vừa là cấp thực hiện chủ trương, chính sách của Trung ương, vừa ban hành chính sách trên địa bàn tỉnh, thành phố. Ngoài ra, cấp tỉnh còn trực tiếp chỉ đạo, quản lý hoạt động của cấp xã trên phạm vi địa bàn.
Còn cấp xã chủ yếu thực hiện chính sách từ cấp Trung ương, cấp tỉnh ban hành. Cấp xã cũng được tăng cường phân cấp, phân quyền và có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật để quyết định những việc tổ chức thi hành pháp luật trên địa bàn và quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền.
Với mô hình này, Tổng Bí thư quán triệt cấp tỉnh quản lý các vấn đề chung và phải phân cấp xuống cấp xã.
"Mọi thủ tục hành chính, mọi vấn đề liên quan đến người dân phải giải quyết ở cấp xã. Phân cấp đến những vấn đề xã hội, đời sống của Nhân dân phải ở xã. Người dân không phải lên tỉnh, lên Trung ương để giải quyết các việc. Nếu tất cả các vấn đề của người dân không thể giải quyết ở cấp xã thì không còn cấp hành chính nào có thể giải quyết được", Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Nhấn mạnh vừa qua cải cách rất nhiều việc và Nhân dân đồng tình, ủng hộ, Tổng Bí thư dẫn chứng trong giáo dục, cấp xã phải tổ chức với trường liên cấp, cấp 1, cấp 2. Chủ tịch xã phải quản lý, biết ngay xã có bao nhiêu cháu đến tuổi đi học.
Tổng Bí thư nhắc lại quan điểm "mỗi người dân được ít nhất khám sức khỏe một lần" và chính quyền xã phải biết được tình hình sức khỏe của Nhân dân. Chính quyền xã phải biết trong xã mình bao nhiêu người mắc bệnh gì, bao nhiêu người cao huyết áp, bao nhiêu người tim mạch, bao nhiêu người dạ dày, bao nhiêu người bệnh gan... Từ đó có phương hướng đào tạo bác sĩ, kế hoạch mua thuốc để chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho dân.
"Dân mà đói thì xã phải biết đầu tiên và làm cách gì để dân không đói. Nếu không còn cách gì nữa thì báo với tỉnh, báo với Trung ương. Mọi việc ở trong dân mà xã chưa làm được thì chưa hoàn thành nhiệm vụ. Xã phải gần dân, sát dân, nắm được những yêu cầu của dân.
Mọi vấn đề phải được giải quyết ở đấy, đừng để dân đi khiếu kiện. Anh chỉ có làm không đúng, người ta đã thắc mắc phải giải quyết cho người ta. Nếu không giải quyết được thì xã phải báo cáo, quyết định chứ không thể dân người ta tự đi lên tỉnh được", Tổng Bí thư quán triệt.
Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/tong-bi-thu-noi-ve-bo-ba-can-loai-bo-ar937258.html