4 điểm mới nhất của Bộ luật Lao động sửa đổi

Bộ luật mới sẽ giúp Việt Nam tăng tốc trên con đường vì việc làm thỏa đáng cho mọi người lao động, cả nam và nữ.

Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) hoan nghênh những quyền mới của người lao động và người sử dụng lao động tại Việt Nam, khi Bộ luật Lao động sửa đổi (bộ luật mới) có hiệu lực từ ngày mai 1-1-2021.

TS.Chang-Hee Lee, Giám đốc ILO Việt Nam, đánh giá bộ luật mới sẽ giúp Việt Nam tăng tốc trên con đường vì việc làm thỏa đáng cho mọi người lao động, cả nam và nữ.

Người đứng đầu ILO tại Việt Nam nhấn mạnh: “Bộ luật Lao động mới có nhiều cải tiến có thể mang lại lợi ích cho cả người lao động và người sử dụng lao động, nhưng những nội dung cải tiến sẽ chỉ đi vào thực tiễn cuộc sống khi mọi người đều hiểu được mình có những quyền mới nào và chủ động sử dụng những quyền đó”.

TS. Chang-Hee Lee phân tích bộ luật mới có nhiều thay đổi quan trọng.

Thứ nhất là mở rộng phạm vi điều chỉnh bổ sung thêm đối tượng là người lao động làm việc mà không có hợp đồng lao động bằng văn bản.

Cụ thể, bộ luật mới có một số nội dung được áp dụng cho toàn bộ khoảng 55 triệu người, thay vì phạm vi điều chỉnh hiện tại khoảng 20 triệu người là những người lao động có quan hệ lao động.

 Giám đốc ILO Việt Nam, đánh giá bộ luật mới sẽ giúp Việt Nam tăng tốc trên con đường vì việc làm thỏa đáng cho mọi người lao động, cả nam và nữ. Ảnh: PHONG ĐIỀN

Giám đốc ILO Việt Nam, đánh giá bộ luật mới sẽ giúp Việt Nam tăng tốc trên con đường vì việc làm thỏa đáng cho mọi người lao động, cả nam và nữ. Ảnh: PHONG ĐIỀN

Thứ hai, bộ luật bổ sung, hoàn thiện thêm các quy định nhằm đảm bảo nguyên tắc không phân biệt giới và phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Người sử dụng lao động giờ đây được yêu cầu phải đảm bảo trả công bình đẳng cho các công việc có giá trị ngang nhau, không phân biệt giới tính và bảo vệ thai sản.

Đồng thời, lần đầu tiên, hành vi quấy rối tình dục được định nghĩa trong pháp luật và người sử dụng lao động có nghĩa vụ phải ban hành nội quy lao động và thực hiện các giải pháp nhằm ngăn chặn quấy rối tình dục tại nơi làm việc.

Tuổi nghỉ hưu sẽ được điều chỉnh tăng dần lên 62 tuổi đối với lao động nam (mỗi năm tăng thêm 3 tháng) và 60 tuổi đối với lao động nữ (mỗi năm tăng thêm 4 tháng).

Điều này sẽ giúp giảm khoảng cách giới từ 5 năm xuống còn 2 năm, đồng thời giúp xây dựng hệ thống bảo hiểm hưu trí bền vững hơn về tài chính và giải quyết thách thức về nhân khẩu học do dân số già hóa nhanh.

Thứ ba, tương tự với pháp luật lao động của các nước tiên tiến, bộ luật đã đưa ra những quy định pháp lý cho phép người lao động và người sử dụng lao động tự quyết định mức lương và điều kiện lao động thông qua đối thoại và thương lượng, trong đó vai trò của Nhà nước chỉ giới hạn ở việc xác định những tiêu chuẩn pháp lý tối thiểu như tiền lương tối thiểu và giới hạn thời gian làm thêm giờ.

Chẳng hạn, người sử dụng lao động giờ đây không còn phải gửi thang lương, bảng lương đến các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, song vẫn phải tham khảo ý kiến của các tổ chức đại diện của người lao động.

Bộ luật mới cho phép người lao động có thể lựa chọn đình công hợp pháp hoặc yêu cầu trọng tài phán quyết. Ảnh: PHONG ĐIỀN

Bộ luật mới cho phép người lao động có thể lựa chọn đình công hợp pháp hoặc yêu cầu trọng tài phán quyết. Ảnh: PHONG ĐIỀN

Thứ tư, bộ luật cho phép người lao động được thành lập và gia nhập tổ chức đại diện người lao động do họ lựa chọn, không nhất thiết phải là thành viên của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐVN).

Các tổ chức của người lao động không phải là thành viên của TLĐLĐVN có thể được thành lập tại doanh nghiệp, họ có những quyền và nghĩa vụ trong quan hệ lao động bình đẳng với các tổ chức công đoàn cơ sở thuộc TLĐLĐVN.

Bộ luật cũng đảm bảo bảo vệ các tổ chức của người sử dụng lao động và các tổ chức của người lao động trước hành vi can thiệp lẫn nhau của mỗi bên và người lao động được hưởng sự bảo vệ đầy đủ trước những hành vi phân biệt đối xử do tham gia công đoàn.

Bộ luật mới quy định rõ ràng hơn nghĩa vụ của người sử dụng lao động, nghiêm cấm những hành vi phân biệt đối xử và can thiệp vào chức năng và hoạt động của các tổ chức đại diện người lao động trước và sau khi đăng ký thành lập.

Cán bộ quản lý tham gia vào quá trình ra quyết định liên quan đến điều kiện lao động, tuyển dụng, kỉ luật, chấm dứt hợp đồng lao động không được tham gia vào cùng tổ chức của người lao động với những lao động bình thường khác.

Điều này sẽ dần chấm dứt tình trạng phổ biến là các cán bộ quản lý cấp cao và cấp trung chi phối các tổ chức đại diện người lao động ở cấp doanh nghiệp.

Bộ luật mới, cơ chế giải quyết tranh chấp lao động cũng đã được tinh giản. Nếu tranh chấp lao động không được hòa giải thành công, người lao động giờ đây có thể lựa chọn đình công hợp pháp hoặc yêu cầu trọng tài phán quyết. Trước đây, cần thêm nhiều bước khác để có thể đình công hợp pháp.

PHONG ĐIỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/kinh-te/4-diem-moi-nhat-cua-bo-luat-lao-dong-sua-doi-959120.html