Vì sao nhân viên chọn 'ngậm chặt miệng' trước sếp?

Nhiều nhân viên cảm thấy việc lên tiếng có nguy cơ gây ảnh hưởng nhanh và trực tiếp đến họ, trong khi lợi ích tương lai của tổ chức - nếu họ chọn cách chia sẻ ý kiến - lại không rõ ràng.

Nhưng tôi không muốn lên tiếng!

Liệu nhân viên có thực sự muốn cửa mở không? Hơn một thập kỷ trước, giáo sư James Detert của Đại học Virginia và giáo sư Amy Edmondson của Đại học Harvard đã bắt tay vào việc tìm hiểu xem tại sao một số nhân viên sẵn lòng đề xuất ý tưởng với sếp của họ, còn số khác thì không.

Họ đã phỏng vấn khoản 200 nhân viên của một công ty công nghệ cao, và phát hiện ra rằng khoảng một nửa trong số đó chọn cách không chia sẻ những thông tin có thể có lợi cho công ty (Detert và Edmondson, 2007). Tại sao? Hai vị giáo sư giải thích:

Nói ngắn gọn, đó là hành động thủ thân. Mặc dù ta có thể hiểu tại sao nhân viên sợ đề cập đến một số vấn đề, như việc tố giác sai phạm chẳng hạn, nhưng chúng tôi phát hiện ra rằng bản năng tự vệ bẩm sinh đã quá lớn đến mức người ta không thể lên tiếng về những việc rõ ràng là có lợi cho tổ chức.

 Ảnh minh họa. Nguồn: Linkedln.

Ảnh minh họa. Nguồn: Linkedln.

Trong những buổi phỏng vấn của chúng tôi, các nhân viên cho biết họ cảm thấy việc lên tiếng có nguy cơ gây ảnh hưởng nhanh và trực tiếp đến họ, trong khi lợi ích tương lai của tổ chức - nếu họ chọn cách chia sẻ ý kiến - lại không rõ ràng. Vậy nên nhân viên theo bản năng sẽ thủ thân bằng cách im lặng. Họ có vẻ thường kết luận: “Nếu không chắc chắn thì hãy ngậm miệng lại”.

Detert và Edmondson cũng gặp một số nhân viên đề cập đến những lời đồn đại nơi công sở, rằng những người từng công khai chia sẻ ý kiến bỗng “đột nhiên nghỉ việc”.

Thật vậy, Gerry - một trong những độc giả của tôi - đã e-mail kể tôi nghe chuyện đã xảy ra khi anh sử dụng chính sách mở cửa với quản lý của sếp anh.

Trong một cuộc họp riêng với ông, tôi đã đề cập đến một số vấn đề về chất lượng công việc và giao tiếp giữa chúng tôi với sếp trực tiếp - một người mới vào và thiếu kinh nghiệm. Tôi cũng đề xuất một số giải pháp... và vài ngày sau, ông đã kể hết với sếp trực tiếp của tôi những điều tôi nói. Điều đó khiến mối quan hệ giữa hai chúng tôi trở nên căng thẳng. Sếp của tôi đã nghỉ việc không lâu sau đó, và vài tháng sau tôi cũng bị buộc phải nghỉ.

Có thật là những người tận dụng chính sách mở cửa sẽ bị sa thải không? Thực ra cũng chẳng quan trọng. Nếu nhận thức đó vẫn còn tồn tại, thì nguy cơ nhân viên cứ tiếp tục ngậm chặt miệng là chắc chắn.

Dù cố ý hay vô thức, các nhân viên đang cân đo đong đếm giữa nguy cơ tiềm năng và phần thưởng tiềm năng. Họ sẽ chỉ chủ động bước qua cánh cửa mở khi lợi ích vượt xa nguy cơ. Khi đặt trách nhiệm phải cởi mở chia sẻ những vấn đề hay đề xuất lên vai những người đó, bạn đang khóa miệng một nửa thành viên của đội mình.

Kevin Kruse/NXB Trẻ

Nguồn Znews: https://znews.vn/vi-sao-nhan-vien-chon-ngam-chat-mieng-truoc-sep-post1510763.html