4 điều nam giới nên biết về rối loạn cương dương

Rối loạn cương dương không chỉ bóp nghẹt cuộc sống tình dục lãng mạn mà nhiều khi còn là nguồn gốc của sự thất vọng và thậm chí là xấu hổ. Dưới đây là lý giải về tình trạng rối loạn cương dương nam giới cần biết để kịp thời đi khám và điều trị đúng.

Nội dung

1. Rối loạn cương dương không chỉ là vấn đề của "cậu nhỏ"

2. Rối loạn cương dương và tuổi tác

3. Rối loạn cương dương liên quan đến yếu tố tim mạch

4. Một số tinh trạng rối loạn cương dương có thể không cần điều trị chuyên sâu

Rối loạn cương dương (ED) là một rối loạn chức năng tình dục ở nam giới thường gặp. Ở nam giới, muốn thực hiện được hành vi tình dục, điều quan trọng là chức năng cương dương phải được đảm bảo. Cương dương là một hiện tượng sinh lý bình thường của cơ thể nam giới, nó xuất hiện ở mọi lứa tuổi.

Theo Hội Niệu khoa châu Âu, rối loạn cương dương được định nghĩa là tình trạng không có khả năng đạt được và duy trì độ cương cần thiết để thực hiện giao hợp trọn vẹn. Tình trạng này lặp đi lặp lại kéo dài trên 3 tháng gây ảnh hưởng đến tâm lý người bệnh, làm căng thẳng mối quan hệ lứa đôi.

1. Rối loạn cương dương không chỉ là vấn đề của "cậu nhỏ"

Rối loạn cương dương không đơn thuần chỉ là tình trạng mà nam giới không thể duy trì sự cương cứng trong quá trình giao hợp, không cương cứng hoàn toàn hoặc không cương cứng được. Rối loạn cương dương thường là kết quả của các bệnh hoặc tình trạng trở nên phổ biến hơn theo tuổi tác. Tình trạng này cũng có thể là tác dụng phụ của thuốc dùng để điều trị chúng. Các nguyên nhân khác có thể khác gây rối loạn cương dương bao gồm phẫu thuật tuyến tiền liệt, căng thẳng, vấn đề về mối quan hệ và trầm cảm.

Rối loạn cương dương là một rối loạn chức năng tình dục ở nam giới thường gặp.

Rối loạn cương dương là một rối loạn chức năng tình dục ở nam giới thường gặp.

Theo PGS.TS.BS. Nguyễn Hoài Bắc, Trưởng khoa Nam học và Y học giới tính, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, rối loạn cương dương vừa là một bệnh lý thực sự vì nó có nguyên nhân, có cơ chế sinh bệnh rõ ràng nhưng nó cũng là một triệu chứng của nhiều bệnh khác như: trầm cảm, lo âu, đái tháo đường, suy giảm hormone sinh dục nam, các bệnh lý rối loạn chuyển hóa khác gây nên...

2. Rối loạn cương dương và tuổi tác

Các yếu tố liên quan đến tuổi tác khác ngoài bệnh tật cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng cương cứng của nam giới. Khi tuổi tác tăng, các mô trở nên kém đàn hồi hơn và giao tiếp thần kinh chậm lại. Nhìn chung, tần suất bị rối loạn cương dương tăng dần theo tuổi. Từ 40 tuổi trở lên, tỷ lệ nam giới bị rối loạn cương khoảng 40% và tăng cao khoảng 60% khi nam giới dần bước sang giai đoạn lão niên.

Mặc dù rối loạn cương dương phổ biến hơn ở nam giới trong độ tuổi 40-60 nhưng nam giới ở độ tuổi 20 vẫn rất có thể mắc phải căn bệnh này. Chuyên gia nam học giải thích, sức khỏe, lối sống, cân nặng... đều là những yếu tố ảnh hưởng lớn đến khả năng cương dương của nam giới.

3. Rối loạn cương dương liên quan đến yếu tố tim mạch

Bệnh tim mạch là nguyên nhân phổ biến gây ra rối loạn cương dương. Động mạch bị tắc (xơ vữa động mạch) không chỉ ảnh hưởng đến các mạch máu của tim mà còn ảnh hưởng đến các mạch máu trên khắp cơ thể.

Bệnh mạch vành làm giảm lưu lượng máu đến tim và cũng ảnh hưởng đến các mạch máu của nam giới. Rối loạn cương dương sẽ xảy ra khi lượng máu lưu thông không tốt. Trên thực tế, ở 30% nam giới đến gặp bác sĩ về rối loạn cương dương, tình trạng này là dấu hiệu đầu tiên cho thấy họ mắc bệnh tim mạch.

Người ta thấy rằng, nam giới rối loạn cương dương có nguy cơ mắc bệnh thiếu máu cơ tim lên 1,87 lần, suy tim lên 8 lần so với những người không bị rối loạn cương. Trong những năm gần đây rối loạn cương dương được coi là một dấu hiệu sớm của các bệnh lý tim mạch.

4. Một số tinh trạng rối loạn cương dương có thể không cần điều trị chuyên sâu

Bệnh nhân rối loạn cương dương cần được thăm khám, chẩn đoán tỉ mỉ và cẩn thận để xác định nguyên nhân, từ đó đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.

Bệnh nhân rối loạn cương dương cần được thăm khám, chẩn đoán tỉ mỉ và cẩn thận để xác định nguyên nhân, từ đó đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.

Những phát hiện thú vị từ Nghiên cứu Lão hóa nam giới Massachusetts cho thấy có thể có sự thay đổi tự nhiên đối với rối loạn cương dương. Nghĩa là đối với một số nam giới, vấn đề cương cứng có thể xảy ra, kéo dài trong một khoảng thời gian nhưng sau đó tự biến mất một phần hoặc hoàn toàn mà không cần điều trị.

Rối loạn cương dương do nhiều nguyên nhân khác nhau, muốn điều trị có kết quả phải tìm được nguyên nhân gây bệnh. Nếu đã loại trừ các nguyên nhân thể chất, bệnh lý thì có thể rối loạn cương dương do các vấn đề về sức khỏe tâm thần gây ra, chẳng hạn như lo lắng, trầm cảm, căng thẳng và rắc rối trong các mối quan hệ. Khi rối loạn cương dương chỉ là triệu chứng hoặc dấu hiệu của nhiều bệnh lý khác nhau như trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn chuyển hóa, thì không cần điều trị chuyên sâu về nam học mà chỉ cần thay đổi lối sống để giảm các vấn đề trên.

PGS.TS.BS Nguyễn Hoài Bắc lưu ý: Cần điều trị các nguyên nhân cơ bản và các bệnh lý nền nếu có như đái tháo đường, u tuyến yên, mãn dục nam, xơ hóa thể hang... Ngoài ra, có thể ngừng dùng một số loại thuốc có thể ảnh hưởng đến rối loạn cương dương.Người bệnh nên từ bỏ lối sống không lành mạnh như hút thuốc lá, lạm dụng bia rượu và sử dụng các chất gây nghiện, tránh căng thẳng... Đồng thời, cần tăng cường vận động, rèn luyện lối suy nghĩ tích cực, ăn nghỉ điều độ và tăng cường mối quan hệ với bạn tình.

Thiên Châu

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/4-dieu-nam-gioi-nen-biet-ve-roi-loan-cuong-duong-169250314151017087.htm