4 điều ông Biden cần thỏa hiệp để ngăn Mỹ vỡ nợ
Để đạt được thỏa thuận về mức trần nợ và ngăn nước Mỹ rơi vào tình trạng bất ổn tài chính, Tổng thống Joe Biden và Quốc hội Mỹ cần thống nhất 4 vấn đề mấu chốt.
Tổng thống Joe Biden và các quan chức quốc hội từ cả hai đảng đã bắt đầu thảo luận về nâng mức trần nợ công vào ngày 16/5, đánh dấu tuần tranh cãi thứ hai nhằm ngăn Mỹ vỡ nợ.
Theo Bộ Tài chính Mỹ, chính phủ nước này có thể cạn kiệt ngân sách vào ngày 1/6, dẫn đến việc người cao tuổi không được trả lương hưu hàng tháng, nhân viên liên bang và quân đội bị chậm lương, các văn phòng chính phủ đóng cửa và lãi suất tăng khi uy tín tín dụng của Washington sụt giảm.
Sau thời gian thảo luận kín, hai bên đang dần hình thành thỏa thuận, trong đó 4 vấn đề mấu chốt đang được xem xét kỹ lưỡng, theo BBC.
Quỹ Covid-19
Kho bạc Mỹ hiện có hàng tỷ USD chưa sử dụng được phân bổ để hỗ trợ các doanh nghiệp, chính quyền tiểu bang và địa phương đối phó với đại dịch Covid-19.
Hiện nay, tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng đã chính thức kết thúc, do đó các đảng viên Cộng hòa đang tìm cách thu hồi lại số tiền này.
Tổng thống Biden cũng từng bày tỏ sự ủng hộ với động thái này, vì các khoản tiền hiện không có mục đích rõ ràng và việc thu hồi không ảnh hưởng trực tiếp đến bất kỳ chương trình nào.
Đây là vấn đề dễ thương lượng nhất trong các cuộc đàm phán về trần nợ.
Cải cách cấp phép năng lượng
Một chủ đề thảo luận khác là hợp lý hóa quy trình cấp phép cho các công ty tư nhân phát triển năng lượng của chính phủ liên bang.
Đây là mối quan tâm chính đối với Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Joe Manchin từ vùng Tây Virginia giàu than đá - lá phiếu dao động quan trọng trong Thượng viện Mỹ.
Ông Machin cho rằng các đảng viên Dân chủ đã tán thành với kế hoạch cải cách quy trình cấp phép cho các dự án năng lượng để đổi lấy sự ủng hộ của ông với dự luật thúc đẩy đầu tư vào năng lượng xanh và chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe vào năm 2022 của Tổng thống Biden.
Tuy nhiên, trên thực tế, Quốc hội Mỹ chưa bao giờ thực sự phê chuẩn kế hoạch cải cách của ông Machin sau khi các nghị sĩ có chủ trương bảo vệ môi trường phô diễn sức mạnh của họ trong nội bộ đảng Dân chủ.
Các đảng viên Cộng hòa rất muốn thúc đẩy cải cách này và giờ đây khi có một phần quyền lực, họ có thể biến nó thành một điều kiện trong gói trần nợ, buộc đảng Dân chủ nhượng bộ ở mức độ nhất định.
Giới hạn ngân sách liên bang
Một vấn đề khó khăn hơn với ông Biden là giới hạn ngân sách chi tiêu trong năm 2023-2024.
Giới hạn này đóng vai trò như bản hướng dẫn không có tính chất ràng buộc để thiết lập ngân sách liên bang. Nó có thể được thay đổi trong quá trình chi tiêu khi chính phủ phân bổ cho các chương trình cụ thể.
Tuy nhiên, các số liệu được đặt ra trong cuộc đàm phán hiện nay sẽ định hình các cuộc tranh luận vào cuối năm, khi các nhà lập pháp thảo luận và quyết định chính xác số tiền sẽ mà kho bạc liên bang sẽ bỏ ra.
Điều mà ông Biden và đảng Dân chủ hy vọng né tránh - cũng là điều đảng Cộng hòa đang thúc đẩy - là cắt giảm chi tiêu liên bang, đặc biệt đối với các chương trình mới và kế hoạch chi tiêu mà Quốc hội do đảng Dân chủ kiểm soát đã thông qua trong hai năm đầu nhiệm kỳ của ông Biden.
Yêu cầu việc làm với người nghèo
Điểm vướng mắc lớn nhất trong các cuộc đàm phán về mức trần nợ hiện nay có lẽ là đề xuất của đảng Cộng hòa với các chương trình hỗ trợ người nghèo.
Họ cho rằng nếu đã nhận hỗ trợ lương thực, tài chính và bảo hiểm y tế, những người dưới hoặc gần mức nghèo nên tích cực tìm việc làm hoặc đăng ký tham gia chương trình giáo dục.
Phe bảo thủ thường phàn nàn rằng viện trợ của chính phủ dành cho người nghèo đầy ẩn chứa gian lận và sẽ khuyến khích các cá nhân không tham gia lực lượng lao động.
Do đó, các đảng viên Cộng hòa đề xuất những người trưởng thành khỏe mạnh không có con cái phụ thuộc phải tuân theo các yêu cầu công việc để nhận trợ cấp theo chương trình Hỗ trợ Bổ sung Dinh Dưỡng (SNAP) cho đến khi họ 55 tuổi, tăng từ 49 tuổi so với quy định hiện hành, đồng thời hạn chế quyền miễn trừ của các tiểu bang, theo Colombus Dispatch.
Song các đảng viên Dân chủ coi khoản hỗ trợ này là một phần không thể thiếu trong mạng lưới an sinh xã hội mở rộng của ông Biden, mà họ cho rằng đã giúp giảm 46% tỷ lệ nghèo ở trẻ em trong năm đầu tiên tại vị của tổng thống.
Đặc biệt, việc mở rộng chương trình Trợ cấp Y tế cho người nghèo là trọng tâm trong nỗ lực của đảng Dân chủ nhằm giảm số lượng người Mỹ không có bảo hiểm y tế.
Tuần trước, một nhóm lợi ích nghiêng về đảng Dân chủ, gồm tổ chức phi lợi nhuận NAACP và Urban League, đã gửi thư cảnh báo vị tổng thống Mỹ không nên thương lượng các điều kiện mới về chương trình giảm nghèo.
“Không một hộ gia đình nghèo nào ở đất nước này nên được hỗ trợ lương thực và y tế cơ bản dựa trên khả năng làm việc của họ”, bức thư viết.
Nếu ông Biden và các đảng viên Cộng hòa có thể thống nhất về một số điều trên và tổng thống có thể thuyết phục các đảng viên Dân chủ tán thành, Quốc hội Mỹ có khả năng nâng trần nợ trong một khoảng thời gian nhất định.
Với việc nỗ lực tái tranh cử có thể bị trật bánh khi tình trạng vỡ nợ gây bất ổn kinh tế, Tổng thống Biden được cho là đang yêu cầu mức trần nợ đủ cao để tránh xảy ra một cuộc khủng hoảng khác cho đến ít nhất sau cuộc bầu cử tổng thống tháng 11/2024.
Điều đó khác xa với mong muốn ban đầu của ông Biden là loại bỏ vĩnh viễn chính sách “bên miệng hố” (brinksmanship) liên quan đến trần nợ, nhưng sẽ có lợi cho lần tranh cử cuối cùng của ông.
Song sự thỏa hiệp có thể khiến các đảng viên Dân chủ khác tức giận. Họ là những người có tầm nhìn chính trị dài hơn cuộc bầu cử tiếp theo.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/4-dieu-ong-biden-can-thoa-hiep-de-ngan-my-vo-no-post1432269.html