4 đột phá phát triển đối với Quảng Nam và khu vực miền Trung
Phát triển công nghiệp phụ trợ cơ khí, phát triển công nghiệp chế biến sâu các sản phẩm từ nông nghiệp và dược liệu, công nghiệp hàng không là 4 đột phá để miền Trung phát triển thời gian tới.
Tại Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Xúc tiến đầu tư Vùng được tổ chức tại TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã trình bày tham luận về phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại tại Khu kinh tế mở Chu Lai.
Theo đó, trong thời gian tới, tỉnh Quảng Nam tiếp tục phát triển Khu kinh tế mở Chu Lai theo hướng công nghiệp dịch vụ và đô thị biển.
Để làm được điều này, đầu tiên, theo ông Thanh, Khu kinh tế mở Chu Lai vẫn sẽ tiếp tục phát ngành công nghiệp ô tô trên cơ sở cơ khí chính xác, tự động hóa, quản trị hiện đại, đẩy mạnh tỷ lệ nội địa hóa để cạnh tranh; tiếp tục dẫn đầu vị thế của ô tô trong nước và xuất khẩu.
Tiếp đến, Khu kinh tế mở Chu Lai chú trọng phát triển ngành công nghiệp phụ trợ cơ khí theo hướng xây dựng hệ sinh thái công nghiệp thế hệ mới. Trong đó, Thaco Trường Hải đóng vai trò hạt nhân, dẫn dắt và hình thành chuỗi liên kết trong cụm công nghiệp cơ khí phụ trợ cùng với các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại khu vực miền Trung và cả nước tham gia vào chuỗi sản xuất do Thaco dẫn đầu.
“Điều này rất quan trọng, do hiện nay Thaco đang đẩy mạnh ngành công nghiệp phụ trợ nhưng chủ yếu trong nội bộ tập đoàn, nếu hình thành chuỗi liên kết với các doanh nghiệp khác trên địa bàn cả nước, các doanh nghiệp nhỏ và vừa có điều kiện chủ động tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất này một cách có hiệu quả, từng bước hình thành trung tâm công nghiệp cơ khí đa dụng và công nghiệp cơ khí phụ trợ tại Chu Lai”, ông Thanh đề cập.
Hiện nay, tỉnh Quảng Nam đang làm đề án này để trình các bộ Công thương và các bộ ngành Trung ương phê duyệt.
Thứ ba, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, Khu kinh tế mở Chu Lai cũng sẽ phát triển công nghiệp chế biến sâu các sản phẩm nông nghiệp. Thaco đang là “chim đầu đàn” khi đã mua lại vùng nguyên liệu rất rộng lớn của Hoàng Anh Gia Lại tại Campuchia, Lào và Tây Nguyên.
Qua đó, các vùng nguyên liệu này sẽ tập trung chuyển đổi cây trồng vật nuôi để đưa về Khu kinh tế mở Chu Lai để hình thành trung tâm công nghiệp chế biến rộng 450 ha hướng đến chủ yếu xuất khẩu các sản phẩm chế biến sâu bằng container tại cảng Chu Lai, qua đó tạo lợi thế cạnh tranh về chi phí logistics.
Để thực hiện điều này, tỉnh Quảng Nam đang hoàn thành đề án khai thác luồng tàu 50.000 tấn và đường lên Khu kinh tế cửa khẩu Nam Giang qua Lào, Thái Lan bằng nguồn vốn xã hội hóa; dự kiến trong Quý II sẽ báo cáo Thủ tướng phê duyệt
Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Nam cho rằng, cần phát triển công nghiệp chế biến sâu các sản phẩm nguồn dược liệu thiên nhiên khi khu vực này có lợi thế về nguồn dược liệu thiên nhiên phong phú ở dãy Trường Sơn nhưng cần quan tâm đẩy mạnh để phát triển ngành công nghiệp này. Tỉnh Quảng Nam đã kiến nghị Thủ tướng đồng ý Trung tâm công nghiệp sản xuất các sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng, các hàng hóa mỹ phẩm hóa sinh từ nguồn dược liệu thiên nhiên…
Đáng chú ý, theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, thời gian tới cần phát triển ngành công nghiệp mới mẻ là công nghiệp hàng không. Theo ông Thanh, hiện Việt Nam dù có rất nhiều tiềm năng, hàng không phát triển rất nhanh nhưng chưa triển khai.
Sân bay Chu Lai hiện có điều kiện rất thuận lợi về tự nhiên với diện tích trên 2.000 ha, hoàn toàn có thể quy hoạch hình thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ hàng không quốc tế với chức năng nổi bật là trung chuyển hàng hóa quốc tế, sửa chữa, bảo dưỡng các loại máy bay, thiết bị bay hàng nặng, sản xuất và lắp ráp các linh phụ kiện hàng không, đào tạo phi công..
“Đặc biệt, chúng ta phát triển các ngành sản xuất có giá trị gia tăng cao cần thời gian chuyển phát nhanh, an toàn. Do vậy, hình thành cụm công nghiệp hàng không Chu Lai có ý nghĩa rất lớn. Hiện, đề án xã hội sân bay Chu Lai đã được tỉnh Quảng Nam phối hợp với Bộ Giao thông vận tải hoàn chỉnh, trình các bộ ngành Trung ương lấy ý kiến”, ông Thanh cho biết.
Trong đó 5 vấn đề về phát triển công nghệ theo hướng hiện đại, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng có 4 vấn đề đột phá (trừ phát triển ngành công nghiệp ô tô), tỉnh Quảng Nam mong Thủ tướng, các bộ ban ngành tạo điều kiện về cơ chế, chính sách để Quảng Nam và các tỉnh miền Trung có điều kiện phát triển đột phá, mạnh mẽ trong thời gian sắp tới