4 hiểu lầm lớn cha mẹ có con học tiểu học dễ mắc phải trong kỳ nghỉ hè
Chỉ còn gần 1 tháng nữa là vào năm học mới, cha mẹ đừng để 4 hiểu lầm về kỳ nghỉ hè ảnh hưởng đến con.
Nhiều bậc cha mẹ cho rằng kỳ nghỉ hè là thời gian để trẻ xả hơi, nên để con nghỉ ngơi đầy đủ. Thực tế, trẻ em đã có 9 tháng căng mình với việc học trên lớp, nghỉ hè là khoảng thời gian cần thiết để các em được thư giãn, lấy lại cân bằng, được phép dành nhiều thời gian hơn cho những sở thích cá nhân.
Nhưng nghỉ hè cũng là khoảng thời gian thích hợp để trẻ trau dồi kỹ năng, thái độ sống và rèn luyện những thói quen tích cực, chủ động.
Có những hiểu lầm của cha mẹ có con học tiểu học trong kỳ nghỉ hè có thể ảnh hưởng đến trẻ, phụ huynh cần lưu ý:
1. Chỉ cho con chơi, không cần học
Một số phụ huynh cho rằng, con cái nên nghỉ hè sau khi học hành chăm chỉ cả một học kỳ, nên cho con chơi thêm vài tháng cũng không sao, miễn là lấy lại tinh thần trước khi khai giảng. Hơn nữa, một số cha mẹ bận rộn công việc, không có thời gian chăm sóc con cái nên cứ mặc con vui chơi, miễn là không gây phiền phức.
Điều này dễ khiến trẻ lầm tưởng rằng mình có thể vui chơi vô độ. Nhiều em suốt ngày nghiện game hoặc xem TV như một người bạn đồng hành, dẫn đến bỏ bê kiến thức.
Kỳ nghỉ hè là thời gian để thư giãn, nhưng phải có mức độ. Vì vậy, tốt nhất cha mẹ nên thống nhất với con thời gian chơi và học, nên cho trẻ học ít nhất hai tiếng mỗi ngày, phải đảm bảo hoàn thành bài tập hè đúng hạn trước đó.
Hiện chỉ còn chưa đầy 1 tháng là học sinh nhiều nơi tựu trường, cha mẹ càng cần lên kế hoạch để con ôn luyện lại kiến thức năm cũ. Hãy cố gắng giữ cho con đảm bảo tuân thủ đúng lịch trình, bao gồm cả việc thức dậy và đi ngủ đúng giờ.
2. Chỉ tập trung vào việc lên kế hoạch, bỏ qua quá trình thực hiện
Mỗi kỳ nghỉ hè, một số phụ huynh thường yêu cầu con lập kế hoạch học tập, quy định thời gian làm bài tập hàng ngày, thời gian xem tivi... có nơi trẻ còn ký cam kết. Mặc dù kế hoạch được lập rất chi tiết nhưng do công việc bận rộn nên một số cha mẹ ít giám sát, chỉ hỏi miệng con xem đã hoàn thành chưa dẫn tới kế hoạch thiếu hiệu quả.
Cha mẹ và con cái nên cùng nhau lập kế hoạch. Trong quá trình thực hiện, cha mẹ nên làm tốt công tác giám sát, kiểm tra. Nếu trẻ hoàn thành tốt thì có thể khen thưởng thích hợp.
3. Cho trẻ em ở nhà suốt ngày
Trong kỳ nghỉ hè, hầu hết các bậc cha mẹ đều phải đi làm, vì lo lắng con cái ra ngoài chơi một mình có thể gặp nguy hiểm nên nhiều người nhốt con ở nhà.
Học sinh tiểu học đã quen với việc sôi nổi ở trường, bỗng nhiên ở nhà một mình, không có cha mẹ, bạn bè chơi cùng, hoạt động hàng ngày của các em chỉ là đọc sách, học bài, xem tivi, chơi game trên máy tính... Sau một thời gian dài, rất dễ xuất hiện các vấn đề tâm lý như cô đơn, trầm cảm, không tốt cho sức khỏe tinh thần.
Cha mẹ nên cho con tham gia một số hoạt động xã hội như hoạt động tình nguyện, làm tuyên truyền viên nhỏ về môi trường cho cộng đồng, thăm trẻ mồ côi, khuyết tật… Cha mẹ có thể cho con tham gia các hoạt động thực tế liên quan đến công việc của mình, chẳng hạn nếu mở quán ăn tại nhà, có thể cho con rửa, phục vụ bát đĩa...
Cha mẹ cũng có thể tạo điều kiện cho con trải nghiệm cuộc sống ở nông thôn, cùng con về thăm nhà người thân, bạn bè ở quê, đi du lịch xa. Ngoài ra, nên cố gắng hết sức trò chuyện tâm tình với con hàng ngày để theo sát trạng thái tâm lý của con, giúp con cảm nhận được sự quan tâm chăm sóc của cha mẹ.
4. Nghĩ rằng học càng nhiều lớp năng khiếu càng tốt
Một số phụ huynh mặc kệ con có đồng ý hay không cũng đăng ký cho con học nhiều lớp các môn văn hóa, năng khiếu. Có thể vì thấy con chưa giỏi, hoặc có thể vì tâm lý so sánh, thấy các phụ huynh xung quanh đăng ký, sợ con tụt hậu nên hùa theo. Kết quả là đứa trẻ đã học cả mùa hè và mệt mỏi hơn bình thường.
Phụ huynh nên đăng ký các lớp học theo sở thích theo nguyện vọng của con cái, nếu không trẻ sẽ không muốn học, hiệu quả học tập sẽ không tốt.
Khi đăng ký cần chú ý xem môi trường nơi con học có dễ xảy ra các tình huống nguy hiểm không, đường sá ra vào có thông thoáng không. Sĩ số lớp học cũng không nên quá đông, dễ ảnh hưởng đến hiệu quả tiếp thu của trẻ.