4 học sinh tử vong vì mưa lũ tại Hướng Hóa, Quảng Trị
Ông Nguyễn Văn Đức, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hướng Hóa, Quảng Trị cho biết, tổng thiệt hại của ngành Giáo dục Hướng Hóa sau đợt mưa lũ ước tính trên 5 tỷ đồng. Đau thương nhất là mưa lũ đã cướp đi sinh mạng 4 bốn học sinh trên địa bàn.
Thực hiện các văn bản chỉ đạo phòng, chống mưa lũ của UBND tỉnh, sở GD&ĐT Quảng Trị, phòng GD&ĐT huyện Hướng Hóa đã có văn bản chỉ đạo các trường tổ chức thực hiện phòng, chống mưa lũ. Các trường đã thực hiện tốt công tác phòng chống, tuy nhiên do mưa lớn, lũ lên đột ngột gây ngập úng làm thiệt hại về tài sản một số điểm trường.
Một số trường thiệt hại nhiều là: Trường Tiểu học số 1 Khe Sanh, Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Húc, Trường Phổ thông dân tộc Bán trú TH&THCS Hướng Lập, Trường mầm non Hướng Lập… và một số điểm khác. Mưa lũ đã làm hư hỏng tường rào, thư viên, phòng học và các thiết bị, đồ dùng, đồ chơi; tổng thiệt hại ước tính trên 5 tỷ đồng. Đau thương nhất là mưa lũ đã cướp đi sinh mạng 4 bốn em học sinh
Chia sẻ của ông Nguyễn Văn Đức, sau mưu lũ phòng GD&ĐT đã kịp thời chỉ đạo các trường khắc phục hậu quả do mưa lũ gây, có kế hoạch phòng chống dịch bệnh, vệ sinh trường, lớp với phương châm “nước rút đến đâu khắc phục nhanh, có hiệu quả đến đó”; nhanh chóng ổn định hoạt động dạy và học sau khi nước rút; xây dựng kế hoạch dạy bù đảm bảo tiến độ chương trình, bảo đảm chất lượng giáo dục.
Tuy nhiên, do thời tiết diễn biến phức tạp, cơ sở vật chất hư hỏng, mất mát tại các trường vùng bản, tính đến ngày 19/10/2020 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên một số trường vẫn chưa vào được đơn vị, học sinh chưa thể đến trường do nước lũ rút còn chậm, sông suối chia cắt, đường sá sạt lở nghiêm trọng.
Chia sẻ về phương án nếu có đợt mưa lũ tiếp tục xảy ra, ông Nguyễn Văn Đức cho biết: Là địa bàn khi mưa lũ xảy ra thường gây ngập úng, lũ quét, sạt lở đất, tắc đường…, phòng GD&ĐT Hướng Hóa đã chỉ đạo các trường xây dựng phương án phòng, chống thiên tai trước khi vào mùa mưa, lũ. Khi có mưa lũ, các trường chủ động triển khai các phương án phòng, chống; phối hợp với chính quyền địa phương, cha mẹ học sinh kịp thời đưa, đón học sinh về nhà; kịp thời sơ tán học sinh từ các điểm trường thấp đến những nơi cao; di chuyển bàn ghế, sách vở đến nơi an toàn với phương châm “bốn tại chỗ”.
Với trường trên địa bàn ngập lũ, thấp trũng bị chia cắt bởi sông suối và những trường ở trên địa bàn có các tuyến đường khi mưa lớn có thể xảy ra ngập úng, điều kiện đi lại không an toàn, phòng GD&ĐT yêu cầu hiệu trưởng cho học sinh nghỉ học. Hiệu trưởng chỉ quyết định cho học sinh đi học trở lại khi bảo đảm an toàn tuyệt đối cho học sinh, giáo viên, đồng thời báo cáo về phòng GD&ĐT.
Sau khi mưa lũ kết thúc, hiệu trưởng các trường chỉ đạo tổ chức vệ sinh, sát khuẩn và chủ động quyết định việc đi học trở lại khi bảo đảm an toàn tuyệt đối với học sinh, giáo viên và nhân viên. Đồng thời, khuyến cáo cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh sau khi trở lại trường học không mạo hiểm vượt qua những nơi nguy hiểm.