4 kịch bản về nguồn gốc của virus SARS-CoV-2
Lây truyền trực tiếp từ động vật sang người, lây truyền từ động vật sang người qua vật chủ trung gian, lây truyền qua thực phẩm đông lạnh và rò rỉ từ phòng thí nghiệm là 4 giả thuyết về nguồn gốc của SARS-CoV-2 được đưa ra trong báo cáo của WHO.
Các cuộc điều tra về nguồn gốc của virus SARS-CoV-2 gây ra đại dịch Covid-19 vẫn đang tiếp tục. Virus SARS-CoV-2 tới nay đã lây nhiễm cho hơn 172 triệu người trên toàn cầu và khiến hơn 3 triệu người tử vong.
Ngày 26/5, chính quyền Tổng thống Biden đã chỉ đạo các quan chức tình báo Mỹ xem xét kỹ hơn nguồn gốc SARS-CoV-2, bao gồm các giả thuyết như lây truyền từ động vật sang người và rò rỉ từ phòng thí nghiệm.
Cho đến nay, cái nhìn bao quát nhất về nguồn gốc Covid-19 là một báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố vào ngày 30/3 bởi một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế đã đến Trung Quốc để điều tra nguồn gốc virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, vài tuần sau đó, nhiều nước trên thế giới đã bày tỏ lo ngại rằng, các nhà điều tra đã không được truy cập vào dữ liệu đầy đủ, trong khi các nhà khoa học nói rằng báo cáo đã nêu rõ cách virus phát triển.
“Câu trả lời nhanh chóng và rõ ràng là không thể, vì thông thường phải mất nhiều năm để truy tìm nguồn gốc của virus. Nhưng trong trường hợp này, tôi nghĩ chúng tôi có đủ bằng chứng để đưa ra một số giả thuyết về SARS-CoV-2”, Angela Rasmussen, nhà virus học tại Trung tâm Khoa học và An ninh Y tế Toàn cầu tại Trung tâm Y tế Đại học Georgetown, cho biết.
Trong báo cáo của WHO, nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng, có thể SARS-CoV-2 đã lây truyền giữa động vật này sang động vật khác trước khi lây sang người. Họ cũng xem xét các bằng chứng hỗ trợ giả thuyết virus lây truyền trực tiếp sang người từ động vật chủ ban đầu, hoặc virus lây lan qua chuỗi cung ứng thực phẩm đông lạnh. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cho rằng, khả năng SARS-CoV-2 rò rỉ từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán (Trung Quốc) là điều “rất khó xảy ra”.
Dưới đây là những bằng chứng cho từng giả thuyết trong 4 giả thuyết về nguồn gốc của SARS-CoV-2 mà báo cáo của WHO đưa ra.
1. Lây truyền trực tiếp từ động vật sang người
WHO đánh giá việc SARS-CoV-2 lây truyền trực tiếp từ động vật sang người là khả năng “có thể xảy ra”. Virus SARS-CoV-2 bắt nguồn từ một loài động vật, có thể là dơi, sau đó lây truyền sang con người.
Báo cáo của WHO đưa ra bằng chứng cho thấy, phần lớn các virus corona lây nhiễm sang người đều đến từ động vật, bao gồm cả virus gây ra dịch SARS năm 2003. Dơi được cho là động vật có nhiều khả năng nhất gây ra dịch bệnh Covid-19 vì chúng là vật chủ của một loại virus có liên quan đến di truyền SARS- CoV-2.
Báo cáo của WHO thừa nhận khả năng SARS-CoV-2 lây lan sang người từ tê tê hoặc chồn. Tuy nhiên, David Robertson, nhà virus học tại Đại học Glasgow, cho biết, nhóm các nhà khoa học của WHO đã lấy mẫu nhiều loài động vật ngoài dơi để nghiên cứu và các phân tích chỉ ra dơi là ổ chứa tự nhiên của virus SARS-CoV-2.
2. Lây truyền từ động vật sang người qua vật chủ trung gian
Theo WHO, khả năng SARS-CoV-2 lây truyền từ động vật sang người qua vật chủ trung gian là rất cao.
Trong trường hợp SARS-CoV-2 không lây truyền trực tiếp từ dơi sang người, các nhà khoa học tin rằng giả thuyết có nhiều khả năng xảy ra là virus đầu tiên lây lan qua một loài động vật khác, chẳng hạn như chồn hoặc tê tê. Không giống như dơi, những con vật này tiếp xúc thường xuyên với con người, đặc biệt nếu chúng được nuôi trong trang trại hoặc trong quá trình buôn bán trái phép động vật hoang dã.
Nếu SARS-CoV-2 ban đầu lây truyền sang một con vật khác, điều đó cũng có thể giải thích cách virus thích nghi để gây hại cho con người, mặc dù chuyên gia Robertson nói rằng virus có thể sẽ không thay đổi nhiều. Các phân tích bộ gen cho thấy, SARS-CoV-2 là một loại virus đặc biệt thích nghi với con người, điều này giải thích lý do tại sao nó có thể dễ dàng lây truyền giữa tê tê, chồn, mèo và các loài động vật khác.
Báo cáo của WHO chỉ ra rằng, đây là con đường mà các virus corona trước đây đã thực hiện để lây nhiễm sang người. Chẳng hạn, virus SARS được cho là đã lây truyền từ dơi sang cầy vòi hương trước khi gây ra dịch bệnh ở người vào năm 2002. Trong khi đó, virus gây bệnh MERS đã được tìm thấy ở lạc đà tại khắp Trung Đông.
Daniel Lucey, chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Y tế Đại học Georgetown, nói rằng, những điểm tương đồng giữa SARS-CoV-2 và các họ virus corona như SARS và MERS là một lập luận thuyết phục rằng loại chủng virus này có thể lây truyền theo cùng một cách.
Tuy nhiên, nếu giả thuyết này chính xác, vẫn chưa rõ vật chủ trung gian lây truyền virus từ động vật sang người là gì. Nhóm nghiên cứu của WHO đã phân tích mẫu từ hàng nghìn động vật nuôi trên khắp Trung Quốc, tất cả đều cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2. Ông Lucey cho rằng, nhóm nghiên cứu của WHO đã không kiểm tra đầy đủ chồn nuôi ở Trung Quốc, một trong những vật chủ trung gian bị nghi ngờ.
3. Lây truyền qua thực phẩm đông lạnh
WHO đánh giá khả năng SARS-CoV-2 lây truyền thông qua thực phẩm đông lạnh là có thể xảy ra.
Một giả thuyết khác cho rằng, virus có thể lây truyền sang con người thông qua chuỗi cung ứng lạnh, dây chuyền cung cấp để phân phối thực phẩm đông lạnh. Trong trường hợp này, virus có thể bắt nguồn từ bên ngoài Trung Quốc nhưng lây lan vào quốc gia này thông qua bề mặt bao bì thực phẩm hoặc trong chính thực phẩm.
Giả thuyết này đã thu hút sự quan tâm vào mùa hè năm 2020 sau một vài đợt bùng phát dịch ở Trung Quốc. Từ đó đến nay, đã có một số bằng chứng cho thấy mầm bệnh có thể tồn tại lâu hơn ở nhiệt độ lạnh.
Tuy nhiên, trong khi chuỗi cung ứng lạnh có thể đóng một vai trò nhất định trong các đợt bùng phát dịch mới, các nhà khoa học nói rằng có rất ít lý do để cho rằng đó là nguồn gốc của đại dịch. Không có bằng chứng trực tiếp nào cho thấy SARS-CoV-2 là nguyên nhân gây ra các đợt bùng phát lây truyền qua thực phẩm, trong khi bà Rasmussen lưu ý rằng, SARS-CoV-2 hiếm khi lây lan qua các bề mặt.
“Không phải là khả năng không thể xảy ra. Không thể loại trừ khả năng này. Nhưng tôi nghĩ rằng những bằng chứng hiện tại chưa đủ để thể hiện điều đó”, bà Rasmussen nói.
4. Rò rỉ từ phòng thí nghiệm
Theo WHO, khả năng virus SARS-CoV-2 rò rỉ từ phòng thí nghiệm là điều cực kỳ khó xảy ra.
Giả thuyết gây tranh cãi nhất về nguồn gốc của SARS-CoV-2 là virus bị rò rỉ từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, nơi các nhà khoa học nghiên cứu về virus corona ở dơi. Các nhà khoa học của WHO chỉ ra rằng, những bằng chứng cho thấy virus bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm là rất ít.
Có 2 khả năng của giả thuyết SARS-CoV-2 rò rỉ phòng thí nghiệm, đó là một nhà nghiên cứu vô tình bị nhiễm bệnh trong phòng thí nghiệm hoặc các nhà nghiên cứu cố tình sáng chế một dòng virus corona để tạo ra SARS-CoV-2. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã hoàn toàn bác bỏ khả năng thứ hai cho rằng SARS-CoV-2 đã được chế tạo ra bởi bằng chứng di truyền cho thấy virus phát sinh một cách tự nhiên. WHO tập trung vào khả năng virus vô tình thoát ra khỏi phòng thí nghiệm, nơi các mẫu động vật hoang dã đang được nghiên cứu.
Mặc dù trước đây đã có những sự cố rò rỉ trong phòng thí nghiệm, nhưng báo cáo của WHO chỉ ra rằng đây là những trường hợp rất hiếm. Theo báo cáo của WHO, không có hồ sơ nào cho thấy bất kỳ phòng thí nghiệm nào ở Vũ Hán đang nghiên cứu một loại virus liên quan chặt chẽ đến SARS-CoV-2 trước khi các ca mắc Covid-19 đầu tiên được chẩn đoán vào tháng 12/2019, cũng như không có bất kỳ nhân viên phòng thí nghiệm nào báo cáo triệu chứng mắc Covid-19.
Một bài báo của Wall Street Journal vào ngày 23/5 cho rằng, 3 nhà nghiên cứu từ Viện Virus học Vũ Hán của Trung Quốc đã bị ốm vào tháng 11/2019 và phải nhập viện vì “các triệu chứng phù hợp với cả Covid-19 và bệnh cúm mùa”. Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên ngày 25/5 đã lên tiếng bác bỏ thông tin này.
Khi báo cáo của WHO được công bố vào tháng 4, ông Lucey tin rằng giả thuyết này là hợp lý, mặc dù ít có khả năng hơn lây truyền từ động vật sang người do vẫn thiếu bằng chứng. Ông Lucey chỉ ra rằng, không có cuộc điều tra pháp y nào đối với các phòng thí nghiệm ở Vũ Hán.
“Thực sự không có bất kỳ cách nào để chứng minh hoặc bác bỏ lý thuyết rò rỉ từ phòng thí nghiệm dựa trên những gì được trình bày trong báo cáo này”, bà Rasmussen nói và lưu ý rằng, để giải quyết vấn đề, cần phải có một cuộc kiểm tra pháp y đối với phòng thí nghiệm để tìm ra nguồn gốc SARS-COV-2.
Theo chuyên gia Robertson, những người ủng hộ giả thuyết virus rò rỉ trong phòng thí nghiệm cho rằng, SARS-CoV-2 đã lây lan quá nhanh và hiệu quả trong loài người để trở thành virus có nguồn gốc tự nhiên. Nhưng nếu SARS-CoV-2 là một loài virus “thông minh” theo như các nghiên cứu bộ gen, ông Robertson nói rằng, không có gì ngạc nhiên khi nó lây nhiễm sang người nhanh và mạnh đến vậy./.
Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/4-kich-ban-ve-nguon-goc-cua-virus-sars-cov-2-863512.vov