4 kiểu người thích đi họp lớp, 3 kiểu có mời cũng không dự

Có những người vô cùng hứng thú với chuyện họp lớp, hội nào họ cũng có mặt nhưng lại có những người kiểu gì cũng từ chối tham gia.

Nhiều người chia sẻ rằng chỉ đến khi rời ghế nhà trường họ mới nhận ra thời đi học tuyệt vời như thế nào. Ngoài việc học tập ra, họ cơ bản sống một cuộc sống vô tư, không phải lo nghĩ cơm áo gạo tiền. Bởi thế mới sinh ra việc họp lớp, đây là dịp hiếm hoi những người bạn từng cùng học cùng chơi cùng phấn đấu có cơ hội được gặp lại nhau, được ngồi xuống hàn huyên tâm sự chuyện cũ chuyện mới.

Gặp lại nhau sau 5, 10, thậm chí 20, 30 năm, mỗi người bạn cũ nay đều đã có cuộc sống riêng với nhiều khác biệt từ ngành nghề, lĩnh vực đến cả địa vị.

Không phải lúc nào các buổi họp lớp cũng đông đủ nhưng thông thường, trong các buổi họp lớp không thể thiếu 4 kiểu người này.

Người đứng ra tổ chức họp lớp

Người này thường là lớp trưởng hoặc người có sự nghiệp khá thành công, có chỗ đứng nhất định trong xã hội. Ngoài việc gặp mặt bạn cũ, nhiều người trong số họ còn sẵn sàng nhân cơ hội này thể hiện phần nào thành tựu mình sở hữu.

Họp lớp là dịp ôn lại những kỷ niệm với bạn bè nên được nhiều người hưởng ứng (Ảnh minh họa)

Họp lớp là dịp ôn lại những kỷ niệm với bạn bè nên được nhiều người hưởng ứng (Ảnh minh họa)

Học sinh nghịch ngợm

Kiểu thứ hai là những học sinh cá biệt, nghịch ngợm, thậm chí điểm số cũng ở top dưới. Tuy nhiên, sau khi tốt nghiệp, bằng sự chăm chỉ và khéo léo, họ có được việc làm tốt, đạt được địa vị xã hội và mức thu nhập lý tưởng. Vì vậy, họ không “dị ứng” với việc đi họp lớp.

Đi họp lớp để kết nối

Kiểu thứ ba là những người có mục đích tham gia họp lớp để kết nối, xây dựng mối quan hệ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc sống và sự nghiệp của họ. Họ gần như không bao giờ vắng mặt trong các buổi họp lớp bởi họ có thể thu được lợi ích bất ngờ chỉ bằng việc cùng nhau dùng bữa.

Người chỉ muốn gặp lại bạn cũ

Nhóm người cuối cùng có ý tưởng đơn giản hơn, họ chỉ muốn giữ liên lạc với các bạn học cũ, một số khác thì muốn thăm lại những thầy cô đã từng dìu dắt mình. Dù ký ức đã phai nhạt nhưng họ vẫn muốn tận dụng cơ hội này để có thể kể cho nhau nghe về cuộc sống nhau sau khi tốt nghiệp.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Kiểu người không thích đi họp lớp

Chưa có thành tựu trong công việc

Đầu tiên là những người chưa đạt được tiến bộ đáng kể trong sự nghiệp sau khi tốt nghiệp, cũng như chưa thiết lập được nhiều mối quan hệ cá nhân. Họ sợ mình có thể xấu hổ trong trường hợp như vậy nên đã chọn không tham gia.

Người mờ nhạt

Kiểu thứ hai có thể là những người vốn đã “mờ nhạt” thời đi học. Hồi đi học họ không quá hòa đồng, không chơi với các bạn khác trong lớp nên sau khi ra trường, họ cũng chẳng giữ liên lạc với mấy người.

Do vậy dù có được mời, họ cũng không mấy mặn mà. Nếu có tham gia thì sẽ khá miễn cưỡng.

Người có tầm ảnh hưởng

Những người thật sự thành đạt, cuộc sống dư dả sẽ dễ từ chối việc họp lớp vì nghĩ rằng có thể sẽ có ai đó trong buổi họp lớp sẽ tiếp cận và nhờ vả mình nên không muốn thêm chuyện.

Trên thực tế, những buổi họp lớp chắc chắn sẽ có một số so sánh. Suy cho cùng, con đường sống của mỗi người sau khi tốt nghiệp là khác nhau, có người đạt được thành công rực rỡ, có người lại không suôn sẻ như vậy.

Để tránh trở thành tâm điểm bàn tán của người khác, hoặc không muốn nghe một số người khoe khoang trong bữa tiệc, đây chính là lý do khiến nhiều người chọn không tham gia họp lớp.

Mục đích cốt lõi của buổi họp lớp là ôn lại những ngày học tập đã qua. Hoạt động này như là chuyến du hành thời gian giữa ngôn từ, cho phép mọi người cùng nhau tái hiện lại những hồi ức một thời còn ngây thơ trong sáng. Cuộc tụ họp như vậy cũng nhằm mục đích mang đến cho mọi người những giây phút nghỉ ngơi tinh thần ngắn ngủi trong thời đại áp lực xã hội nặng nề.

T. Linh

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/4-kieu-nguoi-thich-di-hop-lop-3-kieu-co-moi-cung-khong-du-d200196.html