4 kính thiên văn cùng 'tóm' được quái vật vũ trụ đang xé bạn đồng hành
Bằng cách sử dụng một loạt kính thiên văn mạnh nhất, các nhà khoa học lần đầu tiên ghi nhận được những luồng gió ấm, lạnh từ một ngôi sao quái vật khi nó tiêu thụ vật chất từ người bạn đồng hành xấu số.
Sao neutron là một trong những vật thể cực đoan đầy thú vị của vũ trụ. Nó được hình thành từ một ngôi sao khổng lồ, sau 2 lần "chết đi", sụp đổ dần thành một vật thể nhỏ gọn nhưng mang năng lượng siêu mạnh. Các sự kiện liên quan đến sao neutron thường gây ra những sóng xung kích khốc liệt làm rung chuyển không thời gian.
Theo SciTech Daily, nhóm khoa học gia từ 11 quốc gia, dẫn đầu bởi Đại học Southampton (Anh) đã nghiên cứu vụ phun trào năng lượng gần đây của một hệ nhị phân được gọi là Swift J1858.
Họ đã sử dụng cùng 4 siêu kính thiên văn là Kính viễn vọng không gian Hubble của NASA, vệ tinh XMM-Newton của ESA (Cơ quan vũ trụ châu Âu), Kính viễn vọng Very Large của ESO (Đài thiên văn Nam Âu) và Kính viễn vọng Gran Tây Ban Nha.
Kết quả được công bố trên tạp chí khoa học Nature đã trình bày một loạt dấu hiệu liên tục của một cơn gió ấm ở bước sóng cực tím, xuất hiện đồng thời với một cơn gió lạnh ở bước sóng quang học. Đây là lần đầu tiên gió từ một hệ sao quái vật được nhìn thấy trên các dải khác nhau của quang phổ điện từ.
Các luồng gió này được giải phóng khi thành phần chính của hệ nhị phân, là một sao neutron quái vật, đang xé dần người bạn đồng hành.
Các tín hiệu mạnh đến nỗi vẫn rõ ràng dù cặp đôi đáng sợ này nằm tận phía bên kia thiên hà Milky Way.
Trước đó, Swift J1858 được phát hiện từ tín hiệu tia X thoáng qua khi bữa tiệc "ma cà rồng" được bắt đầu. Có thể nó sẽ kết thúc bằng một vụ nổ tàn khốc khi ngôi sao neutron "vỡ bụng" còn bạn đồng hành của nó hoàn toàn cạn kiệt.