4 lĩnh vực được ưu tiên vay vốn 'xanh'

Nông, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp; năng lượng tái tạo và vật liệu xây dựng là 4 lĩnh vực được phép thử nghiệm tại cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn, được ưu tiên vay vốn ưu đãi xanh, đất đai tối đa 5 năm.

Thúc đẩy tăng trưởng xanh

Tại dự thảo Nghị định về cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất 4 lĩnh vực được phép thử nghiệm tại cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn gồm: Nông, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp; năng lượng tái tạo; vật liệu xây dựng.

Cơ chế thử nghiệm nhằm tạo môi trường kiểm soát cho các dự án kinh tế tuần hoàn, thúc đẩy tăng trưởng xanh và nâng cao hiệu quả kinh tế, việc làm, thu nhập. Đồng thời, cơ chế này khuyến khích đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ hiện đại, chuyển đổi số, phù hợp với xu hướng phát triển xanh, bền vững, và chuỗi giá trị toàn cầu.

Cơ chế cũng giúp cải thiện năng suất, ổn định cơ cấu lao động, tăng khả năng chống chịu trước rủi ro như thiên tai, dịch bệnh, và đứt gãy chuỗi cung ứng. Kết quả triển khai sẽ là căn cứ để hoàn thiện khung pháp lý và quy định quản lý chính thức.

Năng lượng tái tạo cùng với nông, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp và vật liệu xây dựng là 4 lĩnh vực được ưu tiên vay vốn xanh theo cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn.

Năng lượng tái tạo cùng với nông, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp và vật liệu xây dựng là 4 lĩnh vực được ưu tiên vay vốn xanh theo cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn.

Dự thảo quy định các tổ chức được cấp Giấy chứng nhận tham gia cơ chế thử nghiệm khi đáp ứng đủ điều kiện về pháp lý, tài chính và dự án cụ thể. Theo đó, tổ chức phải là pháp nhân hợp pháp tại Việt Nam hoặc hoạt động dưới hình thức công ty hợp danh, doanh nghiệp tư nhân, tổ hợp tác, không trong quá trình chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, giải thể hay phá sản. Đồng thời, tổ chức cần có năng lực tài chính hoặc kế hoạch huy động vốn rõ ràng, khả thi, không vướng nợ xấu hay vi phạm nghiêm trọng về thuế và các quy định công bố thông tin.

Ngoài ra, tổ chức phải có dự án kinh tế tuần hoàn cụ thể, thuộc các lĩnh vực như nông, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp, năng lượng tái tạo và vật liệu xây dựng. Dự án này cần thể hiện tính khả thi và tiềm năng phát huy tác động tích cực về kinh tế, xã hội và môi trường. Trong đó, ưu tiên hiệu quả kinh tế thông qua lợi nhuận, năng suất lao động, việc làm và thu nhập cho người lao động. Các dự án cũng phải tận dụng nguyên liệu đầu vào từ nội địa, được thiết kế trên nền tảng công nghệ 4.0 và nếu sử dụng công nghệ nhập khẩu, cần có kế hoạch rõ ràng, khả thi về chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ tại Việt Nam.

6 chính sách hỗ trợ

Dự thảo đề xuất 6 chính sách trong cơ chế thử nghiệm, gồm chính sách về khu công nghiệp, phân loại xanh, chuyển giao công nghệ, tín dụng xanh, phát triển nguồn nhân lực và đất đai.

Dự án kinh tế tuần hoàn có tỷ trọng công nghiệp, năng lượng và dịch vụ từ 50% tổng doanh thu sẽ được phép hoạt động trong khu công nghiệp, khu kinh tế và hưởng các ưu đãi đầu tư tương ứng. Chính sách phân loại xanh chia dự án thành hai nhóm: toàn phần và bán phần, làm cơ sở xác định mức ưu đãi.

Dự án tham gia được hỗ trợ 50% chi phí thuê chuyên gia tư vấn công nghệ, miễn thuế nhập khẩu công nghệ, trang thiết bị, và hưởng ưu tiên trong thủ tục hải quan. Nhà nước cũng hỗ trợ 50% chi phí mua hoặc thuê giải pháp chuyển đổi số. Các dự án có thể vay vốn ưu đãi từ tín dụng xanh, quỹ phát triển xanh, và phát hành trái phiếu xanh theo quy định.

Về đất đai, tổ chức tham gia được phép sử dụng đất đa mục đích trong ranh giới quy hoạch dự án, với ưu tiên sử dụng mặt bằng sạch hoặc hỗ trợ giải phóng mặt bằng nếu nhà đầu tư ứng vốn.

Nguyệt Minh

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/chinh-sach/4-linh-vuc-duoc-uu-tien-vay-von-xanh-/20250107035526270