4 lý do khiến đồng yên rớt giá xuống đáy 34 năm dù Nhật không còn lãi suất âm
Điều đáng nói là tốc độ bán tháo đồng yên đã gia tăng kể từ khi BOJ đưa ra quyết định chấm dứt 8 năm lãi suất âm vào hôm 19/3...
Đầu năm nay, đã có nhiều nhà dự báo cho rằng đồng yên Nhật sẽ tăng giá mạnh khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) chấm dứt chính sách lãi suất âm. Tuy nhiên, sau khi BOJ tiến hành đợt nâng lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2007 vào tuần trước, đồng yên vẫn trượt giá.
Ngày 27/3, tỷ giá yên so với USD giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1990, với 151,97 yên đổi 1 USD. Diễn biến này làm dấy lên đồn đoán về khả năng Bộ Tài chính Nhật Bản có thể tiến hành can thiệp vào thị trường ngoại hối để vực dậy tỷ giá đồng nội tệ. Đồng yên yếu mang lại lợi ích cho các nhà xuất khẩu của Nhật Bản vì cải thiện sức cạnh tranh của hàng hóa Nhật ở nước ngoài, nhưng mặt khác cũng làm gia tăng giá hàng hóa nhập khẩu, gây sức ép lên ngân sách của các hộ gia đình ở nước này.
Vào ngày 26/3, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki tuyên bố cơ quan này không loại trừ bất kỳ biện pháp nào để kiểm soát sự mất giá của đồng yên. Đây là lời cảnh báo mới nhất của Tokyo nhằm vào các nhà đầu cơ trong bối cảnh Nhật Bản đang trải qua một giai đoạn nhạy cảm sau sự dịch chuyển mang tính lịch sử khỏi một giai đoạn dài chính sách tiền tệ lỏng lẻo.
Đồng quan điểm mà ông Masato Kanda - Thứ trưởng Bộ Tài chính phụ trách quan hệ quốc tế, quan chức cấp cao nhất về vấn đề ngoại hối của Nhật Bản - đưa ra trước đó một ngày, ông Suzuki nói rằng đồng yên yếu có cả hiệu ứng tích cực và tiêu cực đối với nền kinh tế nhưng mức độ biến động quá mức của tỷ giá gây ra bấp bênh cho hoạt động của doanh nghiệp. Điều này có thể gây tổn hại cho nền kinh tế, buộc Tokyo phải tập trung vào sự biến động của tỷ giá thay vì các mức tỷ giá cụ thể - ông Suzuki nói.
“Biến động tỷ giá nhanh chóng là điều không được mong muốn. Điều quan trọng là các đồng tiền ổn định và phản ánh đúng các yếu tố nền tảng của nền kinh tế”, vị Bộ trưởng nhấn mạnh.
Trao đổi với hãng tin Reuters, chiến lược gia trưởng Makoto Noji của công ty SMBC Nikko Securities cho rằng “không có gì đáng ngạc nhiên nếu nhà chức trách can thiệp vào thị trường tiền tệ khi tỷ giá đồng yên giảm quá mức 152 yên đổi 1 USD”.
Lần gần đây nhất Nhật Bản can thiệp vào thị trường ngoại hối để bảo vệ tỷ giá đồng yên là vào tháng 9-10/2022. Đợt can thiệp đầu tiên diễn ra khi đồng yên giảm về ngưỡng 145 yên đổi 1 USD, tiếp đó là khi mốc tỷ giá gần 152 yên đổi 1 USD xuất hiện.
“Phía sau sự mất giá của đồng yên không chỉ là các nhà đầu cơ mà còn là các nhà đầu tư cá nhân Nhật Bản muốn mua cổ phiếu ở nước ngoài. Chính phủ Nhật Bản cần cẩn trọng để không làm xáo trộn quá nhiều những dòng vốn đầu tư như vậy. Điều đó có nghĩa là nhà chức trách có thể không có nhiều lựa chọn ngoài việc ngăn đồng USD tăng giá lên mức 160 yên đổi 1 USD”, ông Noji nói.
Điều đáng nói là tốc độ bán tháo đồng yên đã gia tăng kể từ khi BOJ đưa ra quyết định chấm dứt 8 năm lãi suất âm vào hôm 19/3. Reuters đã đưa ra 4 lý do khiến đồng yên mất giá mạnh sau động thái chính sách tiền tệ mang tính bước ngoặt của Nhật Bản:
“BÁN THEO TIN TỨC”
Từ trước khi BOJ tuyên bố chấm dứt lãi suất âm cuối cùng còn sót lại trên thế giới, các tờ báo và hãng tin lớn đã dự báo trước về một động thái như vậy. Các điều kiện kinh tế của Nhật Bản - bao gồm tốc độ gia tăng mạnh của tiền lương, yếu tố có thể đảm bảo lạm phát bền vững, giảm bớt sự cần thiết của lãi suất âm hay chính sách kiểm soát đường cong lợi suất - là cơ sở chắc chắn cho những dự báo rằng BOJ sẽ hành động trong cuộc họp tháng 3.
“Động thái của BOJ đã được đoán trước, nên đã được thị trường phản ánh từ trước”, nhà giao dịch tiền tệ Patrick Hu của Citibank nhận định.
Trong phiên giao dịch ngày 19/3, đồng yên giảm giá hơn 1%.
GIAO DỊCH “CARRY TRADE”
Dù BOJ tăng lãi suất, yên vẫn là đồng tiền có lãi suất thấp nhất trong nhóm G10, bởi vậy vẫn là đối tượng lý tưởng của giao dịch chênh lệch lãi suất (carry trade). Trong giao dịch chênh lệch lãi suất, nhà đầu tư vay đồng tiền có lãi suất thấp và dùng tiền đó để đầu tư vào đồng tiền có lãi suất cao hơn.
Trước khi BOJ đưa ra quyết định tăng lãi suất và trước cuộc họp của các ngân hàng trung ương khác gần đây, nhiều nhà giao dịch thận trọng đã giảm bớt trạng thái “carry trade”. Sau đó, họ lại gia tăng các trạng thái này trên cơ sở cho rằng lãi suất của Nhật Bản sẽ không tăng nhanh từ đây.
Sau khi tăng, lãi suất ngắn hạn của BOJ đang ở ngưỡng 0-0,1% và được dự báo chỉ tăng thêm 0,2 điểm phần trăm trong năm nay là cùng. Trong khi đó, lãi suất quỹ liên bang (fed funds rate) - lãi suất cơ bản của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang ở mức 5,25-5,5% và được dự báo phải đến tháng 6 hoặc tháng 7 mới bắt đầu giảm. Chênh lệch lợi suất giữa trái phiếu chính phủ Mỹ và Nhật Bản kỳ hạn 10 năm hiện đang ở mức khoảng 3,5 điểm phần trăm.
NHÀ ĐẦU TƯ NHẬT GIỮ TIỀN Ở NƯỚC NGOÀI
Bức tranh lãi suất ở Nhật Bản cũng là lý do khiến các nhà đầu tư lớn của nước này giữ tiền ở nước ngoài để kiếm lợi nhuận cao hơn. Vì vậy, đồng yên thiếu đi sự hậu thuẫn của dòng vốn về nước. Theo Reuters, nhà đầu tư Nhật Bản đang giữ khoảng 3 nghìn tỷ USD dưới dạng trái phiếu nước ngoài và ngoại tệ ở nước ngoài.
Ngân hàng Bưu điện Nhật Bản (JPB) và Bảo hiểm Bưu điện Nhật Bản (JPI), hai trong số những công ty tài chính lớn nhất của nước này, nói với Reuters rằng danh mục của họ sẽ không thay đổi đáng kể gì sau sự dịch chuyển chính sách của BOJ.
RỦI RO CỦA VIỆC CAN THIỆP VÀO THỊ TRƯỜNG NGOẠI HỐI
Mốc tỷ giá 151,97 yên đổi 1 USD ghi nhận vào ngày 27/3 đã vượt qua mốc 151,94 yên đổi 1 USD - mức dẫn tới động thái can thiệp gần đây nhất của Bộ Tài chính Nhật Bản vào năm 2022. Thị trường có vẻ đang rất thật trọng với việc thử thách mốc 152 yên/USD dù nhà chức trách đã nhấn mạnh họ không nhắm đến một mốc tỷ giá cụ thể nào, mà thay vào đó quan tâm nhiều hơn đến những biến động mang tính chất đầu cơ.
“Nhiều người cho rằng có một ranh giới đối với sự mất giá của đồng yên ở gần ngưỡng 152 yên/USD, mốc tỷ giá dẫn tới sự can thiệp vào cuối năm 2022”, một báo cáo của ngân hàng HSBC viết. “Nhưng tình thế hiện nay là khó hơn trước, nhất là bởi đồng USD không ở trong một trạng thái bong bóng như giai đoạn tháng 10-11/2022. Bởi vậy, rủi ro ở đây là Bộ Tài chính Nhật Bản có thể không đạt được thành công đáng kể nếu họ can thiệp để bảo vệ tỷ giá đồng yên. Điều này có thể làm gia tăng mức độ bấp bênh đối với đồng yên và các đồng tiền khác”.