4 ngân hàng thương mại nhà nước đến mức giới hạn tăng trưởng
Để đáp ứng được chủ trương và mục tiêu Chính phủ đề ra, 4 NHTM nhà nước đang rất trông chờ vào quyết định của Nhà nước với vai trò của cổ đông chi phối trong việc thực hiện tăng vốn điều lệ. Báo Đầu tư Chứng khoán đã phỏng vấn luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO, thành viên Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế ngân hàng thuộc Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam về vấn đề này.
Vì sao việc tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước lại trở nên cấp bách ở thời điểm hiện tại, theo ông?
Mấy năm gần đây, việc tăng vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại (NHTM) nói chung, NHTM nhà nước nói riêng được đề cập thường xuyên và vấn đề càng trở nên cấp bách ở thời điểm hiện nay. Đây là điều dễ hiểu bởi năm 2019 là thời hạn phải thực hiện cả về quy định của pháp luật, cũng như thông lệ quốc tế về tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng, mà mấu chốt là mức vốn điều lệ của các NHTM có quy mô lớn nhất, trong đó có 1 ngân hàng 100% vốn nhà nước là Agribank và 3 ngân hàng có vốn nhà nước chi phối là Vietcombank, VietinBank và BIDV (gọi chung là NHTM nhà nước).
Về chủ trương, Quyết định số 1058/QĐ-TTg ngày 19/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020” đã đề ra mục tiêu: Tăng vốn điều lệ để bảo đảm tỷ lệ an toàn vốn theo chuẩn mực Basel II, bảo đảm vai trò chi phối của Nhà nước trong các NHTM nhà nước, trong đó Nhà nước nắm giữ mức tối thiểu 65% tổng số cổ phần.
Đồng thời, Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 8/8/2018 phê duyệt “Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã yêu cầu: Đến năm 2020, các NHTM do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ phải đáp ứng đủ vốn theo chuẩn mực an toàn vốn của Basel II.
Mặt khác, về bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng, hiện nay, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) bình quân của các NHTM nhà nước theo chuẩn mực vốn Basel I dao động xung quanh mức 9,4%, tức là sát mức tối thiểu theo quy định, thấp hơn so với mức bình quân chung của hệ thống các tổ chức tín dụng trong nước (13%).
Theo đó, các ngân hàng đã xây dựng phương án cụ thể, tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả kinh doanh, thực hiện các biện pháp nâng cao năng lực tài chính như kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng theo đúng định hướng chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước; tái cơ cấu lại danh mục tài sản có rủi ro theo hướng giảm tỷ trọng các tài sản có hệ số rủi ro cao; phát hành trái phiếu thứ cấp tăng vốn cấp 2 nhằm cải thiện tỷ lệ an toàn vốn...
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, nhưng thực tế cho thấy, các ngân hàng này vẫn khó đáp ứng mức vốn tối thiểu theo chuẩn mực của Basel II. Để có thể tăng vốn, đáp ứng được chủ trương và mục tiêu Chính phủ đề ra, ngoài nỗ lực tự thân, cả 4 ngân hàng cần phải được cổ đông lớn nhất là Nhà nước hỗ trợ bằng việc để lại cổ tức hoặc đầu tư thêm vốn.
Những năm qua, vì nhiều nguyên nhân mà các ngân hàng này chưa tăng được vốn. Đặt giả thiết vấn đề này chưa được giải quyết trong năm nay sẽ dẫn đến hệ lụy gì?
Nếu không tăng được vốn điều lệ, các ngân hàng này sẽ phải giảm tốc độ tăng trưởng tín dụng, ảnh hưởng đến khả năng cung ứng vốn phục vụ nền kinh tế, từ đó có thể tác động tới tăng trưởng kinh tế, giảm thu ngân sách từ thuế, đồng thời có nguy cơ vi phạm tỷ lệ an toàn vốn, ảnh hưởng xấu đến an toàn hoạt động, mức xếp hạng tín nhiệm quốc tế, uy tín trên thị trường; hạn chế vai trò chủ lực của các ngân hàng này trong toàn hệ thống (các NHTM nhà nước hiện có tổng tài sản và dư nợ tín dụng chiếm thị phần khoảng 50% toàn hệ thống ngân hàng - PV).
Nếu như Nhà nước không muốn các NHTM nhà nước tiếp tục giữ vai trò chủ đạo và không muốn duy trì tỷ lệ sở hữu chi phối tại các ngân hàng này nữa thì mới nói không với việc tăng vốn điều lệ.
Theo ông, việc tăng vốn điều lệ của ngân hàng nào là cần thiết nhất?
Theo tôi, cả 4 ngân hàng đều đang có cơ hội phát triển tốt và vốn điều lệ đều đã đến mức giới hạn tăng trưởng. Nhà nước tăng vốn đầu tư vào đây là một sự đầu tư hiệu quả, khả thi và cần thiết trong cả trước mắt cũng như lâu dài, có tác dụng đòn bẩy hỗ trợ phát triển nền kinh tế, xã hội.
Đi vào cụ thể từng ngân hàng, cần cân nhắc theo các mục tiêu xác định. Chẳng hạn, nếu nhằm vào hiệu quả sinh lời thì cần đầu tư cho Vietcombank. Nếu ưu tiên phát triển tín dụng nông nghiệp và nông thôn thì cần đầu tư cho Agribank. Nếu xét theo mức độ cần thiết thì có lẽ nên tăng vốn cho VietinBank trước tiên.
Lý do bởi ngân hàng này có tốc độ tăng vốn điều lệ chậm nhất trong số các NHTM nhà nước và từ năm 2014 tới nay không được bổ sung thêm vốn điều lệ. Do đó, hệ số CAR của VietinBank tương ứng bị sụt giảm và hiện đã tiến sát ngưỡng tối thiểu theo quy định. Tỷ lệ sở hữu Nhà nước tại VietinBank hiện đã xuống dưới mức tối thiếu 65% theo chủ trương của Chính phủ.
Nếu nhận được sự hỗ trợ kịp thời để cả 4 ngân hàng đều tăng được vốn thì Nhà nước sẽ bảo đảm được vai trò chi phối, từ đó phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của các ngân hàng này là công cụ đắc lực để thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, trong đó có việc cung ứng vốn cho tăng trưởng kinh tế, góp phần giúp Chính phủ đạt được mục tiêu tăng trưởng năm nay và những năm tiếp theo; gia tăng nguồn thu ngân sách; về lâu dài, bảo đảm an toàn hoạt động cho hệ thống các tổ chức tín dụng...
Các NHTM nhà nước đều là thành viên của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam. Ông có thể cho biết Hiệp hội đã thể hiện vai trò là cơ quan quản lý, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các hội viên như thế nào?
Thời gian qua, Hiệp hội đã có nhiều văn bản kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền nhằm giải quyết nhu cầu cấp thiết về tăng vốn điều lệ của các ngân hàng này. Chẳng hạn, Hiệp hội đã 2 lần gửi công văn tới Văn phòng Chính phủ về vấn đề này.
Từ đầu năm đến nay, Thường trực Chính phủ, các bộ, ngành liên quan đã có nhiều cuộc họp để xem xét, song vấn đề vẫn chưa được giải quyết. Hiệp hội vẫn tiếp tục nhận được đề nghị của 4 ngân hàng liên quan đến việc tăng vốn và chắc chắn thời gian tới sẽ tiếp tục lên tiếng để hỗ trợ các hội viên, qua đó góp phần tháo gỡ những khó khăn, “nút thắt” để tăng sức cạnh tranh cho hệ thống Ngân hàng Việt Nam, từ đó tăng đóng góp cho nền kinh tế.