4 người đàn ông khỏa thân trên đèo Mã Pì Lèng: Phản cảm, vô văn hóa
Đoạn clip ghi lại cảnh một nhóm du khách đi xe phân khối lớn khỏa thân ở khu vực khách sạn Panorama (đèo Mã Pì Lèng, Hà Giang) được lan truyền rộng khắp trên mạng xã hội vào chiều tối 8/10.
Trong đoạn video, trước những ánh mắt tò mò của người qua đường, các nhân vật trong clip có giải thích là để ‘bảo vệ môi trường’.
Xem toàn bộ clip này, một trong 4 nhân vật khỏa thân chia sẻ rằng, anh chưa biết công trình Panorama đúng sai thế nào nhưng sau khi đi một quãng đường dài đến đây, có một nơi nghỉ chân như thế này là rất tốt.
Người này cũng chia sẻ, đêm nay (đêm 8/10) nhóm của anh sẽ ngủ nghỉ tại đây và sẽ tiếp tục có những hoạt động đàn hát với rất nhiều nhạc cụ được mang theo trong tình trạng khỏa thân. Nhóm này cũng mời các du khách đang có mặt ở Đồng Văn, Mèo Vạc tới chung vui.
Hiện tại, video đã được gỡ bỏ chưa rõ nguyên do.
Trước hành động được cho là khá kỳ lạ này ở Việt Nam, cộng đồng mạng cũng có nhiều phản ứng khác nhau. Có người tỏ ra thích thú và cho rằng đây là một cách bày tỏ quan điểm thú vị. Nhưng cũng có nhiều người cho rằng đây là cách làm phản cảm cho dù nó nhân danh bảo vệ môi trường hay bảo vệ cho công trình Panorama.
‘Ở Việt Nam không chấp nhận được hành động phản cảm này’ - một cư dân mạng nhận xét.
GS.TS Vũ Gia Hiền, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Văn Hóa - Du lịch bày tỏ quan điểm ông không đồng tình với cách làm trên.
‘Hành vi không mặc quần áo ra đường, xuất hiện tại nơi công cộng là vi phạm pháp luật, gây mất trật tự xã hội. Tôi cho rằng đây là một hành vi vô văn hóa’, ông nói.
‘Những người này lấy mục đích bảo vệ môi trường là ý kiến chủ quan anh ta nhưng nó không đúng với khách quan, không phù hợp với văn hóa xã hội. Theo tôi, bảo vệ môi trường là một mục đích tốt nhưng hành động nào cũng phải thuận theo văn hóa, được sự cho phép của pháp luật’, GS.TS Vũ Gia Hiền nhận định.
Dưới góc độ xã hội, chuyên gia này cho rằng những hành động khỏa thân có thể thu hút sự chú ý của người khác nhưng cũng gây phản cảm cho cộng đồng, gây tác dụng ngược.
Chia sẻ với VietNamNet, luật sư Diệp Năng Bình - Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, trước đây, tại Điều 10 Nghị định 73/2010/NĐ-CP có quy định về xử phạt hành vi vi phạm quy định về nếp sống văn minh.
Theo đó, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 60 ngàn đến 100 ngàn đồng với hành vi không mặc quần, áo hoặc mặc quần áo lót ở nơi hội họp đông người, các địa điểm văn hóa, tín ngưỡng, nơi làm việc của các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội.
Nghị định 73/2010 đã hết hiệu lực kể từ 28/12/2013 và được thay thế bởi Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống, chống bạo lực gia đình.
Tuy nhiên, điều khoản về hành vi vi phạm quy định về nếp sống văn minh không còn xuất hiện trong Nghị định 167.
Năm 2017, Bộ VH,TT&DL đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử văn minh trong du lịch nhằm định hướng và nhắc nhở du khách những điều nên – không nên làm khi đặt chân đến mỗi địa danh, trong đó có các quy tắc như xếp hàng theo thứ tự, tuân thủ giờ giấc, trang phục lịch sự, ứng xử văn minh.
Nhưng đây cũng chỉ dừng lại ở bộ quy tắc ứng xử mang tính khuyến khích chứ không phải quy định về điều luật xử phạt mang tính chế tài, không có tác dụng ngăn chặn tình trạng này.
Gần nhất, Nghị định 45/2019/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ 1/8/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch, mới có quy định về xử phạt hành vi vi phạm của khách du lịch.
Tuy nhiên các hành vi được nêu ra cũng khá chung chung như: không thực hiện nội quy, quy định của khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch; hành vi ứng xử không văn minh hoặc không tôn trọng phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa địa phương nơi đến du lịch; hành vi gây phương hại đến hình ảnh quốc gia, truyền thống văn hóa dân tộc của Việt Nam... mà vẫn chưa có các văn bản dưới luật hướng dẫn rõ ràng hơn là những hành vi cụ thể nào. Vì thế, vụ việc du khách khỏa thân trên đèo Mã Pì Lèng vừa qua rất khó để xử phạt, do chưa có chế tài và quy định cụ thể.