4 nhóm vấn đề giúp phụ nữ dân tộc thiểu số không bị bỏ lại phía sau
Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Bùi Thị Hòa cho biết, sau 3 phiên kỹ thuật bàn về vấn đề lao động, việc làm, sinh kế cho phụ nữ DTTS; rào cản xã hội và chính sách liên quan đến phụ nữ DTTS, Ban tổ chức Hội thảo đã tiếp thu các khuyến nghị và chia thành 4 nhóm vấn đề quan trọng nhằm giúp phụ nữ DTTS không bị bỏ lại phía sau.
Chính sách liên quan tới bình đẳng giới thực hiện ở vùng DTTS chỉ chiếm khoảng 3,4%
Theo TS. Nguyễn Thị Mai Hoa, Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: Từ khi đổi mới (1986) đến nay, với 118 văn bản chính sách hiện còn hiệu lực, cho thấy Nhà nước ta đã ban hành không ít chính sách hỗ trợ phát triển vùng DTTS. Tuy nhiên, các chính sách hỗ trợ được ban hành còn tản mát, quy định rải rác ở nhiều văn bản với các cấp độ khác nhau.
Tính đến thời điểm này, duy nhất có Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14/01/2011 của Chính phủ về công tác dân tộc là văn bản pháp lý có hiệu lực cao nhất quy định về các chính sách đối với vùng DTTS; các văn bản còn lại chủ yếu dưới dạng thông tư hoặc quyết định phê duyệt các chương trình, đề án, chủ yếu mang tính chất quản lý, điều hành việc thực hiện đầu tư, hỗ trợ cụ thể, chủ yếu giải quyết những vấn đề trước mắt, cấp bách. Nhiều chính sách còn mang tính ngắn hạn, thiếu tính chiến lược; có chính sách manh mún, dàn trải, chồng chéo về nội dung, trùng lặp về địa bàn và đối tượng thụ hưởng. Trong khi đó việc phân bổ nguồn lực để triển khai lại tùy thuộc vào điều kiện thực tế của từng ngành, từng địa phương, trong từng giai đoạn nên hiệu quả thấp.
* Về chính sách dân tộc, Quốc hội và Chính phủ ban hành nhiều Luật, Chương trình, đề án, chính sách cho vùng DTTS. Theo số liệu thống kê của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, tính từ đầu thời kỳ đổi mới đến tháng 7/2019, Quốc hội đã ban hành và sửa đổi, bổ sung khoảng 80 Luật với 193 điều có các nội dung liên quan đề cập tới lĩnh vực DTTS.
* Theo Báo cáo của Chính phủ về việc đánh giá 3 năm thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS (giai đoạn 2016-2018), tính đến cuối 2018, hiện có 118 chương trình, chính sách đang có hiệu lực triển khai thực hiện ở vùng DTTS, trong đó có 54 chính sách trực tiếp (chiếm 45,8%) cho đồng bào DTTS và 64 chính sách chung (chiếm 54,2%) có ưu tiên cho đồng bào DTTS. Trong giai đoạn 2016 - 2018, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 41 chương trình, chính sách, trong đó có 15 chính sách (chiếm 36,6%) trực tiếp cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng DTTS và 26 chính sách chung (chiếm 63,4%) có ưu tiên cho đồng bào DTTS. Bên cạnh đó, có 21 chương trình mục tiêu có nội dung gián tiếp tác động đến vùng DTTS. Có 40 tỉnh, thành phố ban hành chính sách riêng của địa phương để hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội của đồng bào DTTS.
Mặt khác, trong số 118 chương trình, chính sách đang có hiệu lực triển khai thực hiện ở vùng DTTS, chỉ có 4 chính sách liên quan tới BĐG (chiếm khoảng 3,4%), gồm 2 chính sách trực tiếp cho phụ nữ DTTS. Kết quả này cho thấy còn nhiều bất cập trong chính sách thúc đẩy BĐG vùng DTTS. Cụ thể là, hệ thống chính sách liên quan tới bình đẳng giới và chính sách đối với đồng bào DTTS hầu như chưa được xây dựng theo quan điểm lồng ghép yếu tố giới và đặc thù DTTS; dẫn tới tình trạng chính sách BĐG thì không tính đến đặc thù cho đối tượng là phụ nữ DTTS, còn chính sách cho vùng DTTS lại không tính đến yếu tố giới. Vì vậy, phụ nữ DTTS dường như vẫn nằm ở điểm khuất của góc khuất, ít cơ hội tiếp cận chính sách nói chung, ngoài 2 chính sách trực tiếp là Quy định chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người DTTS khi sinh con đúng chính sách dân số và Đề án Hỗ trợ hoạt động BĐG vùng DTTS. Và ngay cả khi thực hiện các mục tiêu BĐG, nếu không có giải pháp phù hợp, phụ nữ DTTS cũng có thể gặp khó trong việc tiếp cận các chính sách.
Bên cạnh đó, còn có bất cập liên quan tới khâu tổ chức thực hiện chính sách. Theo đánh giá của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, 118 chính sách đang có hiệu lực hiện nay do 10 Bộ, ngành quản lý, chủ trì chỉ đạo, cùng với đó là những quy định về cơ chế, nguồn lực khác nhau gây nên khó khăn trong tổ chức thực hiện và theo dõi, tổng hợp. Trong công tác quản lý nhà nước, chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành trong triển khai, hướng dẫn thực hiện; việc thực hiện chính sách còn gặp phải những vướng mắc do phân bổ nguồn lực thiếu, dẫn tới tình trạng chính sách khó đi vào thực tế, hiệu quả thấp.
Như vậy, trên thực tế, cùng với vấn đề gia tăng bất bình đẳng trong phát triển giữa các dân tộc, tình trạng bất bình đẳng giới vùng DTTS vẫn còn khá nặng nề. Nữ DTTS ít khả năng tiếp cận những công việc làm công hưởng lương, được pháp luật lao động bảo vệ. Thực trạng trên cho thấy cần đẩy mạnh hơn nữa các chính sách hỗ trợ cho phụ nữ DTTS mới có thể thúc đẩy được tiến trình thực hiện các mục tiêu BĐG cũng như các mục tiêu Thiên niên kỷ mà Việt Nam đã ký kết.
Thay đổi cách tiếp cận, tăng quyền cho phụ nữ
Đây là những nội dung được nhiều đại biểu đề cập đến trong phiên kỹ thuật thứ 3 của Hội thảo chính sách “Thách thức và giải pháp để phụ nữ DTTS không bị bỏ lại phía sau”.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội LHPNVN: Về mặt nguyên tắc thì quy định quyền tham gia của phụ nữ DTTS trong Hiến pháp là đúng. Nhưng thí dụ trong Luật trẻ em, nếu không nghe trẻ em nói thì không thể tăng sự tham gia của trẻ em nên chúng ta có thể tham khảo cách này để quy định quyền tham gia của phụ nữ DTTS.
Một vấn đề mà bà Thanh Hòa nhấn mạnh là cần thay đổi cách tiếp cận, thay vì tiếp cận bắt đầu từ phụ nữ cần tiếp cận từ những bé gái - đó là giai đoạn vàng để có những phụ nữ tự tin, bản lĩnh trong tương lai.
Bà Reáchbha FitzGerald, Phó Ban Phát triển, Đại sứ quán Ireland, cho rằng, hội thảo là cơ hội để nhìn lại vấn đề của phụ nữ DTTS. Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ trong thu hẹp khoảng cách giới, giáo dục, giảm tỉ lệ tử vong của phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, thị trường lao động còn bất bình đẳng, mất cân bằng giới tính khi tỉ lệ sinh con trai cao… “Tôi từng gặp một phụ nữ DTTS tại Thanh Hóa, chị cũng như các chị em đã tự tin hơn, tự thực hiện các sáng kiến, các nghiên cứu ở địa bàn sinh sống. Mong ngày càng có nhiều phụ nữ DTTS như vậy để lan tỏa hình mẫu tại cộng đồng”- bà Reáchbha FitzGerald bày tỏ- “Hội thảo này đặc biệt quan trọng bởi thúc đẩy lồng ghép giới và hợp tác của các tổ chức cùng chia sẻ kinh nghiệm tăng quyền cho phụ nữ. Từ những bài học thực tiễn để đưa ra khuyến nghị chính sách cho tất cả các phụ nữ.”
TS Phạm Thái Hưng, chuyên gia độc lập, cho hay, từ khóa phổ biến nhất được nhắc đến trong các chương trình giảm nghèo bền vững là “ưu tiên”. Nếu tiếp cận dựa trên quyền thì quá tốt nhưng khoảng cách còn tương đối xa. TS Hưng cũng ví von: Dù là “mèo đen hay mèo trắng” thì vẫn cần “chuột”, ý nói rất cần có cơ chế và phải được cụ thể hóa bằng các chỉ tiêu cụ thể, cũng như hướng dẫn chi tiết để thực hiện.
Cũng như nhiều đại biểu có mặt, bà Đào Thị Bình, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, nhấn mạnh đến tầm quan trọng của giáo dục với phụ nữ DTTS. “Có nhiều mô hình giáo dục thường xuyên nhưng vẫn xa với những gì mà phụ nữ DTTS cần. Tôi nghĩ đến việc cần giáo dục kỹ năng sống cho phụ nữ DTTS. Không phải điều gì xa vời mà là giúp cho họ ngay từ nhận thức về mục tiêu cuộc sống, về mơ ước… Thực tế, phụ nữ DTTS có nhiều thế mạnh như họ nhanh nhẹn, tươi vui, có sức khỏe, năng lượng sống tốt. Chỉ cần người đi trước truyền cho họ cảm hứng, giúp họ có mục tiêu trong cuộc sống thì sẽ có nhiều thay đổi trong cộng đồng”.
4 nhóm vấn đề quan trọng
Tại Hội thảo chính sách "Thách thức và giải pháp để phụ nữ dân tộc thiểu số không bị bỏ lại phía sau" do Hội LHPNVN tổ chức, sau 3 phiên kỹ thuật rất quan trọng bàn về vấn đề lao động, việc làm, sinh kế cho phụ nữ DTTS, rào cản xã hội và chính sách liên quan đến phụ nữ DTTS diễn ra trong hai ngày 8, 9/8/2019 với sự trao đổi tích cực của các đại biểu có mặt, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Bùi Thị Hòa cho rằng, những người có mặt đều cảm nhận được bức tranh chung về thực trạng vùng DTTS.
Bức tranh đó có cả những gam màu tươi sáng, tràn đầy hy vọng với những thành tựu về công tác dân tộc. Các chỉ số về bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế, giáo dục, y tế, chính trị… cải thiện hơn nhiều so với 15 năm trước. Tuy nhiên vẫn còn nhiều điểm bất cập cả trong chính sách lẫn thực hiện chính sách, đó là chênh lệch ngày càng xa, đó là những góc khuất…
“Chúng ta đã chỉ ra nguyên nhân dẫn đến hạn chế, đó là định kiến về vai trò giới, những rào cản về phong tục tập quán, những khó khăn trong việc tiếp cận về ngôn ngữ, cơ hội tiếp cận thông tin và tất cả những vấn đề an sinh xã hội đó là sự tham gia và tiếng nói của người DTTS, phụ nữ DTTS trong các lĩnh vực”- TS Bùi Thị Hòa nhấn mạnh. Đồng thời bà cũng cho biết, đã tiếp thu khuyến nghị từ 3 phiên kỹ thuật và chia thành 4 nhóm vấn đề:
1- Khuyến nghị về chủ trương, chính sách pháp luật: Rất nhiều ý kiến đề xuất nhưng chỉ tập trung vào 3 vấn đề: 1- Đề nghị Ban chấp hành TƯ ban hành nghị quyết mới về công tác dân tộc thay cho Nghị quyết 24 sau 15 năm thực hiện bởi rõ ràng chính sách dân tộc có những vấn đề mới trong đó có cả những cam kết quốc tế mà văn bản cũ không còn phù hợp. Văn bản mới đó ra đời trong thời gian nào là thích hợp sẽ tiếp tục có đề xuất; 2- Kiến nghị Quốc hội, Chính phủ rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, hệ thống chính sách về DTTS trong đó chú ý đến luật hóa các quy định về quyền, về sự tham gia của phụ nữ và luật hóa các cam kết quốc tế; các chính sách pháp luật cũng cần chú ý nhiều hơn đến cách tiếp cận các mục tiêu BĐG từ quyền của người phụ nữ, từ các cam kết quốc tế, từ việc tiếp cận theo vòng đời của người phụ nữ. Để có người phụ nữ của ngày hôm nay thì rõ ràng chúng ta phải có chiến lược từ rất xa từ trẻ em gái; 3- Cần có 1 chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển bền vững vùng DTTS, trong đó các chính sách có lồng ghép giới về kinh tế, giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội… Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục, về việc cải tiến, thay đổi, nâng cao chất lượng hệ thống giáo dục.
2- Chính sách về DTTS nhiều nhưng sở dĩ các chính sách chưa đi vào cuộc sống như mong muốn vì liên quan đến việc tổ chức thực hiện. Kiến nghị về việc rà soát phân định rõ hơn chức năng nhiệm vụ của các bộ ngành, địa phương trong thực hiện chính sách DTTS. Hiện nay rất nhiều cơ quan làm, mỗi cơ quan làm 1 góc, 1 phần; Tăng cường trách nhiệm của các bộ ngành, các cấp trong việc thực hiện chính sách dân tộc, trong đó chú trọng đến công tác truyền thông, tổ chức các mô hình phù hợp với trình độ, với văn hóa của từng khu vực, từng nhóm đồng bào DTTS. Làm sao để thực hiện chính sách dân tộc không phải để cho có mà để đạt được những mục tiêu tạo sự thay đổi. Quan tâm hơn đến nguồn lực để thực hiện chính sách dân tộc. Ban hành nhiều chính sách dân tộc nhưng chưa thực hiện được như mong muốn chính vì nguồn lực thiếu, tài chính không đầy đủ…
3- Phát huy vai trò thế mạnh của người DTTS: Khơi dậy niềm tự hào, tự tin, tiềm năng, thế mạnh của người DTTS/vùng DTTS, của phụ nữ DTTS- tạo cho người DTTS thấy được giá trị của mình, cần phát huy và vươn lên. Hiện nay, đang nhìn người DTTS ở góc độ rất ưu tiên, là đối tượng rất khó khăn, thụ động, nhưng rõ ràng họ cũng có những thế mạnh. Hạn chế là lúc nào chúng ta cũng đưa chính sách đến và họ nhận chính sách từ trên xuống một cách thụ động. Trong khi thực tế họ có thể chủ động cách đi, cách thực hiện, có sáng kiến riêng. Sử dụng người uy tín, già làng, tấm gương tiêu biểu trong cộng đồng, những người DTTS thành công, những trí thức người DTTS để tạo ra những người dẫn dắt, đi tiên phong- đây là việc rất cần thiết. Không phải lấy mẫu hình nào ở nơi khác đưa về, chính những người tiêu biểu ở cộng đồng sẽ tạo động lực, cảm hứng cho người DTTS vươn lên; Tạo ra cơ hội, môi trường, những điều kiện cần và đủ để người DTTS, phụ nữ DTTS có thể nói lên tiếng nói của mình, được quyền quyết định những vấn đề của mình, được tham gia một cách tương xứng với thế mạnh và mong muốn của họ.
4- Sự tham gia, phối hợp của các cơ quan, tổ chức thực hiện chính sách dân tộc với 3 nội dung: Làm sao để phối hợp một cách hiệu quả giữa các bộ ngành, các cấp, các tổ chức để đạt được mục tiêu đề ra. Tạo ra sức mạnh chung từ những dự án nhỏ đã hoạt động hiệu quả ở từng vùng để thực hiện được những mục tiêu mà chúng ta hướng đến. Mong có sự gắn kết nhiều hơn, tốt hơn, tạo ra sự bền vững; Phát huy tốt hơn nữa vai trò của các tổ chức đại diện cho đồng bào. Nhiều ý kiến khẳng định vai trò của tổ chức Hội Phụ nữ. Chúng tôi cũng mong muốn các hoạt động của phụ nữ sẽ ngày càng thiết thực hơn bởi rõ ràng nếu không có tổ chức đại diện thì tiếng nói của phụ nữ, của người DTTS sẽ tản mát ở đâu đó, có thể như tiếng gió, tiếng chim… mà không hợp thành một bản hợp ca. Hội LHPN có trách nhiệm nhiều hơn trong việc thể hiện tiếng nói của tổ chức đại diện cho phụ nữ; Làm sao để tất cả các vấn đề giới hiện diện, được lồng ghép hiệu quả trong việc tham gia, thực hiện trách nhiệm của mình ở các cơ quan, tổ chức. Việc nâng cao nhận thức về giới, kỹ năng lồng ghép giới cho cán bộ của các cơ quan, các lực lượng vào công tác DTTS cũng là việc cần hết sức quan tâm.