4 nước EU chấp thuận thanh toán khí đốt mua của Nga bằng đồng rúp
Công ty phân phối năng lượng Uniper (Đức) và OMV (Áo) có kế hoạch sử dụng tài khoản bằng đồng rúp để thanh toán khí đốt mua của Nga, còn hãng Eni (Italy) cũng đang cân nhắc lựa chọn.
Tờ Financial Times (FT) ngày 28/4 đưa tin một số công ty năng lượng lớn nhất châu Âu đang chuẩn bị sử dụng hệ thống thanh toán mới mà điện Kremlin đưa ra đối với hợp đồng khí đốt đặt mua của Nga – một động thái khiến nhiều người chỉ trích nói rằng sẽ phá vỡ lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU), đe dọa đoàn kết nội khối.
Cụ thể, các công ty, tập đoàn phân phối khí đốt của Đức, Áo, Hungary và Slovakia có kế hoạch mở tài khoản bằng đồng rúp tại Ngân hàng Gazprombank (Nga) đặt tại Thụy Sỹ để đáp ứng yêu cầu của Nga về thanh toán khí đốt bằng đồng nội tệ. Trong số này có hai nhà nhập khẩu khí đốt lớn nhất của Nga là Unper có trụ sở ở Dusseldorf (Đức) và OMV có trụ sở tại Vienna (Áo).
Nguồn thạo tin ẩn danh cho biết các cuộc đàm phán giữa khách hàng châu Âu với Gazprom diễn ra dồn dập hơn, khi thời hạn chót để hoàn tất nghĩa vụ thanh toán đang đến gần. Riêng hãng Eni, một khách hàng lớn khác của Nga, cũng đang tính toán lựa chọn giải pháp phù hợp. Phải đến cuối tháng 5 tới Eni mới phải hoàn tất chi trả khoản tiền cho hợp đồng ký với phía Nga.
Những bước dịch chuyển này cho thấy tác động của việc Nga sử dụng khí đốt để gây sức ép với các nước về nguồn cung, khiến EU suy giảm khả năng tạo lập mặt trận thống nhất chống Nga. Tổng thống Vladimir Putin hồi cuối tháng 3 vừa qua đã ký sắc lệnh yêu cầu khách hàng từ những nước “không thân thiện” phải mở cả tài khoản ngoại tệ và tài khoản bằng đồng rúp tại ngân hàng Gazprombank.
Nga đã dừng cung cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria từ cuối ngày 26/4. Trong tuyên bố ngày 27/4, Gazprom cho biết đã gửi thông báo tới hai công ty năng lượng Bulgargaz (Bulgaria) và PGNiG (Ba Lan) về việc ngừng cung cấp khí đốt. Thông báo nêu rõ quyết định sẽ có hiệu lực cho đến khi các khoản thanh toán được trả bằng đồng ruble theo đúng sắc lệnh Tổng thống Nga Vladimir Putin.