Quân đội Israel tiến hành không kích nhằm vào khu vực biên giới Syria - Libăng
Tình hình căng thẳng tại Trung Đông tiếp tục diễn biến phức tạp khi trong ngày 13/11, quân đội Israel đã tiến hành chiến dịch không kích nhằm vào khu vực biên giới Syria - Libăng đồng thời mở các cuộc tấn công mới nhằm vào khu vực phía Nam thủ đô Beirut của Libăng.
Quân đội Israel thông báo lực lượng không quân nước này đã tấn công vào các tuyến đường vận chuyển vũ khí của phong trào Hezbollah tại khu vực biên giới Syria - Libăng dựa trên các thông tin tình báo quân sự của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF).
Trong khi đó, hãng thông tấn nhà nước SANA của Syria dẫn nguồn tin quân sự cho biết máy bay chiến đấu của Israel đã tấn công các cây cầu dọc theo bờ sông Orontes cùng các tuyến đường quanh khu vực biên giới giữa nước này và Libăng.
Các cuộc không kích đã gây thiệt hại đáng kể và khiến một số hệ thống cơ sở hạ tầng phải tạm dừng hoạt động. Tuy nhiên, các hoạt động quân sự của Israel tại khu vực Homs, miền Tây Syria, cũng đã vấp phải sự kháng cự từ hệ thống phòng không của Syria.
Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria (SOHR) cho biết ít nhất 15 người đã bị thương trong các vụ không kích trên.
Cũng trong ngày 13/11, Israel đã tiến hành 3 vụ không kích nhằm vào khu vực Burj al-Barajneh và Haret Hreik ở khu vực ngoại ô thủ đô Beirut của Libăng.
Chỉ tính riêng trong ngày 13/11, các khu vực phía Nam Beirut đã phải hứng chịu gần 20 cuộc không kích của Israel.
Theo thống kê của Bộ Y tế Libăng, ít nhất 3.365 người đã thiệt mạng và hơn 14.300 người khác bị thương do các cuộc tấn công của Israel kể từ khi giao tranh bùng phát hồi tháng 10 năm ngoái.
Trong bối cảnh giao tranh không có dấu hiệu hạ nhiệt, Hội đồng Bảo an LHQ cùng ngày đã lên án các vụ tấn công trong những tuần qua nhằm vào Lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ tại Libăng (UNIFIL).
Tuyên bố của Hội đồng Bảo an cũng kêu gọi các bên liên quan thực hiện mọi biện pháp có thể để tôn trọng sự an toàn và an ninh của các thành viên UNIFIL.
Trong diễn biến khác, Phong trào Hồi giáo Hezbollah ở Libăng tuyên bố lần đầu tiên sử dụng thiết bị bay không người lái (UAV) tấn công trụ sở Bộ Tổng tham mưu quân đội Israel ở thành phố Tel Aviv trong ngày 13/11.
Theo tuyên bố của Hezbollah, các chiến binh của phong trào này “lần đầu tiên… sử dụng một nhóm UAV cảm tử tấn công Căn cứ Hakirya, nơi đặt Bộ Chiến tranh (tức Bộ Quốc phòng Israel) và Bộ Tổng tham mưu cùng sở chỉ huy của lực lượng không quân”.
Ngoài ra, Hezbollah còn tiến hành một đợt tấn công khác bằng UAV nhằm vào căn cứ hậu cần Amos của quân đội Israel ở thành phố Afula, cách biên giới với Libăng khoảng 55km.
Cùng ngày, quân đội Israel (IDF) xác nhận đã không kích nhiều kho vũ khí và trụ sở của Hezbollah nằm trong các khu dân cư ở thủ đô Beirut của Libăng. Thông báo của IDF xác nhận “IAF (Không quân Israel) đã thực hiện một loạt cuộc tấn công tăng cường ở Beirut, nhắm mục tiêu và phá hủy thành công 9 cơ sở tàng trữ vũ khí cùng các trung tâm chỉ huy của Hezbollah”, mà lực lượng này “bố trí xen lẫn trong các khu vực dân sự”. Theo IDF, các biện pháp đặc biệt đã được thực hiện trước những đợt oanh kích nhằm giảm thiểu rủi ro cho dân thường.
Cũng trong ngày 13/11, tân Bộ trưởng Quốc phòng Israel, ông Israel Katz, tuyên bố không tán thành bất kỳ thỏa thuận ngừng bắn nào ở Libăng nếu không có điều khoản đảm bảo phong trào Hồi giáo Hezbollah bị giải giáp rút lui về phía Bắc sông Litani của Libăng hoặc tạo điều kiện cho cư dân miền Bắc Israel trở về nhà.
Phát biểu trong khuôn khổ chuyến thăm đầu tiên tới Bộ Tư lệnh miền Bắc cùng Tổng Tham mưu trưởng quân đội Israel Herzi Halevi, Bộ trưởng Katz nêu rõ: “Chúng ta sẽ không thực thi bất kỳ lệnh ngừng bắn nào, chúng ta sẽ không rời khỏi bàn đạp và chúng ta sẽ không cho phép bất kỳ thỏa thuận nào không bao gồm việc đạt được các mục tiêu của cuộc chiến.” Ông Katz nhấn mạnh Israel “sẽ tiếp tục khiến Hezbollah gánh chịu tổn thất ở mọi nơi”.
Cũng trong ngày 13/11, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã kêu gọi Israel thực thi và kéo dài việc ngừng giao tranh tại Gaza để tạo điều kiện thuận lợi cho việc cung cấp hàng viện trợ nhân đạo, trong bối cảnh thời hạn mà Washington đặt ra để cải thiện tình hình nhân đạo ở vùng lãnh thổ của Palestine này đã trôi qua.
Trước đó, ngày 13/10 vừa qua, Ngoại trưởng Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã gửi thư đến những người đồng cấp Israel, trong đó cảnh báo Israel cần cải thiện tình hình nhân đạo ở Gaza trong vòng 30 ngày tới, nếu không nước này sẽ có nguy cơ vi phạm luật pháp Mỹ về quản lý viện trợ quân sự nước ngoài. Do đó, các khoản viện trợ quân sự mà Mỹ dành cho Israel có thể bị đe dọa.
Luật của Mỹ yêu cầu những quốc gia nhận viện trợ quân sự phải tuân thủ luật nhân đạo quốc tế và không cản trở việc cung cấp viện trợ đó. Phát biểu với báo giới trong chuyến thăm Brussels (Bỉ), Ngoại trưởng Blinken cho biết Israel đã thực hiện một số biện pháp giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Gaza, song nhấn mạnh rằng vẫn còn nhiều việc phải làm.
Theo ông Blinken, mục tiêu của Mỹ là đặt ra thời hạn để buộc Israel cảm thấy cần phải hành động ngay lập tức để giải quyết tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng ở Gaza. Tính đến nay, Israel đã thực hiện 12 trong số 15 biện pháp mà Mỹ yêu cầu, nhưng ông Blinken lưu ý rằng vẫn còn "3 vấn đề lớn" cần phải giải quyết.
Một trong những vấn đề quan trọng là kéo dài việc ngừng giao tranh để đảm bảo viện trợ nhân đạo có thể tiếp cận người dân Gaza. Hai vấn đề còn lại là cho phép các xe tải thương mại vào Gaza và hủy bỏ các lệnh sơ tán để người dân có thể quay trở lại các khu vực sau khi Israel hoàn tất các chiến dịch quân sự ở đó.
Tình hình nhân đạo tại Gaza đã trở nên nghiêm trọng kể từ khi Israel phát động chiến dịch quân sự quy mô lớn vào vùng lãnh thổ này sau cuộc tấn công của Hamas nhằm vào Israel hồi tháng 10 năm ngoái.
Theo số liệu của phía Israel, cuộc tấn công của Hamas vào ngày 7/10/2023 đã khiến ít nhất 1.206 người thiệt mạng, chủ yếu là dân thường. Trong khi đó, cơ quan y tế tại Gaza do Hamas điều hành cho biết chiến dịch quân sự của Israel tại vùng lãnh thổ này đã khiến hơn 43.665 người thiệt mạng, chủ yếu là dân thường.
Cùng ngày, đại diện đặc biệt của Tổng thống Nga về Trung Đông và các nước châu Phi, Thứ trưởng Ngoại giao Mikhail Bogdanov, tuyên bố Moscow luôn sẵn sàng tham gia các nỗ lực để tiếp tục đàm phán về việc giải quyết xung đột Palestine - Israel.
Phát biểu sau Hội nghị cấp bộ trưởng châu Phi - Nga lần thứ nhất, ông Bogdanov khẳng định Nga sẵn sàng hỗ trợ trong khả năng của mình, miễn là những nỗ lực của Moskva được đánh giá là có ích và phù hợp với tình hình.
Giới chức Nga đã tiến hành các cuộc tiếp xúc với các bên liên quan trong cuộc xung đột, trong đó có Palestine, Israel và Qatar. Mặc dù tình hình rất phức tạp và khó khăn, Nga cam kết sẽ không từ bỏ việc can thiệp hay hỗ trợ giải quyết vấn đề.
H.N (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)