'4 tại chỗ', '3 sẵn sàng' ở Đắk Nông

'4 tại chỗ', '3 sẵn sàng' trong phòng chống thiên tai đã góp phần giảm thiệt hại, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho người dân Đắk Nông.

Ứng cứu kịp thời

Năm 2023, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức là địa bàn chịu ảnh hưởng lớn do thiên tai. Cụ thể, đêm 31/7/2023, tại bon Bu Krắc, xã Quảng Trực xuất hiện 2 tiếng nổ lớn. Sau đó, người dân cảm nhận có sự rung chấn từ mặt đất. Đến sáng 1/8/2023, người dân phát hiện nhiều vết nứt gãy trên mặt đất. Từ vết nứt này, những ngày sau tiếp tục có dấu hiệu lan rộng.

Để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, chính quyền địa phương cùng các ngành chức năng khẩn trương tiến hành nhiều cuộc di dân khẩn cấp.

Các lực lượng tại chỗ của xã Quảng Trực kịp thời hỗ trợ người dân bon Bu Krắc di chuyển tài sản ra khỏi vùng nguy cơ sạt lở đất

Các lực lượng tại chỗ của xã Quảng Trực kịp thời hỗ trợ người dân bon Bu Krắc di chuyển tài sản ra khỏi vùng nguy cơ sạt lở đất

Ông Điểu Long, Trưởng bon Bu Krắc, xã Quảng Trực cho biết, các lực lượng tại chỗ như dân quân tự vệ, thanh niên, quân sự, công an, bộ đội biên phòng... đã có mặt ngay sau khi sự cố xảy ra.

Các lực lượng này liên tục hỗ trợ người dân trong bon di dời tài sản ra khỏi vùng nguy hiểm. Người dân còn được bố trí chỗ ở, lương thực, thực phẩm… trong nhiều ngày để lánh nạn.

Ông Đặng Văn Huyến, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức cho biết, ngay khi xảy ra nứt gãy đất, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) xã đã có mặt xử lý các vấn đề liên quan.

Xã đã huy động 67 người trong đội xung kích tham gia hỗ trợ người dân. Cùng với đó, xã huy động 15 xe càng phục vụ công tác di dời người và tài sản ra khỏi vùng nguy cơ sạt lở cao.

Khu vực sạt lở nhanh chóng được lực lượng dân quân xã giăng dây, lập chốt chặn, hạn chế người dân ra vào để bảo đảm an toàn. Đồng thời, xã nắm bắt tình hình và đề xuất các phương án trước mắt, lâu dài để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.

Xã Quảng Trực đã tập trung triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn, di dời người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm. Sự chuẩn bị toàn diện và phối hợp chặt chẽ đã giúp xã Quảng Trực ứng phó kịp thời, giảm thiểu thiệt hại và bảo vệ an toàn cho cộng đồng.

Những năm gần đây, huyện Tuy Đức là địa bàn chịu nhiều ảnh hưởng bởi thiên tai. Để thực hiện có hiệu quả “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng” trong phòng, chống thiên tai, các xã trên địa bàn huyện đã thường xuyên củng cố hoạt động đội xung kích, Ban Chỉ huy PCTT - TKCN cấp xã, với khoảng 450 người, bình quân 75 người/xã.

Ông Đinh Ngọc Nhân, Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức cho biết, huyện Tuy Đức xác định công tác PCTT - TKCN là nhiệm vụ trọng tâm, song hành với phát triển kinh tế - xã hội.

Hàng năm, Ban Chỉ huy PCTT- TKCN huyện chỉ đạo các thành viên thường xuyên bám sát địa bàn các xã, chủ động triển khai và thực hiện tốt công tác phòng, chống thiên tai theo phương châm "4 tại chỗ”, “3 sẵn sàng”.

Nhờ chủ động ứng phó, nên thời gian qua, trên địa bàn huyện đã giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra như sạt lở đất, ngập lụt hay hạn hán...

Huyện Tuy Đức tặng quà, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi sạt trượt đất trên địa bàn xã Quảng Trực vào tháng 7/2023

Huyện Tuy Đức tặng quà, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi sạt trượt đất trên địa bàn xã Quảng Trực vào tháng 7/2023

Cũng theo ông Nhân, điển hình như năm 2023, thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, “3 sẵn sàng”, huyện Tuy Đức đã bảo đảm đời sống cho người dân vùng sạt lở, cung cấp lương thực, thực phẩm, nước sinh hoạt, y tế cho bà con…

Các cấp ủy, chính quyền địa phương kịp thời động viên, hỗ trợ người dân khắc phục khó khăn, chủ động ứng phó với thiên tai, ổn định cuộc sống, tái thiết sản xuất.

Phương châm “4 tại chỗ” gồm: lực lượng, chỉ huy, phương tiện, hậu cần tại chỗ. Phương châm “3 sẵn sàng” gồm: chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả.

Luôn chủ động, xung kích

Năm 2023 và những tháng đầu năm 2024 đã xảy ra nhiều loại hình thiên tai, trong đó hạn hán khốc liệt, gây thiệt hại nặng nề về sản xuất, tài sản trên địa bàn tỉnh.

Riêng năm 2023, mưa lũ kéo dài đã gây ra sạt lở đất, ngập lụt làm 2 người thiệt mạng và thiệt hại nghiêm trọng về hạ tầng, tài sản của người dân. Tổng mức thiệt hại về kinh tế của tỉnh trên 1.000 tỷ đồng.

Trong đó, xuất hiện các nguy cơ mất an toàn đập, hồ chứa nước Đắk N’Ting và các điểm sụt lún, sạt lở đất ở các tuyến đường giao thông, khu dân cư.

Lực lượng tại chỗ kịp thời hỗ trợ người dân vùng thiên tai di chuyển tài sản ra khỏi vùng nguy hiểm trong đợt mưa lũ tháng 8/2023 tại Đắk Nông

Lực lượng tại chỗ kịp thời hỗ trợ người dân vùng thiên tai di chuyển tài sản ra khỏi vùng nguy hiểm trong đợt mưa lũ tháng 8/2023 tại Đắk Nông

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười đánh giá cao sự chủ động của các địa phương trong ứng phó với thiên tai. Các địa bàn đã chủ động, kịp thời, linh hoạt, khẩn trương theo phương châm "4 tại chỗ", "3 sẵn sàng" mỗi khi xảy ra thiên tai, nên hạn chế được nhiều thiệt hại.

Với sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt và cơ chế phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ của các sở, ban, ngành, chính quyền các cấp; sự chung tay của các lực lượng tại chỗ, sự tương thân tương ái, đoàn kết, Đắk Nông đã nhanh chóng triển khai các giải pháp để ứng phó kịp thời với thiên tai.

"Các lực lượng đã góp phần bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của người dân, khắc phục kịp thời các hậu quả do thiên tai gây ra", Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mười đánh giá.

Lực lượng tại chỗ khoanh vùng sạt lở, bảo vệ an toàn tính mạng cho người dân

Lực lượng tại chỗ khoanh vùng sạt lở, bảo vệ an toàn tính mạng cho người dân

Theo ông Lê Trung Kiên, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Đắk Nông, với sự chỉ huy tại chỗ, các quyết định quan trọng được đưa ra nhanh chóng, phù hợp với tình hình thực tế, giúp giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.

Qua các đợt thiên tai cho thấy, các địa bàn đã huy động nhanh chóng các lực lượng tại chỗ và các tổ chức xã hội khác để tham gia cứu hộ, cứu nạn, bảo đảm an toàn cho Nhân dân.

Các địa phương đều chuẩn bị sẵn các phương tiện, vật tư tại chỗ đã giúp các lực lượng có thể sử dụng ngay khi cần, không phải chờ đợi viện trợ từ bên ngoài.

Sau khi thiên tai qua đi, lực lượng tại chỗ nhanh chóng đánh giá thiệt hại và triển khai các biện pháp khắc phục, giúp tái thiết hạ tầng, phục hồi sản xuất, ổn định cuộc sống cho người dân.

Hưng Nguyên

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/4-tai-cho-3-san-sang-o-dak-nong-225498.html