4 thách thức giữ ổn định tỷ giá cuối năm
Trong hôm nay 21/9, cả thế giới sẽ đều dõi theo chính sách lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đưa ra trong kỳ họp.
Theo dự báo, kỳ họp này Fed sẽ tiếp tục chính sách "diều hâu", nâng lãi suất mạnh tay để phản ứng với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 của Mỹ vẫn đang ở mức rất cao (8,1%), và theo đúng lộ trình mà Fed đặt ra.
TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính Tiền tệ quốc gia, nhận định là gần như chắc chắn trong kỳ, Fed sẽ tăng lãi suất ở mức 0,75 điểm %, đây là mức cao đối với giai đoạn hiện nay và gây tác động đến Việt Nam.
Nếu tăng mức 1% thì Fed phải hết sức cẩn thận. Bởi điều này sẽ tác động rất lớn đối với tâm lý nhà đầu tư cũng như doanh nghiệp, ông nhận định.
Tuy nhiên với bốn yếu tố từ chính sách tăng lãi suất của Fed sẽ dẫn đến chịu tác động gồm: lãi suất, đồng USD tăng, nghĩa vụ trả nợ của một quốc gia tăng và cuối cùng là hiện tượng dịch chuyển dòng vốn đầu tư, nhất là vốn đầu tư gián tiếp, thì Việt Nam rất may về cơ bản đều ở mức độ tương đối vừa phải và vẫn trong tầm kiểm soát.
"Lạm phát dự kiến ở mức dưới 4% trong năm nay, tỷ giá biến động ở mức vừa phải, xoay quanh mức 3% và nhà đầu tư vẫn có xu hướng mua ròng nhưng không nhiều, chỉ ở mức vài chục triệu USD, vẫn tốt hơn một số quốc gia bị bán ròng đến vài tỷ USD", TS. Cấn Văn Lực nhận định.
Từ nay đến cuối năm, 4 yếu tố của kinh tế vĩ mô, tiền tệ có thể chịu ảnh hưởng, tác động chính sách tăng lãi suất của Fed, nhìn chung, được các chuyên gia nhận định theo hướng khá tích cực.
Ông Brian Lee Shun Rong, chuyên gia Kinh tế của Tập đoàn Maybank (Malaysia) nhận xét, nền kinh tế Việt Nam đã phục hồi trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 8, dẫn đầu là tiêu dùng tăng mạnh. "Mặc dù chúng tôi đang thấy bằng chứng về một số tác động từ việc nhu cầu toàn cầu chậm lại, điều này sẽ là một kéo xuất khẩu trong những tháng tới, mức cơ bản thấp trong quý thứ ba của năm ngoái tiếp tục áp đảo số liệu tăng trưởng xuất khẩu hàng năm. GDP quý 3 sẽ được công bố vào tháng tới (29 tháng 9). Chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng GDP thực tế sẽ đến vào khoảng + 13%. Con số này sẽ mạnh hơn đáng kể so với mức + 7,7% của quý 2, phản ánh sự phục hồi từ giảm -6% trong quý 3 năm 2021", ông nói.
Các chuyên gia của định chế tài chính lớn thứ 4 châu Á -Maybank, cũng đã nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam cả năm lên + 8% vào năm 2022 (từ + 6,9% trước đây), chủ yếu dựa trên nền kinh tế có khả năng phục hồi tốt hơn trong quý III. Tăng trưởng quý 4 năm 2022 có thể sẽ vẫn tương đối mạnh mẽ (mặc dù trở lại một con số), được hỗ trợ bởi doanh số bán lẻ. Bất chấp việc tăng cường tiêu dùng hộ gia đình trong bối cảnh lượng khách du lịch quay trở lại và cải thiện thị trường lao động, các hiệu ứng cơ bản thuận lợi sẽ vẫn là yếu tố hỗ trợ doanh số bán lẻ trong quý IV.
Ở góc độ tiền tệ, theo TS. Cấn Văn Lực, xu hướng lãi suất vẫn đang tăng. Cả lãi suất huy động và lãi suất cho vay đều sẽ tăng nhẹ. Ông kiến nghị Chính phủ và NHNN tiếp tục chính sách điều hành như hiện nay, ổn định mặt bằng lãi suất cho vay để hỗ trợ phục hồi cho doanh nghiệp.
Áp lực về mặt tỷ giá vẫn còn tương đối lớn khi đồng USD duy trì sức mạnh với việc chỉ số DXY đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 20 năm qua. Nguồn: SSI Research
Ổn định lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp cũng là quan điểm mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có thông điệp rất rõ ràng ngay từ đầu năm. Mới đây Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cũng đã nêu rõ thông điệp này, với mục tiêu kép mà NHNN phải thực hiện từ nay đến cuối năm, không mở rộng tăng trưởng tín dụng ngoài 14%, giữ vững ổn định tỷ giá, lãi suất, góp phần ổn định lạm phát đồng thời đáp ứng hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và giữ tốc độ tăng trưởng.
Trong tháng 8, đồng VND đã có một số thông tin tích cực liên quan đến nguồn cung ngoại tệ (cán cân thương mại tháng 8 ước tính thặng dư tới 2,4 tỷ USD), tuy nhiên diễn biến tỷ giá vẫn đang chịu nhiều áp lực và chúng tôi không loại trừ khả năng NHNN có thể sẽ phải tiếp tục điều chỉnh tỷ giá bán USD - SSI Research
Đối với vấn đề tỷ giá, trong giai đoạn vừa qua, NHNN đã thực thi chính sách tiền tệ linh hoạt với sự kiểm soát theo đánh giá của TS. Cấn Văn Lực là "tương đối tốt", nhờ đó giữ được mức mất giá thấp nhất (2,8%) so với các đồng tiền trong khu vực và đặc biệt thấp so với mức mất giá của đồng Yên Nhật hay đồng Euro.
Ngoài ra, NHNN đã sử dụng các biện pháp trung hòa trong ngắn hạn mang tính thị trường để đạt được hiệu quả mục tiêu về tỷ giá.
Về nguy cơ các dòng vốn rút ròng ra khỏi mọi thị trường khi chính sách "diều hâu" của Fed ngày càng thắt chặt tiền tệ, đồng bạc xanh tăng mạnh, đối với Việt Nam, ghi nhận cho thấy sự trở lại mua ròng các nhà đầu tư ngoại nhưng không nhiều, vẫn được xem là một tín hiệu tốt phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư đối với thị trường. Và có thể nguy cơ bán ròng sẽ không xảy ra.
Báo cáo của SSI Research ghi nhận trong tháng 8, nhà đầu tư nước ngoài đã có động thái tích cực khi quay lại mua ròng +1,1 nghìn tỷ đồng trên HOSE.
"Chúng tôi thấy sự xuất hiện của nhiều mã Tài chính như SSI (+646 tỷ đồng), HDB (+453 tỷ đồng), STB (+345 tỷ đồng), CTG (+328 tỷ đồng), FTS (+168 tỷ đồng), SHB (+162 tỷ đồng), bên cạnh đó là các mã vốn hóa lớn khác như PVD (+471 tỷ đồng), HPG (+358 tỷ đồng), VNM (+280 tỷ đồng). Đáng chú ý, cổ phiếu HPG đã có tháng mua ròng đầu tiên trở lại sau 12 tháng liên tục bị bán ròng trước đó. Tỷ trọng giao dịch của khối ngoại trong tháng 8 đạt mức 7,7% sụt nhẹ so với mức 7,9% ở tháng 7 và đang có xu hướng tiếp tục đi xuống do việc đẩy mạnh giao dịch chủ yếu đến từ các nhóm nhà đầu tư trong nước", SSI Research thống kê.
Cập nhật phiên giao dịch gần nhất 20/9, một ngày trước khi kỳ Fed tăng lãi suất diễn ra, khối ngoại đã mua ròng trở lại tới hơn 575 tỷ đồng, gấp 4 lần so với phiên 19/9. Đây là điểm nhấn đặc biệt củng cố niềm tin cho toàn thị trường.
Có thể thấy, việc Fed tăng lãi suất chắc chắn sẽ diễn ra và gây tác động/ áp lực tới Việt Nam cũng như nhiều nền kinh tế khác. Trong diễn biến khó lường của những tháng còn lại của năm trước lạm phát leo thang ở những nền kinh tế lớn bao gồm cả quốc gia luôn phải đối mặt với suy thoái nhiều năm như Nhật Bản, vấn đề trọng tâm của Việt Nam là sẽ không thể "duy ý chí" điều hành chính sách vĩ mô (tiền tệ và tài khóa) nhằm cân bằng các mục tiêu vĩ mô (ổn định tỷ giá và lãi suất), mà còn có những thách thức trong tính toán những biện pháp hỗ trợ cần thiết cho nền kinh tế (như việc nới hạn mức tín dụng hay giải ngân gói hỗ trợ kinh tế), sao cho vẫn giữ được các mục tiêu vĩ mô.
Muốn giữ vững ổn định tỷ giá, theo chuyên gia Kinh tế TS. Đinh Thế Hiển, vì vậy sẽ phải thực thi đồng thời cả các chính sách tránh chi tiêu công và giữ vững tăng trưởng tín dụng ở mức phù hợp với tăng trưởng kinh tế (cung tiền quá mức). Trên thực tế, ông Hiển nói thêm, Chính phủ vẫn đã và đang thực thi đúng, trúng các chính sách này.