4 tháng đầu năm: Nền kinh tế tiếp tục đà tăng trưởng

4 tháng đầu năm 2025, nền kinh tế tiếp tục đà tăng trưởng, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Nhiều chỉ tiêu, chỉ số tăng trưởng tốt hơn hơn so với tháng trước và cùng kỳ năm trước.

Đây là thông tin được Bộ Tài chính cho biết tại báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2025.

Thu ngân sách đạt 48% dự toán năm

Theo báo cáo, trong tháng 4, chính sách thuế đối ứng của Mỹ tạo bất ngờ với hầu hết các quốc gia và ngay lập tức ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế, thương mại thế giới. Kinh tế Mỹ quý I giảm 0,3% so với cùng kỳ năm 2024; các tổ chức quốc tế đồng loạt hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2025.

Việt Nam đã chủ động từ sớm, từ xa, tăng cường trao đổi, tiếp xúc đa dạng, linh hoạt ở tất cả các cấp, các kênh, đặc biệt là cuộc điện đàm của Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Mỹ Donald Trump, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì 10 cuộc họp về phương án đàm phán. Việt Nam đã bắt đầu đàm phán và thuộc nhóm 6 nước được Mỹ ưu tiên đàm phán trong hơn 100 nền kinh tế.

Tình hình kinh tế - xã hội trong nước cơ bản ổn định, sản xuất kinh doanh duy trì đà tăng trưởng tích cực

Tình hình kinh tế - xã hội trong nước cơ bản ổn định, sản xuất kinh doanh duy trì đà tăng trưởng tích cực

Ở trong nước, tình hình kinh tế - xã hội cơ bản ổn định, sản xuất kinh doanh duy trì đà tăng trưởng tích cực. Người dân, doanh nghiệp tin tưởng, phấn khởi trước những quyết sách kịp thời, hiệu quả của Tổng Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với chính sách thuế của Mỹ. Các hoạt động kinh tế, xã hội sôi động hơn, người dân mạnh dạn chi tiêu nhiều hơn trong dịp lễ và mùa du lịch hè sắp tới.

Từ đó, nền kinh tế tiếp tục đà tăng trưởng, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Nhiều chỉ tiêu, chỉ số tăng trưởng tốt hơn hơn so với tháng trước và cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 4 tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước, 4 tháng tăng 8,4%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,1%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4 tăng 11,1%, 4 tháng tăng 9,9% (cùng kỳ năm 2024 tăng 8,6%). Trong tháng 4, các doanh nghiệp đẩy mạnh đơn hàng xuất khẩu, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu, nhập khẩu tăng khá cao, lần lượt đạt 18,6%, 19,1% và 18,1%, tính chung 4 tháng xuất khẩu tăng 12,8%, xuất siêu ước đạt 5,02 tỷ USD.

Tổng vốn FDI đăng ký 4 tháng ước khoảng 13,8 tỷ USD, tăng 40% so với cùng kỳ. Vốn thực hiện ước trên 6,7 tỷ USD, tăng 7,3%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 4 tháng tăng 3,2% so với cùng kỳ. Mặt bằng lãi suất cho vay mới có xu hướng giảm.

Theo Bộ Tài chính, kết quả thu nội địa đạt khá so dự toán và tăng so cùng kỳ chủ yếu do kinh tế những tháng cuối năm 2024 tăng trưởng đạt khá, những tháng đầu năm 2025 tiếp tục duy trì đà tăng trưởng.

Cùng với đó, việc ban hành kịp thời và tập trung triển khai ngay từ đầu năm các chính sách tài khóa, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã góp phần hỗ trợ cho doanh nghiệp nhanh chóng vượt qua khó khăn, thích ứng linh hoạt, phục hồi, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, qua đó tạo nguồn thu cho NSNN.

Đối với công tác quản lý ngân sách, tổng thu ngân sách Nhà nước (NSNN) 4 tháng năm 2025 ước đạt 944,1 nghìn tỷ đồng, bằng 48% dự toán, tăng 26,3% so cùng kỳ năm 2024. Trong đó, thu nội địa ước đạt 827,2 nghìn tỷ đồng, bằng 49,6% dự toán, tăng 29,5% so cùng kỳ năm 2024.

Về chi, tổng chi cân đối NSNN 4 tháng năm 2025 ước đạt 595,4 nghìn tỷ đồng, bằng 23,4% dự toán, tăng 15,2% so cùng kỳ năm 2024. Trong đó, chi đầu tư phát triển ước đạt khoảng 128,5 nghìn tỷ đồng, bằng 16,3% dự toán; chi trả nợ lãi ước đạt 36,8% dự toán; chi thường xuyên ước đạt 27,1% dự toán.

Các nhiệm vụ chi ngân sách trong 4 tháng đầu năm được thực hiện theo dự toán, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước và thanh toán các khoản nợ đến hạn, chăm lo cho các đối tượng hưởng lương, lương hưu và trợ cấp xã hội từ NSNN, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội.

Cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo. Tính đến ngày 24/4/2025, đã thực hiện phát hành gần 142,8 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, kỳ hạn bình quân 10,08 năm, lãi suất bình quân 2,91%/năm.

Các nhiệm vụ chi ngân sách trong 4 tháng đầu năm được đảm bảo.

Các nhiệm vụ chi ngân sách trong 4 tháng đầu năm được đảm bảo.

Mục tiêu tăng trưởng còn nhiều thách thức

Bên cạnh những điểm sáng tích cực, một số số liệu cũng cho thấy mục tiêu tăng trưởng, hoạt động đầu tư, kinh doanh… còn gặp nhiều thách thức.

Trong 4 tháng, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động đạt 89,9 nghìn doanh nghiệp. Số doanh nghiệp rút lui là 96,5 nghìn doanh nghiệp, bao gồm 68,7 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, 20,2 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, 7,6 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể.

Về phía cung, số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường 4 tháng thấp hơn số rút lui khỏi thị trường. Giá trị sản xuất ngành khai khoáng trong tháng 4 giảm so với tháng trước và cùng kỳ năm trước, 4 tháng giảm 4,3% so với cùng kỳ, nhất là ngành dầu khí (giảm 10,6%) do giá thế giới giảm.

Cũng trong tháng 4, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 72,65 tỷ USD, giảm 3,6% so với tháng trước và tăng 18,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2025, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 275,18 tỷ USD, tăng 15,0% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 12,8%; nhập khẩu tăng 17,3%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 5,02 tỷ USD

Về phía cầu, sức mua trong nước đã được cải thiện nhưng còn chậm. Tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 4 tháng vẫn thấp hơn mục tiêu cả năm (khoảng 12%). Khách quốc tế đến nước ta tháng 4 giảm 19,5% so với tháng trước, chỉ tăng 6,3% so với cùng kỳ. Một số dự án bị đình trệ, chậm tiến độ, có các vướng mắc pháp lý cần đẩy nhanh tháo gỡ để sớm được triển khai, hoàn thành.

Thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực dự báo diễn biến phức tạp, khó lường, đặt ra nhiều khó khăn, thách thức mới với nước ta. Tuy nhiên, đây đồng thời là cơ hội, động lực để nước ta tập trung cơ cấu lại thị trường, sản xuất và xuất khẩu, thu hút FDI chất lượng cao để đóng góp hiệu quả hơn cho tăng trưởng.

Trước mắt, Bộ Tài chính nhận định khối lượng, phạm vi công việc trong tháng 5 và Quý II là rất lớn, với nhiều việc mang tính cách mạng, chưa có tiền lệ, phải triển khai đồng thời, nhanh chóng, bảo đảm thông suốt, hiệu quả. Do đó, các cấp, ngành, địa phương cần phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt để đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra, bảo đảm tăng trưởng cả nước đạt 8% trở lên năm 2025./.

Hoàng Yến

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/4-thang-dau-nam-nen-kinh-te-tiep-tuc-da-tang-truong-175859.html