4 thói quen ăn sáng khiến đường huyết tăng vọt, nhiều người đang mắc mà không biết
Bữa ăn sáng có liên quan tới đường huyết của bạn. Bữa ăn đầu tiên được khuyến cáo nên ăn trước 8 giờ sáng và bữa cuối cùng trước 7 giờ tối, đây là thời điểm an toàn để kiểm soát đường huyết của bạn.
Một kết quả nghiên cứu được công bố trên “Tạp chí Dịch tễ học quốc tế” vào tháng 6/2023 cho thấy, so với những người ăn sáng trước 8h, những người ăn sáng sau 9h có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 cao hơn 59%. Không ăn sáng hoặc ăn sáng quá muộn sẽ ảnh hưởng đến việc kiểm soát lượng đường và lipid trong máu, nồng độ insulin.
Cũng theo một nghiên cứu mới từ Pháp đã gợi ý rằng, ăn sáng trước 8 giờ sáng và ăn tối trước 7 giờ tối có thể giúp giảm nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường loại 2. Đây là kết luận của các nhà nghiên cứu sau khi theo dõi hơn 100.000 người trong 7 năm.
4 thói quen ăn sáng khiến đường huyết tăng vọt, nhiều người đang mắc
Thói quen bỏ bữa sáng
Bỏ bữa sáng có liên quan đến nồng độ đường huyết trung bình cao hơn và tỷ lệ kiểm soát đường huyết kém đi. Điều này làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, thần kinh và tổn thương thận, bên cạnh việc suy giảm các cơ quan và mô khác.
Trong thời gian nhịn ăn kéo dài như nhịn ăn sáng, lượng đường trong máu có khả năng giảm xuống. Đối với một số người, thay đổi này có thể không đáng chú ý. Nhưng với những người khác, lượng đường trong máu thấp hơn có thể dẫn đến các triệu chứng hạ đường huyết như tim đập nhanh, run rẩy, đổ mồ hôi, khó chịu và chóng mặt.
Ăn sáng không đủ chất xơ
Theo CDC, chất xơ là một chất dinh dưỡng có rất nhiều chức năng, từ việc cải thiện sự đều đặn của hệ tiêu hóa và cholesterol trong máu đến tăng cảm giác no, làm chậm quá trình giải phóng carbohydrate vào máu.
Khi bạn ăn một bữa sáng ít chất xơ, nhiều carb, carbohydrate trong bữa ăn sẽ nhanh chóng đi vào máu dẫn đến lượng đường trong máu tăng vọt sau bữa ăn. Điều này có thể ảnh hưởng đến mức năng lượng và cảm giác thèm ăn.
Đối với một người không mắc bệnh tiểu đường, cơ thể được trang bị tốt insulin để hỗ trợ quá trình này. Tuy nhiên, theo thời gian, bạn sẽ bị suy giảm khả năng phản ứng hiệu quả với lượng đường tăng cao.
Để giảm bớt phản ứng cần thiết từ tuyến tụy, hãy thử thêm chất xơ vào trong bữa ăn sáng như ăn ngũ cốc nguyên hạt, bột yến mạch, thêm trái cây vào bữa ăn...
Ăn sáng không đủ protein
Một bữa ăn cân bằng là bữa ăn có chứa carbohydrate, protein, chất xơ, chất béo. Nếu không có tất cả các thành phần này trong bữa ăn, bạn sẽ hạn chế lượng vitamin và khoáng chất nạp vào cơ thể, khiến đường huyết tăng vọt.
Cơ thể bạn phải mất rất nhiều công sức để phân hủy và tiêu hóa protein. Khi bạn tiêu thụ chất dinh dưỡng này cùng với carbohydrate, nó cũng có thể làm chậm quá trình giải phóng carbohydrate vào máu.
Do đó, không ăn đủ protein vào bữa sáng có thể là mối đe dọa sức khỏe, khiến bạn có đường huyết tăng vọt bất thường.
Ăn sáng không ăn đủ chất béo lành mạnh
Tương tự như protein, chất béo cũng làm chậm quá trình tiêu hóa carbohydrate, giúp giảm khả năng tăng đột biến đường huyết. Ngoài ra, nó là một chất dinh dưỡng giúp bạn cảm thấy no lâu hơn sau bữa ăn. Do lợi ích no của chất béo, các bữa ăn cân bằng bao gồm cả chất dinh dưỡng này có thể hạn chế việc ăn vặt và kích thước bữa ăn, hỗ trợ quản lý đường huyết.
Chất béo lành mạnh, như chất béo không bão hòa có trong quả bơ, quả hạch và bơ hạt có thể làm giảm viêm trong cơ thể và thường không cần chuẩn bị nhiều trước khi kết hợp chúng vào bữa ăn.
Chế độ ăn thích hợp cho người bị đái tháo đường
Đối với người bệnh đái tháo đường, trong chế độ ăn cần bao gồm 4 nhóm thực phẩm, cho dù là vào bữa sáng hay các thời điểm khác trong ngày. Chúng bao gồm:
- Chất xơ, chẳng hạn như bột yến mạch, bánh mì ngũ cốc và bánh nướng xốp nguyên cám/lúa mì.
- Protein nạc, chẳng hạn như trứng, cá, đậu hoặc các loại hạt…
- Chất béo lành mạnh, chẳng hạn như dầu ô liu, bơ, bơ ăn cỏ và sữa, dừa và các loại hạt.
- Các loại rau không chứa tinh bột, chẳng hạn như ớt, cà chua, hành tây và đặc biệt là rau lá xanh đậm.