4 thuyền viên sống sót thần kì sau 9 ngày trôi dạt trên thuyền thúng kể lại hành trình hi hữu

4 người sống sót thần kỳ sau 9 ngày lênh đênh trên thuyền thúng được trở về trong nước mắt người thân.

Tối muộn 21/7, xe của đoàn công tác Bộ Chỉ huy bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Thuận chở 3 thuyền viên từ tỉnh Khánh Hòa về đến Bình Thuận trong sự chờ đón của nhiều người thân, hàng xóm.

Vừa về đến nhà, anh Luyến nức nở thắp nén nhang cho anh ruột Nguyễn Thành Lãng.

Vừa về đến nhà, anh Luyến nức nở thắp nén nhang cho anh ruột Nguyễn Thành Lãng.

Bốn người sống sót đầy may mắn trong số 15 ngư dân tỉnh Bình Thuận gặp nạn chìm tàu trên biển 9 ngày trước gồm các anh Nguyễn Thành Luyến (SN 1986), Hà Văn Tấn (SN 1972), Trần Theo (SN 1967), Trần Thuận Thanh (SN 1968).

Riêng ông Trần Văn Thanh, 1 trong 4 thuyền viên được cứu sống đợt này vẫn phải ở lại bệnh viện tại tỉnh Khánh Hòa để điều trị vì sức khỏe yếu.

Ngoài 4 ngư dân này, có 3 ngư dân đã tử nạn và 8 người vẫn còn mất tích.

Kể về hành trình hi hữu, trên báo Dân trí, anh Hà Văn Tấn cho biết vào ngày 10/7, trên đường về bờ, khi còn cách đảo Phú Quý khoảng 155 km thì tàu bị sóng đánh chìm.

Lúc gặp nạn, 15 thuyền viên đã bỏ 2 chiếc thuyền thúng xuống biển, chia làm 2 nhóm (một thúng 7 người và một thúng 8 người) để thoát thân. Sau đó ít ngày, 2 thuyền thúng bị trôi dạt mất liên lạc với nhau.

Vợ chồng anh Luyến rưng rưng nước mắt ngày gặp, chỉ nhìn nhau nghẹn ngào.

Vợ chồng anh Luyến rưng rưng nước mắt ngày gặp, chỉ nhìn nhau nghẹn ngào.

Những ngày sau đó, những người ngồi trên cùng một thúng với anh Tấn chống chọi giữa nắng, sóng gió trên biển và hứng nước mưa để uống. Các thuyền viên phải liên tục tạt nước vào mặt cho tỉnh táo và dùng chiếc xúc nhựa tát nước biển ra khỏi thúng để tránh chìm.

"Suốt nhiều ngày trên biển, anh em đói khát và chỉ biết cầu nguyện mong đợi có tàu đến ứng cứu. Tuy nhiên 3 người trên thúng của tôi đuối sức và tử vong. Không thể giữ các anh lại, chúng tôi đã bật khóc khi tiễn đưa các anh xuống biển" - anh Tấn đau buồn kể lại.

Sau đó, đoàn của anh Tấn gặp được tàu nước ngoài nhờ ứng cứu nhưng bất thành. "Họ đi ngang và hỗ trợ một ít lương thực, nước uống rồi rời đi", anh Tấn nói.

Đến ngày 19/7, nhóm 4 thuyền viên trong đó có anh Tấn may mắn gặp một thuyền đánh cá của ngư dân Bình Định cứu đưa lên tàu.

Ngư dân Hà Văn Tấn.

Ngư dân Hà Văn Tấn.

Trên báo Người lao động, ông Trần Theo cho biết sau gần 1 tháng đánh bắt ở ngư trường Trường Sa, tàu về bờ. Khoảng 5 giờ ngày 10/7, bất ngờ gặp sóng to, gió giật, nước ngập tàu khiến tàu BTh 97478 TS chìm rất nhanh. Toàn bộ ngư dân dù hết sức cố gắng cứu tàu nhưng không kịp nên tất cả lên 2 thuyền thúng. Trong đó, 1 thuyền thúng 7 người của nhóm ông Theo và 1 thúng 8 người của nhóm thuyền trưởng Bùi Văn Toàn. Các ngư dân không kịp đem theo bất cứ thứ gì và cứ thế lênh đênh trên biển.

Ông Theo kể 2 thuyền thúng này thả trôi nhưng vẫn bám sát nhau. Tuy nhiên, khi phát hiện một tàu có ánh sáng, 2 nhóm cố sức bơi đến và lạc nhau. Trong thời gian lênh đênh trên biển, 3 người trên thuyền thúng của ông Theo kiệt sức.

"Họ đói quá, khát nước nên lả dần rồi qua đời. Anh em thấy để lâu quá mà bắt đầu bốc mùi nên đành băng bó, cột thi thể, khấn vái rồi thả về biển cả. Những người còn lại cố gắng cầm cự, uống nước biển, trời mưa thì hứng nước mưa uống. Đến khoảng 13 giờ ngày 19/7, tàu Bình Định BĐ 96935 TS phát hiện và 4 người chúng tôi mới thực sự qua được cửa tử", ông Theo nghẹn ngào.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thành Luyến không thể cầm được nước mắt vì 2 người thân của ông trên thuyền thúng đã chết vì kiệt sức là người chú Nguyễn Thành Lương và anh cả Nguyễn Thành Lãng. Trên chiếc thúng 8 người thì có ông Nguyễn Thành La cũng là anh trai ông Luyến.

"Chú Lương và anh Lãng bị lở loét nặng do ngâm nước, phơi giữa nắng lâu ngày cộng với khát nước và đói nên lần lượt qua đời. Tự tay tôi phải thả 2 người xuống biển. Còn người anh Nguyễn Thành La cũng mất tích. Đau khổ vô cùng...", ông Luyện bật khóc nức nở.

Ông Hà Văn Tấn cho biết khi lênh đênh giữa biển, ông không còn suy nghĩ được bất cứ điều gì vì đói khát, mệt mỏi. Buổi sáng thì rất nắng nhưng cứ chiều đến lại mưa to, sóng lớn.

Các ngư dân phải dùng hết sức tàn tát nước biển ra khỏi thuyền thúng. Nhiều khi thấy tàu lớn từ xa, cả nhóm ráng sức la hét, ra tín hiệu mong được cứu giúp nhưng bất thành. "Nếu không có tàu Bình Định ứng cứu kịp thì nhóm chúng tôi chết chắc. Chúng tôi mừng như được sinh ra lần nữa. Họ là ân nhân, cứu tinh của chúng tôi", ông Tấn bày tỏ.

Ngày 12/7, Chi cục thủy sản Bình Thuận nhận được thông tin từ bà Trần Thị Phượng (SN 1975, ngụ TP Phan Thiết) về việc tàu cá BTh 97478 TS do ông Bùi Văn Toàn làm thuyền trưởng cùng các thuyền viên bị mất liên lạc.

Theo bà Phượng, sáng 9/7, ông Toàn có điện thoại thông báo ngày 10/7 tàu cá sẽ quay về cảng Phan Thiết.

Đến sáng 12/7, không thấy tàu cá vào bến, bà Phượng gọi điện thoại cho ông Toàn nhưng không được.

Từ 8h-10h30 ngày 12/7, điện thoại ông Toàn có đổ chuông, nhưng không ai nghe máy.

Theo lịch trình, tàu cá này xuất cảng Phan Thiết vào ngày 21/6, hành nghề tại khu vực biển Trường Sa - DK1. Đến 5h7 ngày 10/7, trên hành trình về lại cảng Phan Thiết, tàu bị mất liên lạc (không có tín hiệu máy giám sát hành trình) tại vị trí cách đảo Phú Quý khoảng 84 hải lý về hướng Tây Bắc.

Hiện việc tìm kiếm 8 ngư dân còn mất tích trên biển vẫn được tiếp tục.

Xúc động khoảnh khắc đoàn tụ gia đình của các lao động trên tàu cá bị nạn ở Bình Thuận

K.N (th)

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/4-thuyen-vien-song-sot-than-ki-sau-9-ngay-troi-dat-tren-thuyen-thung-ke-lai-hanh-trinh-hi-huu-172220722103241323.htm